Một nhóm các nhà sinh vật học biển tại Đại học Nam Đan Mạch vừa phát hiện một chú cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) đơn độc sống ở biển Baltic.
Điều đặc biệt là chú dường như đang “nói chuyện” với chính mình. Trong bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bioacoustics, nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng ngàn âm thanh do chú cá heo phát ra và phát hiện những điều thú vị về sinh vật cô đơn này.
Hành trình đến một vùng biển xa lạ
Cách đây 5 năm, cư dân sống ven kênh Svendborgsund thuộc biển Baltic, Đan Mạch, bất ngờ nhận thấy sự xuất hiện của một chú cá heo mũi chai đực đơn độc. Chú dường như đã chọn vùng kênh này làm nhà. Đây là một phát hiện hiếm hoi, bởi cá heo mũi chai thường sống thành đàn và không thường xuất hiện ở vùng biển này.
Người dân địa phương nhanh chóng đặt tên cho chú cá là Delle. Sự xuất hiện của Delle đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, những người rất tò mò tại sao một chú cá heo lại chọn sống đơn độc ở một nơi xa lạ. Họ nhận định rằng Delle không có vẻ gì là kết bạn với những con cá heo tại cảng địa phương, một loài cá heo nhỏ thường sống ở khu vực này.
Để hiểu thêm về Delle, các nhà nghiên cứu đã đặt các thiết bị ghi âm dưới nước để xem sự hiện diện của cá heo đơn độc ảnh hưởng đến cá heo cảng như thế nào. Họ đã bị sốc khi nghe thấy Delle tạo ra nhiều tiếng động như vậy. Tác giả chính, bà Olga Filatova, một nhà sinh vật học về cá heo tại Đại học Nam Đan Mạch, đã trao đổi với Live Science qua email: “Vì tò mò, tôi quyết định thêm một máy ghi âm để ghi lại âm thanh thực tế. Tôi nghĩ chúng tôi có thể thu được một vài tiếng huýt sáo từ xa hoặc thứ gì đó tương tự. Tôi chắc chắn không lường trước được việc ghi lại hàng nghìn âm thanh khác nhau”.
Điều phát hiện khiến nhóm nghiên cứu không khỏi ngạc nhiên: trong hơn 69 ngày từ ngày 8/12/2022 đến ngày 14/2/2023, nhóm ghi nhận được 10.833 âm thanh khác nhau mà Delle phát ra.
Qua phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy Delle phát ra một loạt các âm thanh,từ tiếng click, tiếng huýt sáo, đến những âm thanh thường liên quan đến hành vi hung hăng ở loài cá heo. Đặc biệt, trong số đó có những âm thanh thường được sử dụng để giao tiếp giữa các cá heo, một dấu hiệu cho thấy Delle đang nói chuyện với chính mình. Delle còn phát ra các âm thanh tần số thấp và âm thanh gõ nhịp, được cho là giúp chú định vị không gian và tìm kiếm thức ăn.
Lúc đầu, các nhà khoa học tự hỏi liệu con cá heo có đang cố gắng giao tiếp với một người chèo thuyền địa phương hay không, họ cũng ghi lại âm thanh vào ban đêm để xem có người dân nào ở đó hay không.
Bà Thea Taylor, giám đốc điều hành của Dự án Cá heo Sussex, người không tham gia vào nghiên cứu, đã trao đổi với Live Science qua email cho biết: “cá heo là loài động vật rất hay kêu, vì vậy không quá ngạc nhiên khi cá thể này vẫn phát ra âm thanh mặc dù ở một mình”. Bà nói thêm “Cá heo dựa vào âm thanh cho các hoạt động chính như săn mồi và cảm nhận môi trường xung quanh” và chúng cũng sử dụng âm thanh để giao tiếp từ xa.
Điều đáng chú ý là Delle tiếp tục phát ra những âm thanh này ngay cả khi không có con người nào ở gần. Điều này chứng tỏ chú không cố gắng giao tiếp với con người mà có thể đang tự an ủi bản thân.
Nhóm nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết đầy cảm xúc: “có thể Delle đang bộc lộ những cảm xúc bất chợt, giống như con người bật cười khi nhớ lại điều gì đó dù đang ở một mình. Hoặc có thể chú đơn giản chỉ cảm thấy cô đơn, và việc “nói chuyện” với chính mình là cách để tự làm xao lãng khỏi nỗi cô quạnh”.
Câu chuyện về Delle không chỉ là một phát hiện khoa học, mà còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cô đơn, một cảm giác mà không chỉ con người, mà có lẽ cả động vật cũng trải qua. Hình ảnh Delle cô độc giữa lòng biển Baltic, không bạn bè hay đồng loại, khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về trách nhiệm bảo vệ và đồng cảm với thế giới tự nhiên.
Xem thêm: Đế chế La Mã suy tàn để lại bài học gì cho nhân thế hôm nay?
Xem thêm: Nguồn gốc con người không phải trên Trái Đất?
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực