spot_img
20.9 C
Vietnam
Chủ Nhật,24 Tháng mười một
spot_img

Khổng Tử nhìn nhận người hiền đức như thế nào?

Khổng Tử nhìn nhận người hiền đức như thế nào?

Tượng Khổng Tử ở Đền Khổng Tử, Bắc Kinh. FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)

“Từ mối quan hệ giữa Linh Công với các hiền nhân, tôi đánh giá ông ấy là một quân vương hiền đức”.

Dưới đây là một vài cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và Lỗ Ai Công, Tử Cống, cũng như cuộc đối thoại giữa Thuần Vu Khôn và Mạnh Tử.

1. Ai hiền đức nhất?

Lỗ Ai Công là vị vua thứ 27 của nước Lỗ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Một lần, ông hỏi Khổng Tử: “Trong các quân vương hiện nay, ai hiền đức nhất?”.

Khổng Tử trả lời: “Vệ Linh Công” (đây là vị vua thứ 28 của nước Vệ – một chư hầu khác của nhà Chu).

Lỗ Ai Công cảm thấy rất khó hiểu: “Nhưng mà, tôi nghe nói cuộc sống chốn hậu cung của ông ta có vẻ rất phức tạp, rất dâm loạn. Không phải sao?”.

Khổng Tử nói: “Tôi đang nói về triều đình của ông ấy, không phải hậu cung của ông ấy. Em trai của Linh Công là Cừ Mâu, người này có đủ trí huệ để điều hành một nước lớn với hàng nghìn cỗ xe, Linh Công rất yêu quý em trai; 

[Linh Công] lại có một hiền thần tên là Vương Lâm, chỉ cần trong nước có nhân tài thì sẽ tiến cử cho Linh Công bổ nhiệm. Người được bổ nhiệm không ai là không hiển đạt (có chức vụ cao), dù có ngẫu nhiên không hiển đạt, Vương Lâm cũng sẽ dùng bổng lộc của mình để giúp đỡ họ. Linh Công vô cùng tôn kính Vương Lâm; 

[Linh Công] lại có một hiền thần khác tên là Khánh Túc. Hễ quốc gia có việc lớn thì sẽ giao cho ông ấy xử lý. Người này có thể xử lý một cách hoàn hảo. Linh Công vô cùng thân cận với ông ấy; 

Còn có một hiền nhân nước Vệ là Sử Thu. Vì một nguyên cớ mà ông ấy phải rời khỏi nước Vệ, trong thời gian đó Linh Công buồn đến mức ba tháng không nghe nhạc, không tổ chức yến tiệc. Mãi cho đến khi Sử Thu trở lại, [Linh Công] mới vui vẻ trở lại.

Từ mối quan hệ giữa Linh Công với các hiền nhân này, tôi đánh giá ông ấy là một quân vương hiền đức”.

Chân dung Khổng Tử do họa sư Ngô Đạo Tử thời Đường vẽ.
Chân dung Khổng Tử do họa sư Ngô Đạo Tử thời Đường vẽ. (Public Domain)

2. Con người chết rồi có còn tri giác không?

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Con người sau khi chết, rốt cuộc còn tri giác không?”.

Khổng Tử nói: “Nếu ta nói: Vẫn còn tri giác, e rằng những người con cháu hiếu thảo sẽ vì [lưu luyến] người quá cố mà bị trở ngại sự nghiệp, cuộc sống;

Nếu ta nói con người chết rồi không còn tri giác, lại e rằng những người con cháu bất hiếu sẽ thẳng tay vứt bỏ thi thể, không thèm mai táng.

Tứ (Tử Cống) à, nếu con thực sự muốn làm rõ việc này, hãy đợi khi bản thân chết rồi tự kiểm chứng cũng không muộn”.

3. Tử Cống sẽ ngày càng thụt lùi

Khổng Tử nói: “Sau khi ta chết, Tử Hạ sẽ luôn tiến bộ, nhưng Tử Cống sẽ thụt lùi. 

Bởi vì Tử Hạ thích ở cạnh những người giỏi hơn mình. Còn Tử Cống chỉ thích ở trong một nhóm người không giỏi bằng mình, thích mặc sức bàn luận với những người này”.

Chân dung Khổng Tử do họa sư Cừu Anh thời Minh vẽ.
Chân dung Khổng Tử do họa sư Cừu Anh thời Minh vẽ. (Public Domain)

4. Điều người quân tử làm, người thường không dễ hiểu

Thuần Vu Khôn là một thuyết khách nổi tiếng của nước Tề. Có một lần, ông đối thoại với Mạnh Tử. 

Khi đó, Thuần Vu Khôn nói: “Trước đây, Vương Báo sống ở Kỳ Thủy. Bởi vì ảnh hưởng của ông ấy, người dân ở Hà Tây đều hát rất hay. Cái gọi là bản chất bên trong sẽ tự nhiên được thể hiện trong hành động. Làm gì có chuyện làm xong rồi lại hoàn toàn không thấy một chút thành tựu hay công trạng nào?”.

Mạnh Tử nói: “Khổng Tử làm Đại Tư Khấu (Hình bộ Thượng thư) ở nước Lỗ nhưng không được tin dùng. Có một lần [triều đình] làm tế lễ nhưng không phân thịt tế cho ông, nên Khổng Tử bỏ chức quan, rời khỏi đất nước. Người nào không hiểu ông thì cho rằng Khổng Tử tranh giành phần thịt, người hiểu ông mới biết được tâm ý sâu xa của Khổng Tử.

Thực ra là Khổng Tử mượn cái sơ suất nhỏ để rời đi, chứ ông không muốn vì sự ra đi của mình mà làm lộ ra cái sai lớn của vua nước Lỗ. Điều người quân tử làm, vốn không phải là điều mà người bình thường có thể hiểu được”.

Nam Phương – Theo NTDVN
Nguồn Vision Times

Ghi chú: Các mẩu chuyện trên trích từ cuốn “Thuyết Uyển” của Lưu Hướng thời Tây Hán.

 


Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều