spot_img
17 C
Vietnam
Thứ năm,21 Tháng mười một
spot_img

Năm 2022: ESG sụp đổ

Năm 2022 là năm kết thúc một kỷ nguyên đầy ảo vọng: đây là một năm chứng kiến sự kết thúc của thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh và sự trở lại của địa chính trị; cuộc khủng hoảng năng lượng đầu tiên của quá trình chuyển đổi năng lượng bắt buộc sang mức phát thải ròng bằng 0; và một năm mà thực tế đã giáng một đòn mạnh lên việc đầu tư theo môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) — cho đến nay, Quỹ hoán đổi danh mục S&P 500 đã qua sàng lọc ESG (ESG Screened S&P 500 ETF) của BlackRock đã mất 22.2% giá trị, và Chỉ số Ngành Năng lượng S&P 500 đã tăng 54.0%.

Năm 2022: Năm ESG sụp đổ
(Ảnh: Deemerwha studio/Shutterstock)

Cả ba diễn biến trên đều có liên kết với nhau. Bằng cách hạn chế đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt của các nhà sản xuất phương Tây, ESG làm tăng sức mạnh thị trường của các nhà sản xuất bên ngoài phương Tây, từ đó cho phép ông Putin vũ khí hóa các nguồn cung cấp năng lượng. Phát thải ròng bằng 0 (net zero) — một mục tiêu to lớn của ESG — hóa ra lại là đồng minh đắc lực nhất của Nga.

2022 không chỉ là một năm tồi tệ đối với ESG trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng này, Vanguard đã thông báo rằng tập đoàn này sẽ rời khỏi Liên minh Tài chính Glasgow về Phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), do cựu thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney thành lập hơn một năm trước. “Chúng tôi đã quyết định rút khỏi GFANZ để có thể làm rõ theo mong muốn của các nhà đầu tư về vai trò của các quỹ chỉ số và về cách chúng tôi cân nhắc về các rủi ro trọng yếu, bao gồm cả các rủi ro liên quan đến khí hậu,” nhà quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới này cho biết.

Hai tháng trước, ông Alex Edmans, đồng tác giả ấn bản mới nhất của cuốn sách giáo khoa tiêu chuẩn về các nguyên tắc tài chính doanh nghiệp và là giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh London, đã xuất bản một bài báo với nhan đề “Sự Kết Thúc Của ESG” (“The End of ESG”) — mà không có dấu chấm hỏi. Ông Edmans chỉ trích điều đã trở thành lời biện minh cho ESG: tuyên bố cho rằng doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Vì các chính phủ được bầu cử dân chủ bởi các công dân của một quốc gia, nên các chính phủ này được đặt ở vị trí tốt nhất để giải quyết các ảnh hưởng ngoại lai (externality, tác động tích cực hoặc tiêu cực không được bên mua và bên bán tính đến trong giá sản phẩm), trong khi các nhà đầu tư lại đại diện cho giới tinh hoa một cách không tương xứng. Ông Edmans cho biết: “Nếu theo đuổi ESG vì ảnh hưởng ngoại lai, thì các công ty và nhà đầu tư nên hiểu rõ rằng điều này có thể gây tổn hại cho giá trị.”

Tháng Mười cũng chứng kiến sự ra mắt cuốn sách “Bền Vững” (“Sustainable”) của ông Terrence Keeley, trong đó vị cựu giám đốc điều hành cao cấp của BlackRock này đã viết ra nội dung tương đương với một bản điếu văn cho ESG. Thay vì “làm việc thiện để được tiếng thơm” (“doing well by doing good”), thì logic trong trường hợp của ông Keeley, như tôi đã viết trong bài đánh giá trên trang RealClear Books, là đầu tư vào các sản phẩm đầu tư ESG thông thường rốt cuộc sẽ không khiến các nhà đầu tư hoạt động tốt mà chỉ giúp cho họ cảm thấy tốt, và bản thân hành động đó cũng không phải là làm việc tốt.

Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng chỉ đi theo một chiều hướng. Hồi tháng Năm, HSBC đã chấm dứt hợp đồng với ông Stuart Kirk, giám đốc nghiên cứu toàn cầu của bộ phận quản lý tài sản của HSBC, vì đã nói lên một vài sự thật phũ phàng về ESG. Trước đó trong tháng này, HSBC đã thông báo rằng công ty sẽ ngừng tài trợ cho các mỏ dầu khí mới, khiến ngân hàng lớn thứ ba của phương Tây này đứng về phía ông Putin trong cuộc chiến năng lượng của Nga với phương Tây.

Một yếu tố tiêu cực hiện đang gây bất lợi cho phương Tây trong một thế giới ngày càng được đặc trưng bởi những căng thẳng địa chính trị Đông-Tây bắt nguồn sau một thời kỳ khi Liên Hiệp Quốc thúc đẩy sự phân chia toàn cầu theo chiều ngang giữa một miền Bắc giàu có và một miền Nam bị bóc lột.

Như giáo sư Elizabeth Pollman của Đại học Pennsylvania đã ghi lại trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí hồi tháng Sáu năm 2022 của mình, có nhan đề “Nguồn gốc và Hậu quả của Biệt danh ESG” (The Origins and Consequences of the ESG Moniker”), trong suốt những năm 1970 và đầu những năm 1980, Liên Hiệp Quốc đã thúc đẩy Trật tự Kinh tế Quốc tế Mới (New International Economic Order) — yêu cầu tạo ra quy định đối với các tập đoàn xuyên quốc gia vì những doanh nghiệp này bị cho là đang nới rộng khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Sau khi ông Kofi Annan trở thành tổng thư ký vào năm 1997, Liên Hiệp Quốc đã chuyển từ chiến lược đối đầu sang đối thoại. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 01/1999, ông Annan đã giới thiệu Hiệp ước Toàn cầu (Global Compact) giữa các doanh nghiệp và Liên Hiệp Quốc.

Năm 2004, sáng kiến về lĩnh vực tài chính của Hiệp ước Toàn Cầu đã xuất bản một bài báo cáo có nhan đề “Ai Quan Tâm Sẽ Thắng” (Who Cares Wins) — một cách nói nhại lại phương châm của lực lượng đặc nhiệm Không quân (SAS) của Anh “Ai Dám Sẽ Thắng” (Who Dares Wins). Bài báo này đã lập luận về việc “cân nhắc tốt hơn các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị” trong các đánh giá đầu tư, đồng thời tuyên bố rằng điều này sẽ vừa cải thiện kết quả cho các nhà đầu tư, vừa giúp Liên Hiệp Quốc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

ESG mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào quý vị đang nói chuyện với ai. Đó có phải là về phơi bày rủi ro? Hoặc là về các yếu tố thúc đẩy giá trị cổ đông dài hạn? Hay đó là về việc xã hội buộc giới kinh doanh phải chịu trách nhiệm? Có một điều rõ ràng: Nhiệm vụ kép không bền vững của ESG — thúc đẩy lợi nhuận của cổ đông trong khi đồng thời biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn — “doing well by doing good” — đã hiện diện khi sáng tạo ra ESG. Đó là một kiệt tác của các nhà thiết kế ESG khi kết hợp chữ “G” cho từ quản trị (governance) vào ESG. Không nhà đầu tư nào có thể phản đối việc cải thiện chất lượng quản trị, và điều đó đã giúp đưa ESG thành xu hướng chủ đạo, trong khi các công thức lặp lại trước đây, chẳng hạn như Đầu tư Có trách nhiệm với Xã hội (SRI), vẫn có quy mô hạn chế.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sau đó đã thúc đẩy việc sử dụng ESG. Sau khi gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, Wall Street đã chuộc lỗi bằng cách cứu thế giới khỏi một thảm họa hành tinh. Nếu không có biến đổi khí hậu, ESG sẽ kém nổi bật hơn rất nhiều. Mặc dù được quảng bá như một công cụ phân tích rủi ro khí hậu, nhưng ESG không phải là thứ như vậy. Trên thực tế, đó là về việc các nhà đầu tư và tổ chức cho vay thúc đẩy quá trình khử carbon các công ty phương Tây và đóng cửa các công ty dầu khí của lục địa này.

Theo học thuyết ESG, có hai loại rủi ro tài chính về khí hậu — rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi — và có thể dễ dàng chứng minh rằng cả hai đều không có thực. Hãy lấy Ngân hàng Anh làm ví dụ. Trong các bài kiểm tra về sự ổn định và độ tin cậy của hệ thống liên quan đến khí hậu, Ngân hàng Anh sử dụng một kịch bản bắt nguồn từ kịch bản khí hậu cực đoan và không tuân theo quy luật tự nhiên RCP8.5 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).

Ông Roger Pielke Jr., giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Colorado–Boulder, và ông Justin Ritchie đã ghi nhận cách mà việc sử dụng kịch bản RCP8.5 đã thể hiện “một sự cam kết ngoan cố đối với sai sót” như thế nào, với việc RCP8.5 dự đoán ngớ ngẩn rằng mức tiêu thụ than đá trên mỗi người sẽ tăng sáu lần vào năm 2100, dựa trên các báo cáo sai lầm vào cuối những năm 1980 về các mỏ than hầu như không giới hạn ở Siberia và Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Anh đã kết hợp tính không hợp lý với tính không khả thi bằng cách sử dụng lộ trình RCP8.5 tăng 4°C vào đầu thế kỷ và biến con số này thành mức tăng 3.3°C vào năm 2050. Việc các ngân hàng trung ương sử dụng những loại chiêu trò này đã tạo thành bằng chứng mạnh mẽ rằng rủi ro vật chất liên quan đến khí hậu không phải là vấn đề đối với sự ổn định tài chính.

Khi còn là thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Mark Carney đã có một bài diễn văn thiết lập nghị trình, tuyên bố về một bi kịch sắp xảy đến khi những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu vượt ra ngoài tầm nhìn truyền thống của hầu hết các bên. Các thảm họa khí hậu được cho là sẽ được kích hoạt khi đến các điểm tới hạn, một trong những điểm xảy ra sớm nhất là sự tan chảy của các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực.

Trong báo cáo đánh giá thứ sáu của mình, IPCC đã tuyên bố rằng với sự nóng lên kéo dài, có rất ít bằng chứng cho thấy các tảng băng ở Greenland và Tây Nam Cực sẽ biến mất “trong nhiều thiên niên kỷ.” Dường như đây là mốc thời gian cụ thể nào đó xa tít tắp trong tương lai. Bất chấp những nỗ lực lớn nhất của các ngân hàng trung ương, thang thời gian hàng thiên niên kỷ của địa chất và thang thời gian chỉ kéo dài vài thập niên của con người hoàn toàn trật khớp.

Tương tự như vậy, rủi ro chuyển đổi khí hậu và lối nói về các tài sản mắc kẹt đã bất chấp logic kinh tế và tài chính. Nếu quý vị hạn chế dòng vốn chảy vào một lĩnh vực đang sản xuất ra những thứ mà mọi người muốn và sẵn sàng trả tiền để có được, thì giá sản phẩm đầu ra của lĩnh vực bị cấm vận vốn này sẽ tăng lên, và giá trị vốn đầu tư của lĩnh vực đó cũng tăng. Về bản chất, đây là những gì đã xảy ra trên thị trường năng lượng và vốn trong năm qua và giải thích tại sao ESG là một chiến lược đầu tư không hiệu quả. Trong trường hợp thiếu vắng các chính sách hà khắc của chính phủ để ngăn chặn nhu cầu về dầu và khí đốt tự nhiên, thì các chính sách bóp nghẹt nguồn cung vốn cho các nhà sản xuất dầu khí phương Tây của ESG có hai tác động: 1) các chính sách này đẩy giá hydrocarbon tăng cao; và 2) các chính sách này chuyển nguồn cung từ các nhà sản xuất phương Tây sang các nhà sản xuất trung lập hoặc thù địch, gây bất lợi lớn cho các nền kinh tế và lợi ích an ninh của phương Tây.

Mặc dù sự tan rã của ESG với tư cách là một chiến lược đầu tư đã trở nên rõ ràng vào năm 2022, nhưng sự tồn tại của chiến lược này với tư cách là một học thuyết chính trị sẽ tiếp tục cho đến khi học thuyết này bị thách thức và đánh bại về mặt chính trị. Điều này đã xảy ra ở các tiểu bang Đỏ như Florida, Texas, West Virginia, và Utah. Kết quả này cũng đòi hỏi sự phối hợp lãnh đạo ở cấp quốc gia để khiến các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính ngừng áp dụng chính sách khí hậu ngầm và khiến các ngân hàng như HSBC xấu hổ để chuyển sự hỗ trợ của họ khỏi Nga trong các cuộc chiến năng lượng bằng cách từ bỏ các chính sách tài trợ chống dầu mỏ và khí đốt. Đánh bại ESG không phải là trường hợp “ai quan tâm sẽ thắng” mà là “ai chiến đấu sẽ thắng” (who fights wins).

Tác giả RealClearWire.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

 

Theo The Epoch Times

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều