spot_img
20 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Là sự thật hay hư cấu? Bí ẩn trong “Mật mã Da Vinci”

Là sự thật hay hư cấu? Bí ẩn trong “Mật mã Da Vinci”
Bức tranh The Conversion of Mary Magdalene của Paolo Veronese. (Miền công cộng)

Bộ phim điện ảnh “Mật mã Da Vinci” làm dấy lên nhiều tranh cãi khi chỉ ra một bí mật động trời: Chén Thánh là ám chỉ Mary Magdalene, nữ môn đồ của Chúa Jesus. Đó là sự thật, hay chỉ là hư cấu? Nhà tiên tri Edgar Cayce vén mở cho chúng ta câu trả lời.

Năm 2006, bộ phim điện ảnh “Mật mã Da Vinci” (The Da Vinci Code) với sự tham gia của Tom Hanks, diễn viên gạo cội Hollywood từng đạt giải Oscar, đã châm ngòi cho cuộc thảo luận bùng nổ về một chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Mật mã Da Vinci

Câu chuyện hôm nay bắt đầu từ bộ phim điện ảnh ăn khách năm 2006 – “Mật mã Da Vinci”.

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dan Brown, kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật về Chúa Jesus, và rằng Tòa thánh Roma đã biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Trong phim, nhân vật nam chính Robert Langdon (do Tom Hanks thủ vai) vướng vào rắc rối vì cái chết của Jacques Saunière – quản lý bảo tàng Louvre. Thi thể của Saunière cùng với các thông điệp bí ẩn liên quan đến ba bức tranh nổi tiếng của Leonardo Da Vinci là “Người Vitruvius”, “Mona Lisa” và “Bữa tiệc cuối cùng”. Những manh mối này mách bảo Langdon đi tìm tung tích của Chén Thánh, cuối cùng ông phát hiện ra một bí mật động trời: “Chén Thánh” là ám chỉ Mary Magdalene, người được coi là vợ của Chúa Jesus.

Mary Magdalene, nữ đệ tử trung thành của Chúa Jesus, lại là vợ, hơn nữa còn mang trong mình giọt máu của Chúa sao? Tình tiết hư cấu giật gân này là chủ đề thu hút nhiều chú ý nhất và gây nhiều tranh cãi nhất suốt thời gian qua.

Ngay sau khi tác phẩm được ra mắt, Giáo hội đã cực lực lên tiếng phản đối vì cho đó là bôi nhọ Chúa Jesus, và kêu gọi công chúng hãy tẩy chay.

Thế nhưng nhiều người vẫn không đồng tình: Chẳng phải chỉ là câu chuyện hư cấu sao, phản ứng thái quá thế làm gì? Hơn nữa ở phương Đông, trước khi xuất gia Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từng làm hoàng tử, cũng cưới vợ sinh con, chẳng phải Ngài vẫn thành Phật đó sao? Mẫu thân của Chúa Jesus là Đức mẹ Maria và cha nuôi Ngài là Thánh Giuse cũng sinh mấy người con trai và con gái, nhưng rốt cuộc Thánh mẫu vẫn là Thánh mẫu mà! Chúa Jesus bước ra truyền Đạo năm Ngài 30 tuổi, chiểu theo phong tục của người Do Thái, độ tuổi ấy cũng nên thành gia lập thất từ lâu rồi, phải vậy không?

Vậy điểm mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? Chính là: Chúa Jesus khi ấy đã có gia đình hay chưa. “Thánh Kinh” hoàn toàn không nói rõ điều này. Quãng đời 30 năm trước khi Chúa truyền Đạo gần như không ghi chép trong “Kinh Thánh”, cũng không thể tìm thấy trong sử sách. Ngoại trừ dị tượng khi Chúa giáng sinh thì chỉ có một sự kiện được ghi chép là năm 12 tuổi, Ngài đã đối đáp vô cùng trôi chảy với các trưởng lão trong Thánh điện Jerusalem, thể hiện trí huệ vượt xa độ tuổi của mình. Nhưng còn những năm khác thì sao? Chúng ta không thể tìm thấy manh mối nào. Vì vậy, đoạn thời gian 30 năm bí ẩn ấy đã để lại khoảng trống sáng tác cho những người kể chuyện.

Mật mã davinci.jpg
Bìa cuốn “Mật mã Davinci” bản tiếng Việt. (Nguồn: Wikipedia)

Edgar Cayce nói về Chúa Jesus

Chúa Jesus lớn lên như thế nào? Ngài có quan hệ gì với Mary Magdalene? Chúng ta hãy nghe lời giải thích của “nhà tiên tri ngủ gật” nước Mỹ – Edgar Cayce. Có thể bạn đã biết Cayce là nhà tiên tri lừng danh có khả năng giải thích tiền kiếp của người khác, giúp họ giải khai những nút thắt trong tâm, từ đó chữa trị khỏi bệnh. Sau này mọi người gọi những lời giải thích của ông là ‘diễn giải cuộc đời’.

Theo Edgar Cayce, năm 13 tuổi Chúa Jesus bắt đầu hành trình du học, Ngài đã đi qua Ấn Độ, Ba Tư, Syria, và Ai Cập. Khi ở Ấn Độ, Ngài học tập theo Kahanji và Arcahia, dùng phương thức tịnh khiết bản thân để đề cao năng lượng tinh thần và thân thể. Sau đó Ngài đến Ba Tư, bái một vị sư phụ là Junner và học về hợp nhất sức mạnh.

Khi nghe tin cha nuôi Giuse qua đời, Ngài đã vội vã trở về nhà. Sau đó, Ngài lại đến Ai Cập, sống rất nhiều năm ở đó trước khi bước ra truyền Đạo. Ngài từng sống ở ‘thành phố Mặt trời’ Heliopolis, nơi có đền thờ Thần Mặt Trời lớn thứ hai Ai Cập. Tại đây, Ngài đã học làm một thầy Tư tế. Một người anh em họ của Chúa Jesus tên là John, còn gọi là Giăng Báp-tít hay Gioan Tẩy Giả, sau này làm lễ rửa tội cho Ngài trên sông Jordan, mặc dù cả hai là bạn đồng môn nhưng lại không cùng một cấp học.

Khi sắp học thành, Chúa Jesus bước vào cuộc khảo nghiệm nhập môn cuối cùng trong đại kim tự tháp. Cayce nói rằng, đại kim tự tháp không phải là lăng mộ của Pharaoh mà là một phương tiện để linh hồn xuyên không. Chiếc quan tài bằng đá trống rỗng trong kim tự tháp tượng trưng rằng cái chết không phải là chấm dứt sinh mệnh. Quá khứ và tương lai nhân loại đều được kiến tạo trong kết cấu của kim tự tháp, chỉ những ai hoạch đắc được chỗ ảo diệu huyền bí của nó mới có thể đọc hiểu được.

Có thể bạn đã từng nghe nói về Erzsébet Haich, nữ thiền sư Yoga người Hungary. Trong cuốn sách nổi tiếng với tựa đề “Initiation”, bà đã kể về những trải nghiệm tiền kiếp khi còn sống ở Ai Cập cổ đại. Erzsébet Haich kể rằng, quá trình khảo nghiệm nhập môn là hung hiểm dị thường. Người chịu khảo nghiệm được yêu cầu phải trải qua các loại ảo ảnh khác nhau trong quan tài đá, đối diện với những tâm như tham lam, sợ hãi, sắc dục, v.v. Nếu thí sinh tâm niệm kiên định thì có thể nhìn thấu huyễn cảnh, thành công vượt qua khảo nghiệm, chính thức trở thành Tư tế. Nhưng nếu bị hãm trong huyễn cảnh mà không thể tự vực lên được thì nhục thân sẽ chết, linh hồn tiến nhập vào luân hồi, phải kinh qua các kiếp sống khác nhau thiết lập trong huyễn cảnh, không biết khi nào mới có thể trở về.

Cayce nói rằng, Chúa Jesus đã xuất sắc vượt qua khảo nghiệm hung hiểm này. Trong khảo nghiệm Ngài đã xác nhận bản thân sẽ bị đóng đinh trên Thập tự giá, sau đó là cái chết và phục sinh. Vậy nên khi ngày ấy đến, Chúa Jesus vẫn bình thản nở nụ cười trên môi. Bởi vì trong đại kim tự tháp, Ngài đã trực tiếp đối mặt với cái chết, chiến thắng nỗi sợ hãi trong tâm.

Cayce cho biết, ghi chép về những năm đầu đời của Chúa Jesus đều được lưu giữ trong Thư viện Alexandria ở Ai Cập, đáng tiếc là chúng đã bị phá hủy vào thế kỷ II sau Công nguyên. Đây cũng là nguyên nhân vì sao hậu thế không thể tìm được đoạn lịch sử này của Ngài. Mãi đến đầu thế kỷ XX, người ta mới phát hiện một bản thảo chép tay trong ngôi đền cổ dưới dãy núi Himalaya, viết về trải nghiệm của Chúa Jesus khi học Phật Pháp ở Ấn Độ, lúc ấy tên Ngài là Isa. Điều này chứng minh rằng, Chúa Jesus đã từng đến Ấn Độ, mặc dù Giáo hội không thừa nhận điều này, nhưng nó đã được công nhận rộng rãi ở phương Đông, đặc biệt là tại Ấn Độ.

Điều thú vị là, Edgar Cayce không thấy Chúa Jesus học điều gì từ người Hy Lạp và người La Mã. Dường như tất cả những gì Ngài học được đều đến từ phương Đông. Tuy nhiên, nền tảng trong tín ngưỡng Đông phương là nhân quả luân hồi lại không được thừa nhận trong Cơ Đốc giáo ngày nay. Liệu có phải Chúa Jesus không giảng chút gì về luân hồi? Sự thực sự có đúng như vậy hay không?

Edgar Cayce nói về Mary Magdalene

Quay trở lại với nữ môn đồ của Chúa Jesus là Mary Magdalene. Theo Giáo hội, bà là một kỹ nữ được Chúa cứu thoát, nhờ ân điển của Chúa mà thay da đổi thịt, có được cuộc đời mới.

Trong quá trình giải thích, Cayce đã nhìn thấy tiền kiếp của Magdalene. Trong kiếp sống thứ nhất bà là một công chúa ở Atlantis. Nàng có địa vị cao quý và tài năng hơn người, có thể dùng từ lực để giúp mọi người giải trừ ác linh, tịnh hóa thân thể. Nhưng đáng tiếc là chính vì sở hữu năng lực đặc biệt này mà nàng trở nên ngạo mạn, không lắng nghe ý kiến của người khác. Đến đời sau công chúa Atlantis chuyển sinh thành Nhạc sư trong Thần điện Ai Cập, có thể sử dụng năng lượng cao tầng để cải thiện tư tưởng và thân thể con người. Tuy nhiên trong đời ấy, bà cũng không tin người khác, không muốn lắng nghe ý kiến ​​​​của mọi người.

Kiếp sống tiếp theo của bà chính là Mary Magdalene trứ danh. Cayce thấy rằng Magdalene vô cùng xinh đẹp mỹ lệ, nàng có mái tóc đỏ, đôi mắt xanh, mang trong mình cả huyết thống Hy Lạp và Do Thái, tựa như hình ảnh trong tranh vẽ của Da Vinci.

Andrea Solario - Mary Magdalen - Walters 37509.jpg
Chân dung Mary Magdalene trong tranh vẽ của Andrea Solari năm 1524 (Ảnh: Wikipedia)

Edgar Cayce tiết lộ điều trên vào những năm 1930, khi bức chân dung Magdalene của Da Vinci vẫn nằm trong tay các nhà sưu tập cá nhân, chưa từng lộ diện cho công chúng. Vậy nên có người đã phản bác ý kiến của Cayce. Mãi đến khi bức họa xuất hiện công khai vào năm 2005 thì Cayce mới được minh oan, đáng tiếc là ông đã qua đời nhiều năm trước rồi.

Cayce giải thích rằng, cũng giống như những gì Giáo hội tuyên bố, Magdalene từng là kỹ nữ hạng sang trong giới thượng lưu của La Mã, sống một cuộc sống phóng túng, tùy tiện, không giống như khi được mỹ lệ hóa trong điện ảnh. Chúa Jesus đã cứu bà, đuổi bảy con quỷ trên đeo bám bà như tham lam, thù hận, phóng túng, ích kỷ… Từ đó bà đã trở thành một tín đồ trung thành của Chúa. Sau khi Chúa Jesus bị đóng đinh lên Thập tự giá, các môn đồ đều chạy tứ tán, nhưng Magdalene vẫn luôn túc trực bên cạnh chôn cất di thể của Ngài. Bà cũng là người đầu tiên chứng kiến Chúa phục sinh, vì vậy chẳng trách khi có người cho rằng Magdalene là thân nhân của Chúa Jesus.

File:Alexander Ivanov - Christ's Appearance to Mary Magdalene after the Resurrection - Google Art Project.jpg
Mary Magdalene và Chúa Jesus trong tác phẩm của Alexander Andreyevich Ivanov (Ảnh: Wikipedia)

Có người hỏi: Có phải Magdalene là người tình của Chúa Jesus không? Cayce minh xác đáp rằng: Không phải! Phim ảnh chỉ là phim ảnh, có hư cấu, có khoa trương, chúng ta chỉ nên coi đó là câu chuyện giả tưởng mà thôi.

Đến thời Edgar Cayce, Magdalene năm xưa lại tái sinh, bà đã gia nhập đội ngũ của Cayce, và thể hiện khả năng thiên phú về trị bệnh. Thông qua Cayce, bà biết rằng những đặc điểm của bản thân như không tin tưởng và không lắng nghe ý kiến người khác, đều không phải là thiên tính vốn có, mà chỉ là khuyết điểm từ tiền kiếp, bà sẽ nỗ lực sửa đổi. Đây cũng chính là ước nguyện ban đầu của Cayce khi giải thích tiền kiếp cho người khác. Ông hy vọng rằng thông qua giải thích, ông có thể giúp mọi người hiểu được nguyên nhân gốc rễ bệnh tật, từ đó trị bệnh từ căn bản.

Vì hiệu quả trị bệnh của Cayce rất tốt, người mộ danh mà đến cũng càng ngày càng đông. Cayce bất ngờ khi phát hiện ra rằng, rất nhiều người đã cùng nhau chuyển sinh. Ví dụ như, những nhân vật trong cùng thời đại với Magdalene đều chuyển sinh đến thời đại hiện nay. Trong số ba nhà thông thái từ phương Đông đến chúc mừng Chúa giáng thế, một vị đời này làm biên tập trong tạp chí khoa học, còn một vị khác làm giáo viên kế toán. Andrew, một trong mười hai tông đồ của Chúa Jesus, đời này là nhân vật dẫn đầu trong lĩnh vực siêu tâm linh, ông thường đi diễn giảng khắp nơi trong những năm 1950-1970. Một môn đồ khác là Cleopas, khi đến gặp Cayce, cậu vẫn còn là một thiếu niên 15 tuổi, đang do dự không biết nên chọn trường đại học nào.

Liên quan đến luân hồi

Từ câu chuyện Chúa Jesus và nữ môn đồ Magdalene, chúng ta hãy cùng nhìn lại nhận thức về luân hồi trong tín ngưỡng phương Tây.

Origen là một trong những nhà Thần học Cơ Đốc giáo có ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí được một số đoàn thể Cơ Đốc giáo coi là cha đỡ đầu. Ông tin rằng nhân của kiếp trước là quả của kiếp này, linh hồn sẽ đầu thai luân chuyển trong nhân quả luân hồi. Vào thế kỷ II và III khi ông còn sống, cách nói này được tiếp nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ VI, vị quân chủ của Đế chế Đông La Mã là Justinian I coi thuyết pháp của Origen là dị đoan, hơn nữa còn giam cầm Giáo hoàng Vigilius chỉ vì đã ủng hộ thuyết pháp này. Từ đó Justinian I phủ định thuyết luân hồi, lấy lý do là “thuyết luân hồi sẽ làm suy yếu tầm quan trọng của việc cứu chuộc của Chúa Kitô”. Tương ứng với đó, nội dung “Kinh Thánh” cũng bị sàng lọc. Ngày lâu tháng dài, người phương Tây đã quên mất luân hồi là chuyện gì.

Psalms Scroll.jpg
“Các Cuộn sách Biển Chết” (“Dead Sea Scrolls”). (Miền công cộng)

Mãi cho đến những năm 1940 khi phát hiện bản sao cuốn Thánh kinh Cơ Đốc giáo thời kỳ đầu là “Các Cuộn sách Biển Chết” (“Dead Sea Scrolls” hay “Qumran Caves Scrolls”), và tập kinh sách “Nag Hammadi library”, thì người Tây phương mới biết đến luân hồi. Những bộ kinh văn nguyên thủy này đề cập rằng, người Do Thái đang chờ đợi Đại tư tế Melchizedek trong “Sáng Thế Ký” chuyển thế giáng lâm. Bên cạnh đó, Chúa Jesus khi đối thoại với các sứ đồ cũng nhắc đến luân hồi. Trong đó có đoạn:

Và tôi (sứ đồ John) nói: “Lạy Chúa, làm sao linh hồn có thể thu nhỏ lại và trở vào cơ thể của người mẹ hay vào cơ thể của con người?”. Sau đó, Ngài vui mừng khi tôi (John) hỏi điều này, và Ngài nói với tôi: “Thực vậy, con thật có phước, vì con đã ngộ được! Linh hồn ấy được khiến phải đi theo một người khác (người mẹ), vì linh thể sống ở trong đó. Nó được cứu thông qua đó. Nó sẽ không nhập vào cơ thể xác thịt khác” (Trích “The Apocryphon of John” trong “Nag Hammadi library”). [1]

Một kinh điển quan trọng trong Thần bí học Do Thái là “Sefer ha Zohar” cũng khẳng định luân hồi, trong đó có đoạn:

“Các linh hồn đều phải luân hồi, con người lại không hiểu phép tắc mà Thần Thánh thiết lập nên.
Họ không biết rằng trước khi đến thế gian và sau khi ly thế đều phải chịu phán xét.
Họ cũng không biết bản thân còn có nhiều lần chuyển thế và nhiều sự tình phải trải qua”.

Isaac Luria là người sáng lập Thần bí học Do Thái cận đại, ông sống vào thế kỷ XVI và có địa vị tương đương với Đại tế tư. Isaac Luria thường đàm luận về luân hồi, sau này các học trò của ông chỉnh lý các học thuyết luân hồi thành một cuốn sách và đặt tên là “Shaar ha Gilgulim” (Cánh cổng luân hồi).

Trong sách viết rằng, linh hồn tồn tại trước thân thể xác thịt, nếu linh hồn làm điều sai trái thì sẽ ký thân vào nhục thể để tu chính lại bản thân. Thần cấp cho con người ba cơ hội, gọi Tam thế (ba đời). Trong ba đời này, linh hồn nào hoàn toàn tu chính bản thân sẽ có thể thoát ra khỏi luân hồi. Những linh hồn chưa hoàn toàn tu chính hoặc phạm sai lầm mới sẽ lại được cấp cho ba lần cơ hội, tiếp tục luân hồi mà tu chính bản thân. Đương nhiên, cũng có một số người đầu thai để giúp đỡ người khác, những người này khác với đại chúng thông thường.

Luận điểm trên chẳng phải rất giống thuyết Tam Sinh Thạch của người phương Đông đó sao? Vậy lẽ nào vị giáo sĩ Do Thái này cũng đến Ấn Độ học tập kinh điển Phật Pháp?

Theo Phù Dao – Epoch Times
Minh Tâm (NTDVN) biên dịch

Chú thích:

[1] Nguyên văn: “And I said, “Lord, how can the soul become smaller and return into the nature of its mother or into man?” Then he rejoiced when I asked him this, and he said to me, “Truly, you are blessed, for you have understood! That soul is made to follow another one (fem.), since the Spirit of life is in it. It is saved through him. It is not again cast into another flesh.”

Bạn bình luận gì về tin này?


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều