Người quân tử chân thành, cẩn trọng cả khi ở một mình, hòa hợp gia đình, hữu ích cho đời, thì nhất định phải là người kính sợ Thần Phật, kính sợ Trời Đất, kính sợ đạo đức, kính sợ tổ tiên, kính sợ Thánh hiền, đó chính là người thực sự biết kính sợ.
Học giả Đài Loan Tăng Sỹ Cường nhiều lần dạy học ở Trung Quốc. Một lần ông đang giảng bài bỗng rơi nước mắt. Có học viên hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy khóc?”…
Tăng tiên sinh nói: “Nguyên nhân là khi giảng đến văn hóa truyền thống tốt đẹp như thế này mà chúng ta không biết trân quý, còn hoài nghi cái này, nghi ngờ cái kia. Nếu chúng ta không có văn hóa tốt thì xong rồi, thì là do tổ tiên khiến chúng ta thất vọng, nhưng tổ tiên chúng ta vĩ đại như thế này, xuất sắc như thế này. Tôi du học nước ngoài, mọi người toàn nói những thứ của phương Tây, nhưng tôi thì không, bởi vì trân quý văn hóa của chúng ta. Có những người đang sống trong phúc mà lại không biết phúc, nghĩ đến đây lòng đau xót”.
Nghe Tăng tiên sinh nói vậy, tôi rất đồng cảm. Văn hóa truyền thống Á Đông có nguồn gốc lâu đời, bác đại tinh thâm, là nguồn sinh mệnh mà chúng ta lấy không hết dùng không kiệt.
Kính sợ Thần Phật
Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, những thế hệ tiền bối của các dân tộc Á Đông đều tín Thần kính Thần. Người người đều tin rằng, con người là do Thần sáng tạo ra, trời đất vạn vật là do Thần sáng tạo ra, vũ trụ thiên thể cũng là do Thần sáng tạo ra. Con người có ‘sinh lão bệnh tử’, vũ trụ có ‘thành trụ hoại diệt’ cũng đều vận hành theo ý chí của Thần.
Người xưa thường nói: “Thần thông quảng đại”, “Phật Pháp vô biên” chính là nói Thần Phật đều có đủ đại trí đại huệ, đại từ đại bi. Người xưa cũng nói: “Nhân gian thầm thì, Trời nghe như sấm”, “Phòng tối làm việc trái lương tâm, mắt Thần nhìn rõ như chớp điện”. Ý nghĩa là Thần Phật xem xét từng suy nghĩ, từng lời nói, từng hành vi của con người. Trước mặt những Thần Phật sáng tạo ra trời, đất và loài người thì con người vô cùng nhỏ bé. Các Thánh hiền cổ đại đều tin rằng, chỉ có tín Thần kính Thần thì mới được Thần trợ giúp.
Chu Văn Vương kính Thần, diễn dịch Chu Dịch, dùng đức giáo hóa muôn dân, khiến xã hội an định, người dân ra đường không nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, cao niên có phúc con đàn cháu đống, thọ gần trăm tuổi.
Đường Thái Tông tôn Phật sùng Đạo, khai sáng nền thịnh trị “Trinh Quán chi trị”, được tôn là Thiên Khả Hãn (Trời chí tôn), kiến tạo sự nghiệp vĩ đại “Thiên cổ nhất đế”.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận kính Phật sùng Đạo, giương văn ức võ, không sát hại các chí sỹ đại phu, đã sáng tạo ra công tích vĩ nghiệp.
Đại đế Khang Hy đời Thanh kính Trời sợ Thần, trí tuệ uy dũng, bắt sống Ngao Bái, dẹp yên Tam Phiên, thống nhất Đài Loan, đánh đuổi Nga Sa Hoàng, chinh phục miền Bắc sa mạc Gobi, văn trị võ đức cái thế, đặt nền móng cho thời thái bình thịnh trị “Khang Càn thịnh thế”.
Trong lịch sử, bài học về những bậc quân vương không tôn kính Thần Phật dẫn đến thảm cảnh muôn dân cực khổ, cơ đồ lụn bại, nước mất nhà tan cũng rất nhiều:
Trụ Vương bất kính Thần linh, hoang dâm vô độ, ham việc binh mã, trọng hình phạt, vét tiền tài, hại can gián, cuối cùng thần dân phản lại, thân nhân rời bỏ, vua chết nước mất.
Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đào hủy diệt Phật giáo, kết quả bị hoạn quan sát hại khi tuổi mới 44.
Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung lớn giọng nói: không sợ địa ngục, Phật, Đạo đều diệt, kết quả mắc bạo bệnh mà chết ở tuổi 35.
Đường Võ Tông Lý Viêm diệt Phật, cũng mắc bạo bệnh mà chết khi tuổi mới 32.
Trong tâm có Thần Phật, khi gặp việc trọng đại thì đều có thể như lời Lão Tử nói, “e dè cẩn trọng, như đi trên miệng vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng”, thì có thể giữ được chính đạo, trung hòa, cuối cùng lợi quốc, lợi dân, lợi thiên hạ. Trái lại, không sợ Trời, không sợ Đất thì những việc trái đạo lý nào cũng dám làm, là trái với lẽ Trời ngược với đạo lý, cuối cùng sẽ hại người, hại mình, hại cháu con.
Kính sợ Trời Đất
Kinh Dịch có viết: “Đức lớn của trời đất gọi là sinh” (Thiên địa chi đại đức viết sinh).
Lễ Ký viết: “Đạo của trời đất là lớn, dày, cao, sáng, xa xôi, lâu dài” (Thiên địa chi Đạo, bác dã, hậu dã, cao dã, minh dã, du dã, cửu dã)
Sách Toản Yếu viết: “Đông tây nam bắc gọi là bốn phương, vùng của bốn phương gọi là bốn chiều, trời đất và bốn phương gọi là lục hợp, trời đất gọi là lưỡng nghi, thêm con người vào thì gọi là tam tài, bốn phương và trên dưới gọi là vũ, từ xưa đến nay gọi là trụ, hoặc gọi trời đất là vũ trụ. Trời đất là do nguyên khí sinh ra”.
Tóm lại, người xưa quan niệm: Trời là càn, đất là khôn. Trời đất do nguyên khí sinh ra. Đạo của trời đất rộng lớn, nhân hậu, cao khiết, sáng suốt, xa xôi, lâu dài. Trời đất vạn vật có ân đức dưỡng dục con người. Rời xa khỏi ánh nắng, không khí và nước thì con người khó có thể tồn tại được. Vì vậy con người nên từ nội tâm mà có lòng kính sợ cảm ân đối với trời đất vạn vật.
Giữa con người với thiên nhiên cũng tồn tại quan hệ nhân quả thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Con người kính sợ trời đất, đối xử tốt với thiên nhiên, thì sẽ được Trời Đất bảo hộ, được thiên nhiên ưu ái và ban tặng. Trái lại thì con người sẽ bị trừng phạt của thiên tai nhân họa. Do đó Nho gia đề xướng “Thiên nhân hợp nhất” (con người và thiên nhiên là một thể thống nhất), Đạo gia chủ trương tuân theo quy luật tự nhiên, thuận ứng theo tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, đạt được cảnh giới “Trời đất và chúng ta cùng (do Đạo) sinh ra, vạn vật và chúng ta là cùng một thể thống nhất” (Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất).
Bậc đại Nho đời Minh là Vương Dương Minh cho rằng, con người không chỉ cần có lòng thương xót trước sự tàn sát muông thú và tàn phá cỏ cây mà còn cần có cái tình quý tiếc trước sự phá hủy gạch đá. Có cái tâm thiện đối xử với vạn sự vạn vật thì vạn sự vạn vật đều mỉm cười và thân cận với bạn, giúp đỡ và bảo vệ bạn.
“Nhân định thắng Thiên” là một tà thuyết, con người vĩnh viễn không thể nào thẳng nổi Trời. “Chinh phục thiên nhiên” cũng là một tà thuyết, trước thiên nhiên con người vĩnh viễn nhỏ bé, bất lực, nên cần phải giữ được cái tâm khiêm hạ.
Kính sợ đạo đức
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã nói về hai chữ: Đạo và Đức. Đạo là gì? Đạo là quy luật khách quan của quá trình sinh ra, phát triển, biến đổi và diệt vong của vũ trụ vạn vật.
Đức là gì? Đức là chuẩn mực làm người, làm việc chiểu theo quy luật khách quan của vũ trụ vạn vật.
Học thuyết của Khổng Tử, người sáng lập Nho gia, chính là đạo đức dạy thế nhân làm người như thế nào, chuẩn mực này có thể quy lại thành 5 chữ: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Mạnh Tử nói: “Không có lòng trắc ẩn thì không phải con người. Không có cái tâm xấu hổ, ghét cái xấu cái ác thì không phải con người. Không có lòng khiêm nhường thì không phải là con người. Không phân biệt được đúng sai thì không phải là con người”. Bốn cái tâm này chính là đạo đức cần phải có để làm người.
Người có lời nói và hành vi hợp với tiêu chuẩn đạo đức thì chính là người tốt, thì có phúc báo, sẽ sản sinh ra một loạt các trạng thái sinh mệnh tốt đẹp như phú quý, trí tuệ, khỏe mạnh, hạnh phúc… người như thế sẽ được khẳng định và được khen ngợi. Người rời xa chuẩn mực đạo đức này thì chính là người xấu, thường bị gọi là thất đức, tổn đức, sẽ bị giảm phúc phận, bị lên án và chịu trừng phạt.
Bậc thầy Nho gia Tiền Mục đã từng nói: “Nên biết học vấn và đức tính thực tế là cùng một việc, thành tựu học vấn phải lấy tu dưỡng đức tính làm nền móng, và cũng lấy tu dưỡng đức tính làm hạn độ. Lơ là cẩu thả với đức tính thì học vấn cuối cùng khó mà thâm sâu được”.
Đức của con người luôn luôn đứng ở vị trí số 1. Không có đức thì không thể nào có chân tài thực học. Một người chỉ cần không ngừng tăng cường tu dưỡng về phẩm đức thì bất kể ở vào hoàn cảnh phức tạp như thế nào cũng sẽ không bị mê mất phương hướng, đồng thời không ngừng tăng tiến về học vấn. Chỉ cần không còn một chút xấu, ác nào thì có thể đứng giữa bầy hổ sói. Có đức lớn thì ắt sẽ có tài lớn. Không trọng đức, học được một chút xíu nông cạn bề ngoài liền tự cao tự đại, tự khoe khoang đắc ý, tự tư tự lợi, cuối cùng có thể “khôn quá hóa sai lầm”, một bước sa chân thành nỗi hận ngàn năm.
Hiện nay người ta đi mua đồ hay bị cân thiếu cân sai. Nhưng ở Đài Loan thì rất ít thấy. Đài Loan vẫn dùng các cân cổ xưa gọi là xứng tinh, do 3 loại cân là Bắc Đẩu thất tinh, Nam Đẩu lục tinh và tam tinh Phúc Lộc Thọ tổ hợp thành một cân 16 lạng. Tại sao cuối cùng là Phúc Lộc Thọ? Đó là khuyên răn người buôn bán cần kính sợ đạo đức, nghiêm chỉnh tuân thủ quy củ. Nếu không thì thiếu một lạng vô phúc, thiếu hai lạng mất lộc, thiếu 3 lạng tổn thọ. Phúc lộc thọ đều hết rồi thì con người sống làm gì nữa?
Người xưa dùng từ đều có nội hàm thâm sâu. Ví như: ‘Công đức’, không có đức thì công từ đâu đến? ‘Uy đức’, không có đức thì uy từ đâu đến? Đức cao thì mới vọng trọng (trông trang trọng). Đức cao thì mới có pháp độ. Đức cao thì mới có thể ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’. Đức mà không còn thì khác gì cầm thú?
Kính sợ tổ tiên, kính sợ Thánh hiền
Quá khứ, hiện tại, tương lai là một chỉnh thể hữu cơ. Kính sợ tổ tiên cũng là truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Á Đông.
Giao thừa, Thanh minh, Vu Lan là những ngày lễ tết truyền thống thờ tổ tiên. Mục đích là để nhắc nhở người đời sau rằng: tổ tiên là nguồn gốc của con người, làm người thì không được quên tổ tiên, biết được cội nguồn thì mới có thể phát triển lâu bền.
Phần Thuấn Điển, sách Thượng Thư có viết: “Ngày mồng 1 tháng giêng, Thuấn lễ tổ”. Ngày mồng 1 Tết, vua Thuấn phải đến đền thờ tổ để tế lễ tổ tiên. Nhân nghĩa và Hiếu đễ là trung tâm của đạo đức truyền thống. Trong quá trình tế lễ và nhớ về tổ tiên sẽ nuôi dưỡng lòng cảm ân và ý thức trách nhiệm của người đời sau.
Phần Học Nhi sách Luận Ngữ có viết: “Cẩn thận việc tang lễ, tưởng nhớ tổ tiên, thì đức của dân tự sẽ đôn hậu” (Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ).
Thánh nhân trong mắt Khổng Tử chính là Nghiêu, Thuấn, Vũ, Chu Văn Vương, Chu Võ Vương, Chu Công. Luận Ngữ có giảng thuật Khổng Tử ca ngợi vua Nghiêu rằng: “Vĩ đại thay, bậc quân vương như vua Nghiêu. Cao lớn thay, chỉ có trời là cao lớn nhất. Chỉ có vua Thuấn mới có thể noi theo cái cao lớn của trời. Ân đức của ông to lớn, rực sáng, người dân không biết dùng lời nào để ca ngợi ông. Vĩ đại thay, công trạng trị vì thiên hạ của ông. Tốt đẹp thay, chế độ lễ nghi ông chế định”.
Trong sách Chu Tử Loại Ngữ, Chu Hy có viết: “Trời không sinh Trọng Ni (Khổng Tử) thì vạn cổ như đêm dài”.
Nhà tư tưởng khai sáng người Pháp là Voltaire cho rằng, tư tưởng của Khổng Tử “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân) xứng đáng là chuẩn mực cao nhất của đạo đức, nên trở thành phương châm sống cho mỗi người.
Nửa cuối thế kỷ 19, nước Nga thịnh hành Hán học. Người đặt nền móng chính là Bichurin, trưởng đoàn sứ đoàn tôn giáo đến Bắc Kinh. Sau khi nghiên cứu sâu văn hóa Trung Quốc, ông kinh ngạc thốt lên: “Xem ra Cơ Đốc không cao minh bằng Khổng Phu tử”.
Hai nhà văn Nga đầu và cuối thế kỷ XIX đều rất yêu thích văn hóa Trung Hoa . Người đầu thế kỷ là Puskin đã giới thiệu cuốn Tam Tự Kinh, người cuối thế kỷ là Tolstoy đích thân dịch cuốn Đạo Đức Kinh. Có người hỏi Tolstoy rằng: “Danh nhân văn hóa có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới là ai?”, ông trả lời: “Khổng Tử rất lớn, Lão Tử cực lớn”.
Làm một người thực sự hiểu được kính sợ
Một người thực sự hiểu được kính sợ rốt cuộc là người như thế nào? Đại sư văn hóa Lý Thúc Đồng (cũng chính là Pháp sư Hoằng Nhất sau khi xuất gia) đã cho câu trả lời là: “Tâm không nghĩ xằng, thân không làm xằng, miệng không nói xằng, là quân tử nên chân thành. Trong không dối mình, ngoài không dối người, trên không dối Trời, là quân tử nên thận trọng cả khi ở một mình. Không làm xấu hổ cha mẹ, không làm xấu hổ anh em, không làm xấu hổ vợ chồng, là quân tử nên hòa hợp gia đình. Không phụ quốc gia, không phụ nhân dân, không phụ với những gì đã học, là quân tử nên hữu ích cho đời”.
Người quân tử chân thành, cẩn trọng cả khi ở một mình, hòa hợp gia đình, hữu ích cho đời, thì nhất định phải là người kính sợ Thần Phật, kính sợ Trời Đất, kính sợ đạo đức, kính sợ tổ tiên, kính sợ Thánh hiền, đó chính là người thực sự biết kính sợ.
Trở thành người như thế này rất khó. Nhưng con người sinh ra trên đời, trong tâm có chí hướng và mục tiêu ấy, mỗi ngày thêm một chút nỗ lực để tiến một bước nhỏ về phía mục tiêu này… ngày tháng qua đi, duy trì bền lòng, nhất định có thể trở thành một người quân tử khiêm hạ ôn nhu sáng trong như ngọc.
Có tâm kính sợ, đối với bản thân thì lợi cho việc tu thân dưỡng tính, kiện toàn nhân cách, tăng trưởng tài học; đối với gia đình thì lợi cho việc hình thành mẫu hình cha từ con hiếu, anh thương em kính, chồng xướng vợ theo, gia hòa vạn sự hưng; đối với quốc gia thì lợi cho vua tôi trên dưới ai nấy tròn bổn phận của mình, tròn chức trách, trên hợp lòng Trời, dưới hợp ý dân, quốc thái dân an, lợi cho cho quân vương tâm chính, thân chính, tả hữu chính, triều đình chính, thiên hạ chính.
Theo Vương Hữu Quần – epochtimes.com
Trung Hòa (NTDVN) biên dịch