spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Ý nghĩa tốt đẹp thật sự của phong tục lì xì ngày Tết

Lì xì cùng cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh,… vốn là những điều không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Tuy nhiên, những phong bao lì xì đỏ ẩn chứa những điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.

Lì xì Tết bao nhiêu là đủ
những phong bao lì xì đỏ ẩn chứa những điều thú vị mà có thể bạn chưa biết. (Ảnh minh họa)

Lì xì – sự bảo hộ của Thần đối với con người

Phong bao lì xì đỏ thắm đã trở thành món quà đầu xuân không thể thiếu được với con trẻ, đôi khi với cả các bậc ông bà. Ngày nay, phần đông chúng ta chỉ biết rằng bao lì xì đỏ mang lại may mắn, tốt lành, phúc thọ hay tài lộc, mà không rõ nguồn gốc của phong tục đặc sắc này.

Tiếng “lì xì” vốn xuất phát từ chữ “lợi thì” trong tiếng Trung. Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là “hồng bao”, trong tiếng Quảng Đông là “lợi thị” hoặc “lợi sự”. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, sự tốt lành.

Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì hơn thua dẫn đến xích mích. Bao lì xì thường có màu đỏ, trong truyền thống Á Đông là màu của sự may mắn, cát tường.

Truyền thuyết về phong bao lì xì còn có nội hàm sâu xa của văn hóa Thần truyền, gắn liền với sự bảo hộ từ bi của thần linh đối với con người.

Ngày xưa, ở Đông Hải có một cây đào to, có rất nhiều yêu quái sống trong bộng cây, như hồ ly tinh, chuột tinh… Chúng luôn muốn ra ngồi bộng cây để gây hại bá tánh, song lúc nào cũng bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, cứ vào lúc giao thừa thì tất cả các thần tiên đều phải về trời để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của Thượng Đế. Nhân cơ hội này, có một con yêu quái tên là Tuy xuất hiện: nó xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến trẻ giật mình khóc thét rồi bị sốt hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ thường thức suốt cả đêm để canh không cho yêu quái Tuy ám hại con mình. Một lần, có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, vì lòng thương mà hóa thành những đồng tiền nằm bên mấy đứa trẻ. Thấy vậy, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ. Khi con Tuy đến, những đồng tiền trong tấm vải đỏ liền lóe sáng khiến con Tuy sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian.

Từ đó mỗi khi tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, gọi là tiền mừng tuổi nhưng thực ra là để xua đuổi tà ma, mang lại sức khỏe và phước lành cho con trẻ. Qua đó, con người cũng thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn của mình đối với các vị Thần.

Lì xì bao nhiêu là đủ

Qua thời gian, tục lệ lì xì đã phần nào mất đi những nét đẹp vốn có, khiến câu hỏi “lì xì bao nhiêu là đủ?” trở thành những đắn đo chung trong ngày Tết. Ấy vậy mà có thể bạn chưa biết, trong khi người Hoa xa xưa thường dành tặng một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi và có một tên gọi khác là tiền mừng tuổi.

Còn người Việt thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ hồng như 500 đồng, 10.000 đồng (hai mệnh tiền giấy này ngày trước có màu đỏ)… với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu.

Lì xì ngày Tết đã trở thành một truyền thống của người Việt Nam ta. Hy vọng ý nghĩa thần thánh và tốt đẹp của phong bao lì xì sẽ được các thế hệ mai sau gìn giữ và không để cho giá trị vật chất làm lu mờ đi giá trị tinh thần của truyền thống này.

T.H

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều