Nhân viên y tế đến đỡ một bệnh nhân nằm trên cáng tại một phòng khám sốt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 12/09/2022. (Kevin Frayer/Getty Images)
Theo các nhà dịch tễ học Trung Quốc, đợt bùng phát Covid-19 hiện tại của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm thứ hai trong những tháng tới. Làn sóng đầu tiên tiếp tục nhấn chìm đất nước này, khiến một số lượng lớn các cán bộ kỳ cựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)và những người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau qua đời, đồng thời khiến hệ thống y tế của Trung Quốc trở nên quá tải.
Đỉnh điểm của đợt lây nhiễm nặng thứ hai sẽ xảy ra trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 năm nay. Theo một bài báo ngày 10/1 từ cổng thông tin Sina của Trung Quốc, dự đoán đó đến từ ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Trung Quốc kiêm trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn Thượng Hải.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Trung Quốc Tằng Quang (Zeng Guang) cho biết trong một bài báo của tờ Caixin News, được xuất bản vào ngày 12/1, rằng làn sóng lây nhiễm trên toàn quốc sẽ duy trì ở mức cao nhất trong 2 – 3 tháng. Theo đó, các ca bệnh nặng sẽ kéo dài lâu hơn một chút. Ông Tằng Quang là thành viên của nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia và là nhà khoa học trưởng tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc.
Những dự đoán này được đưa ra khi làn sóng virus đầu tiên vẫn đang tàn phá Trung Quốc.
Một loạt các cáo phó nổi tiếng hàng ngày trong những tuần qua là minh chứng cho quy mô của đợt bùng phát này. Một ví dụ về cáo phó hàng ngày từ ngày 13/1 bao gồm ông Mao Trí (Mao Ahi), một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc; ông Tuyên Khoa (Xuan Ke); một nhà dân tộc học âm nhạc và ca sĩ nổi tiếng Tạ Lệ Tư (Xie Lisi). Mặc dù cáo phó của các cán bộ ĐCSTQ, học giả và nhân vật giải trí đã đưa tin khắp thế giới, nhưng các báo cáo chính thức lại không đề cập đến Covid-19, thường chỉ đề cập đến “bệnh tật”.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã quét qua Trung Quốc kể từ đầu tháng 12/2022, khi ĐCSTQ nới lỏng các chính sách Zero Covid kéo dài nhiều năm. Số ca tử vong tăng đột biến sau đó.
Người cao tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus
“Nhiều người cao tuổi đã tử vong trong làn sóng dịch bệnh này, chẳng hạn như các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu và các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, những người đã ở độ tuổi 80 và 90”, nhà bình luận người Nhật Bản Lý Văn Chính (Li Wenzheng) nói với The Epoch Times vào ngày 13/1.
Ông Lý đã quy một số trách nhiệm về những ca tử vong cho ĐCSTQ. Đảng viên cao tuổi không còn hữu ích cho chế độ này. Tuy nhiên, họ được hưởng lương hưu cao, chăm sóc y tế đặc biệt và bảo hiểm. Đây được coi là một phần thưởng cho lòng trung thành với ĐCSTQ. Cái chết của họ làm giảm bớt gánh nặng kinh tế của chế độ này vào thời điểm Trung Quốc đang gặp khó khăn về kinh tế sau ba năm áp dụng các biện pháp chống đại dịch.
Trong một bài đăng trên Weibo vào ngày 21/12, nhà kinh tế học Trung Quốc Mai Tân Dục (Mei Xinyu), một nhà nghiên cứu tại Bộ Thương mại Trung Quốc, đã than khóc về cái chết của bố vợ mình, ông Hồ An Cương (Hu Angang) – một đảng viên cao tuổi và được vinh danh.
Ông Mai cho biết, bố vợ của ông “đã nằm trên sàn của nhà xác bệnh viện để chờ được hỏa táng” bởi vì “200 – 300 thi thể đang chờ được hỏa táng mỗi ngày tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn (Babaoshan) của Bắc Kinh, và hôm nay không có hàng chờ đợi cho ông ấy”. Ông Hồ không phải là một công dân bình thường. Ông là giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia, và chuyên gia chính tại Viện Quản trị Quốc gia và Toàn cầu.
Buộc phải lưu trữ tử thi tại nhà
Tình hình thậm chí còn khó khăn hơn đối với những người dân bình thường Trung Quốc. Có được sự điều trị y tế vốn đã khó khăn, và khi không có được điều đó, thì việc đảm bảo có một nơi để hỏa táng cũng khó khăn không kém. Các gia đình đôi khi buộc phải lưu trữ thi thể của những người thân của họ ở nhà hoặc trong xe, một cư dân Thượng Hải giấu tên nói với The Epoch Times.
Ông Trương Bội (bí danh), một cư dân Thượng Hải nói với The Epoch Times rằng, một người bạn đã trả thêm 5.000 USD để được hỏa táng kịp thời cho một thành viên lớn tuổi trong gia đình.
Hôm 13/1, bà Ngô Phương Diễm (bí danh), cư dân Thượng Hải cho biết, “các bệnh viện vẫn đông đúc. Mỗi lần khám chỉ phát một loại thuốc, uống một loại cũng không hạ sốt nên mọi người phải quay lại vào buổi chiều và xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ… cứ đăng ký, xếp hàng, khám bệnh và lấy thuốc”.
Bà Ngô bày tỏ sự thất vọng khi các bác sĩ không sẵn lòng phát nhiều hơn một liều thuốc. “Đôi khi quý vị thậm chí không thể lấy được [một liều thuốc] sau khi xếp hàng hàng giờ đồng hồ”.
“Thái độ của chính phủ đối với chúng tôi là phớt lờ việc chúng tôi có thể sống sót hay không”, bà Ngô cho biết kẻ mạnh sống sót, số còn lại sẽ đối mặt với cái chết.
Quan chức Trung Quốc: ‘‘Một trận chiến được chuẩn bị trước’
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lại kể một câu chuyện khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 9/1 rằng, Trung Quốc đang chiến đấu với “một trận chiến được chuẩn bị trước” chống lại dịch bệnh.
Phần còn lại của thế giới tiếp tục bày tỏ lo ngại về dữ liệu nhiễm bệnh và tử vong không minh bạch của Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào ngày 11/1 rằng, họ đang làm việc với Trung Quốc nhưng cho biết, phản hồi của họ đang vấp phải khó khăn do thiếu dữ liệu. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, cho biết: “Có một số lỗ hổng thông tin rất quan trọng và chúng tôi đang hợp tác với Trung Quốc để lấp đầy lỗ hổng đó”.
Theo The Epoch Times
Thanh Hải (NTDVN) biên dịch