Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp vũ khí hàng tỷ đô la cho Ukraine. Có 11 nước NATO đã đưa ra các hứa hẹn về việc gửi xe tăng mà Kyiv yêu cầu nếu Berlin đồng ý. Dù vậy phía Đức vẫn chưa dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc “giao hàng” mà nước này lo ngại sẽ khiêu khích Moscow.
Lo sợ mùa đông sẽ giúp các lực lượng Nga có thời gian tập hợp lại và mở một cuộc tấn công lớn, Ukraine đang thúc đẩy xe tăng chiến đấu Leopard do Đức sản xuất, hiện đang được một loạt các quốc gia NATO nắm giữ nhưng việc chuyển giao cho Ukraine cần có sự chấp thuận của Đức.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với đài truyền hình ARD của Đức vào cuối ngày thứ Năm: “Người dân của chúng tôi đang chết mỗi ngày”, “Nếu bạn có xe tăng Leopard, hãy đưa chúng cho chúng tôi”.
Zelensky nói Ukraine cần xe tăng để tự vệ, chiếm lại vùng đất bị chiếm đóng và họ không có kế hoạch tấn công Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, một đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, đã miễn cưỡng đề cập rằng việc vũ khí có thể bị coi là hành động khiêu khích Moscow.
Nhiều đồng minh phương Tây của Berlin thì nói rằng mối lo ngại đó của Đức đã “đặt nhầm chỗ”. Trong khi đó Nga thì liên tục nói rằng việc chuyển giao vũ khí của phương Tây sẽ kéo dài chiến tranh và “gia tăng đau khổ” ở Ukraine.
Một nguồn tin chính phủ Đức trước đây cho biết Berlin sẽ dỡ bỏ sự phản đối với NATO nếu Washington cũng gửi xe tăng của chính họ.
Liên quan đến tình tiết này, Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Zelensky viết trên Twitter rằng:
“Lãnh đạo thực sự là dẫn đầu bằng cách làm gương, không phải là tìm kiếm người khác. Không có điều cấm kỵ nào”.
“Từ Washington đến London, từ Paris đến Warsaw, bạn đều nghe thấy một điều: Ukraine cần xe tăng. Xe tăng là chìa khóa để kết thúc chiến tranh một cách đúng đắn.”
Trước cuộc họp Ramstein, 11 quốc gia NATO, bao gồm Anh và Ba Lan, đã cam kết cung cấp một loạt viện trợ quân sự mới tại một căn cứ quân sự ở Estonia hôm thứ Năm (19/1).
Tuyên bố chung của họ cho biết: “Chúng tôi cam kết cùng nhau theo đuổi việc cung cấp một loạt các khoản đóng góp chưa từng có bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh cho quốc phòng Ukraine”.
Xe tăng Leopard 2 – ngựa thồ của quân đội khắp châu Âu, được Đức sản xuất hàng nghìn chiếc trong Chiến tranh Lạnh – cần có sự chấp thuận của Đức trước khi được chuyển giao cho các nước khác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gặp nhau ở Berlin, nhưng không có thông tin cập nhật về quyết định hỗ trợ xe tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren cho biết bà tin tưởng sẽ tìm ra giải pháp nhưng Hà Lan cần được Berlin bật đèn xanh trước khi quyết định có đóng góp xe tăng hay không. Ba Lan và Phần Lan đã nói rằng họ sẽ gửi Leopards nếu Đức dỡ bỏ quyền phủ quyết.
Trong khi tín hiệu từ Đức không mấy khả quan, Ba Lan gợi ý rằng họ có thể làm như vậy ngay cả khi Đức cố gắng ngăn chặn điều này.
Các quan chức Ukraine thúc giục một quyết định khẩn cấp: “Chúng ta không có thời gian, thế giới không có thời gian này”, Andriy Yermak, người đứng đầu chính quyền tổng thống Ukraine, viết trên Telegram.
“Chúng tôi đang phải trả giá cho sự chậm chạp bằng mạng sống của người dân Ukraine. Nó không nên như vậy”.
Về phía Nga, họ đã đáp lại triển vọng cung cấp thêm vũ khí cho Kiev bằng những lời đe dọa leo thang.
Dmitry Medvedev, một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin, người đảm nhiệm vị trí tổng thống từ năm 2008-2012 khi Putin tạm ngừng làm thủ tướng, đã đưa ra một trong những lời đe dọa rõ ràng nhất của Moscow là sử dụng vũ khí hạt nhân nếu thua ở Ukraine.
Ông Medvedev nói: “Việc một cường quốc hạt nhân thất bại trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân”. “Các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào đó”.
V.N (t/h)