Hầu hết những giếng nước này có mặt rất lâu trên địa cầu, và mang theo những bí ẩn kỳ lạ, thậm chí rất ma mị.
Bí ẩn về giếng địa ngục ở Yemen
Nằm ở vùng đất khô cằn của miền đông Yemen là giếng Barhout, được biết đến với biệt danh “Nơi bị Chúa trời ghét nhất trên trái đất“.
Giếng Barhout nằm ở sa mạc thuộc tỉnh Al-Mahra, gần biên giới với Oman là một kỳ quan thiên nhiên hấp dẫn. Thoạt nhìn, giếng chỉ giống như những hố sụt khác trên trái đất, tuy nhiên Barhout phát ra một mùi lạ, khiến nó trở nên độc đáo hơn những nơi khác. Miệng giếng có đường kính khoảng 30 m, và được cho là có độ sâu từ 100 đến 250 m. Sở dĩ nơi đây không có độ sâu chính xác vì chưa có ai đi xuống tận đáy. Ngay cả các nhà khoa học, thám hiểm Yemen cũng chưa chạm tới đáy, vì nơi đây có lượng oxy thấp, mùi khó chịu phát ra từ giếng, buộc họ phải quay trở lên.
Chính vì giếng vẫn chưa thể khám phá, nên các truyền thuyết xung quanh ngày càng nhiều. Một câu chuyện được nhiều người địa phương kể cho du khách nghe nhất về giếng là Barhout thực chất giam cầm quỷ dữ. Truyền thuyết khác cho rằng đây là một cánh cổng đi tới địa ngục, do đó, nó còn có tên gọi khác là giếng địa ngục. Cánh cổng này bị nguyền rủa và một ngày nào đó, ma quỷ sẽ bò ra khỏi nơi này. Tuy nhiên, những lời đồn này chỉ là những câu chuyện phiếm được truyền miệng.
Một người dân địa phương tên Ammar Hashem Mohammed Osman nói rằng anh từng thực hiện nghĩa vụ quân sự và đóng quân gần Giếng địa ngục. Và Osman nói rằng mùi hôi từ giếng phát ra là một trải nghiệm tồi tệ nhất anh từng gặp. “Có một cái giếng bình thường được đào để cung cấp nước cho quân đội. Nhưng khi máy bơm hoạt động để lấy nước, một chất lỏng màu đen như hắc ín chảy ra với mùi hôi không chịu nổi. Nó như mùi trứng thối và khiến tôi buồn nôn. Tôi đã không thể ngủ được vì mùi quần áo và cơ thể sau khi rửa bằng thứ nước đó”. Osman tin chắc rằng giếng nước này thông với giếng Địa ngục.
Giếng gỗ 3.000 năm chứa đầy đồ cúng tế
Giếng nước lót gỗ sâu 5 m chứa nhiều vật dụng bằng kim loại và gốm, nhiều khả năng là đồ cúng tế để cầu mong vụ mùa bội thu.
Các nhà khảo cổ khai quật một giếng gỗ thời Đồ Đồng chứa nhiều cổ vật tại thị trấn Germering, bang Bavaria, Đức, Ancient Origins hôm 9/1 đưa tin. Người xưa có thể đã thả trang sức và đồ gốm xuống đây để làm lễ vật, tương tự như cách mọi người ném tiền xu vào giếng nước để cầu may ngày nay.
Giếng nước lót gỗ có niên đại hơn 3.000 năm. Với độ sâu khoảng 5 m, nó sâu hơn nhiều so với các giếng khác cùng loại. “Rất hiếm khi một chiếc giếng tồn tại hơn 3.000 năm mà vẫn còn tốt như vậy. Thành gỗ được bảo quản nguyên vẹn dưới đáy giếng và vẫn hơi ẩm do nước ngầm”, tiến sĩ Jochen Haberstroh, nhà khảo cổ tại Văn phòng Bảo tồn Di tích Bang Bavaria (BLFD), cho biết.
“Điều này cũng giải thích tại sao những cổ vật làm từ vật liệu hữu cơ dưới giếng cũng trong tình trạng tốt. Chúng đang được các chuyên gia kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Chúng tôi hy vọng phát hiện mới sẽ cung cấp thêm thông tin về cuộc sống thường nhật của cư dân thời đó”, Haberstroh bổ sung.
Giếng thẳng đứng sâu nhất châu Á
Nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Trung Quốc thông báo giếng dầu Pengshen-6 đạt độ sâu 9.026 m, trở thành giếng thẳng đứng sâu nhất châu lục.
Giếng thẳng lập kỷ lục nằm ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc. Quá trình xây dựng công trình vấp phải nhiều thách thức do điều kiện địa chất rất phức tạp bởi giếng chạy qua hơn 10 địa tầng khác nhau. Do đó, công nhân xây dựng phải đối mặt điều kiện nhiệt độ, áp suất và nồng độ lưu huỳnh cao, Interesting Engineering hôm 17/2 đưa tin.
Ma Yong, phó giám đốc bộ phận công nghệ kỹ thuật ở công ty PetroChina Southwest Oil and Gasfield, cho biết giếng mới sẽ hỗ trợ cho thăm dò dầu khí siêu sâu và đặt nền móng cho chương trình giếng khám phá khoa học 10.000 m, bắt đầu trong năm 2023.
Giếng mới được đào bởi chi nhánh của Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc vào tháng 7/2021. Kế hoạch thiết kế ban đầu chỉ hướng tới độ sâu 7.990 m. Tuy nhiên, để khám phá nhiều mỏ dầu khí hơn ở địa tầng sâu, độ sâu lỗ khoan cuối cùng tăng lên 9.026 m.
Chand Baori – giếng nước kỳ lạ nhất thế giới
Chand Baori là một giếng nước sâu 30m với 13 tầng và 3.500 bậc thang, ở làng Abhaneri gần Jaipur, bang Rajasthan, Ấn Độ, đây được xem là giếng nước kỳ lạ nhất thế giới.
Giếng bậc thang Chand Baori nằm đối diện với ngôi đền thờ nữ thần Harshat Mata, một ngôi đền rất nổi tiếng với kiến trúc điêu khắc cổ đại Ấn Độ. Khách hành hương đến viếng đền thường phải rửa tay chân ở giếng trước khi vào đền.
Chand Baori được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, theo các truyền thuyết cổ xưa của người dân địa phương thì ma quỷ đã giúp họ xây dựng công trình này chỉ trong vòng một đêm. Giếng nước có nhiều bậc thang như vậy là để ngăn chặn mọi người leo xuống lấy những đồng xu, mà khách hành hương cũng như cư dân địa phương ném xuống đó để cầu may.
Chính khí hậu khô cằn và khắc nghiệt nơi đây đã buộc người dân địa phương phải tìm cho mình một nguồn sống bằng cách tự đào một cái giếng lớn và sâu mới có thể bắt được mạch nước ngầm, và hứng được nước mưa để sử dụng quanh năm. Chand Baori là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cư dân làng Abhaneri từ hàng thế kỷ nay.
Giếng nước kỳ lạ khiến vạn vật… hóa đá
Thị trấn Knaresborough ở Bắc Yorkshire, Anh, là nơi có hiện tượng kỳ lạ. Nơi đây xuất hiện giếng nước đặc biệt, nằm bên bờ sông Nidd gần thị trấn, là một trong những điểm du lịch lâu đời nhất nước Anh.
Giếng lần đầu mở cửa đón khách tham quan vào năm 1630 và đến nay vẫn gây kinh ngạc nhờ khả năng biến vạn vật … hóa đá.
Bởi vậy, theo tương truyền từ xa xưa, đó là giếng nước bị “ma quỷ nguyền rủa”. Suốt thời gian dài từ những thế kỷ trước, người địa phương tin rằng giếng nước đã chịu lời nguyền. Một phần của giếng có vẻ ngoài giống hộp sọ khổng lồ. Nên người dân xung quanh từng sống trong nỗi sợ hãi bị biến thành đá nếu không may chạm vào nước giếng.
Tìm hiểu kỹ hơn về giếng hóa đá, người ta nhận thấy hiện tượng này xảy ra với tốc độ rất nhanh. Một vài người còn thử nghiệm bằng cách thả những vật dụng hàng ngày xuống nước để theo dõi sự biến đổi.
Nhiều món đồ hóa thành đá chỉ sau vài tuần, từ chiếc mũ độ đầu, cho tới ấm nước, gấu bông, hay thậm chí cả xe đạp. Nhìn kỹ, du khách sẽ thấy đồ vật này bị phủ bên ngoài bởi lớp vỏ khoáng chất cứng, như “hóa đá” theo cách gọi nôm na dễ hiểu.
Nghi Vân (t/h)