Signature Bank – ngân hàng quen thuộc với giới tiền số – vừa bị giới chức New York đóng cửa hôm 12/3.
Chỉ hơn 2 ngày sau khi Silicon Valley Bank phá sản, các nhà chức trách Mỹ đóng cửa thêm một ngân hàng. Tổng cộng trong 1 tuần, Mỹ có 3 ngân hàng sụp đổ. Làn sóng rút tiền có thể ảnh hưởng thêm nhiều tổ chức. Các cơ quan quản lý đã tiến hành can thiệp nhằm trấn an công chúng và ngăn chặn sự đổ vỡ lan rộng trong hệ thống.
Ngân hàng tiền mã hóa khổng lồ Signature bị đóng cửa
Các cơ quan quản lý của Mỹ vào hôm Chủ nhật (12/03) thông báo rằng họ đang can thiệp để đóng cửa Ngân hàng Signature, đánh dấu ngân hàng thứ hai của Mỹ sụp đổ chỉ trong vài ngày và là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ.
Signature Bank là ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ và trên thế giới.
Signature Bank – có trụ sở ở New York – rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin do nhiều người lo sợ về hoạt động không an toàn của ngân hàng này. Signature từng cho vay mạnh trong lĩnh vực bất động sản nhưng nhiều năm gần đây đặt cược lớn vào hoạt động ngân hàng tiền ảo trong bối cảnh thị trường tiền ảo tụt dốc và các cơ quan chức năng siết chặt giám sát đối với các ngân hàng có dính líu đến tài sản số.
Signature đã cố gắng tìm đối tác mua lại hoặc một giải pháp khác để củng cố tình hình tài chính nhưng không thành công. Signature cũng đã cắt giảm hoạt động ở mảng tiền ảo, ngừng mối quan hệ với mảng quốc tế của sàn tiền ảo lớn nhất Mỹ Binance.
Tuy nhiên, vụ SVB đã đổ thêm dầu vào lửa trong cơn bão niềm tin đang quét trên thị trường tài chính thế giới. Cổ phiếu Signature Bank giảm hơn 75% trong vòng 1 năm qua.
Theo các nhà quản lý Mỹ, khách hàng của Signature sẽ được nhận lại toàn bộ tiền gửi, bao gồm cả những khoản tiền gửi vượt trần bảo hiểm tiền gửi liên bang là 250.000 USD.
Cũng như Silvergate Bank, Signature Bank bị rút tiền ồ ạt sau vụ sụp đổ của sàn tiền ảo FTX vào tháng 11/2022.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn.
Trước đó, vào cuối tuần, vụ Silicon Valley Bank (SVB) phá sản đã làm rúng động nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng tăng và ngân hàng trung ương nhiều nước phải trấn an dư luận. SVB được biết đến là một trong những ngân hàng lâu đời và lớn mạnh nhất tại Thung lũng Silicon. Ngân hàng này quản lý phần lớn tiền gửi ở trung tâm công nghệ Mỹ.
Trước Signature Bank, ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực tiền số – Silvergate Bank sụp đổ đã tạo ra làn sóng rút tiền khác.
Những diễn biến tồi tệ của ngành tài chính
Sau sự sụp đổ của SVB tập trung vào công nghệ ở Santa Clara, California, vào ngày 10/03, giá cổ phiếu của các ngân hàng khác phục vụ cho các công ty công nghệ đã giảm mạnh, bao gồm Ngân hàng First Republic và Ngân hàng PacWest. Việc đóng cửa SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ với 209 tỷ USD tài sản, đứng sau sự sụp đổ của Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chỉ ra việc tăng lãi suất, vốn đã được Cục Dự trữ Liên bang thực hiện để chống lạm phát, như là vấn đề cốt lõi đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon. Nhiều tài sản của SVB là trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, đã mất giá trị với mỗi lần tăng lãi suất. Đồng thời, các khách hàng khởi nghiệp của ngân hàng ngày càng rút tiền trong bối cảnh đầu tư vốn mạo hiểm đang thưa thớt.
Các cơ quan quản lý đã can thiệp để đảm bảo an toàn tiền gửi của khách hàng, cả khoản tiền được bảo hiểm và không được bảo hiểm, trong SVB và Ngân hàng Signature, nhằm trấn an công chúng và ngăn chặn việc rút tiền đồng loạt trong các tổ chức ngân hàng liên quan tới công nghệ.
Trong một tuyên bố chung với Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang, FDIC cho biết họ đang “thông báo một ngoại lệ rủi ro hệ thống tương tự đối với Ngân hàng Signature” giống như SVB.
“Tất cả những người gửi tiền của tổ chức này sẽ được thanh toán tiền toàn bộ. Như với giải pháp đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon, người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào”, một tuyên bố chung từ các cơ quan quản lý liên bang cho biết.
“Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo đảm sẽ không được bảo vệ. Quản lý cấp cao cũng đã bị loại bỏ. Bất kỳ tổn thất nào đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi để hỗ trợ những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ được phục hồi bằng một đánh giá đặc biệt đối với các ngân hàng, theo yêu cầu của pháp luật”, tuyên bố tiếp tục.
Fed nói về cách tiếp cận khẩn cấp: “Những hành động này sẽ giảm căng thẳng trên toàn hệ thống tài chính, hỗ trợ ổn định tài chính và giảm thiểu mọi tác động đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình, người nộp thuế và nền kinh tế rộng lớn hơn”.
Nghi Vân (t/h)
Xem thêm:
> Những công ty nào lao đao vì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank?
> Nhiều ngân hàng Mỹ có nguy cơ sụp đổ domino vì tiền ảo: Trường hợp phá sản của SVB và Silvergate
> Silicon Valley Bank bị đóng cửa – vụ sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ