Từ ngàn xưa, thơ ca giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá truyền thống. Thơ ca đã đạt đến đỉnh cao vào thời đại nhà Đường và có những tác phẩm nội hàm sâu sắc, khiến con người ngày nay không ngừng tán thán. Điều gì khiến thơ ca truyền thống có được sức mạnh to lớn đó? Hãy cùng nhìn lại nội hàm chân chính của thơ ca truyền thống và sức ảnh hưởng của nó đến thơ ca Việt Nam.
Nội hàm thâm sâu của chữ “Thi”
Chữ Hán được mệnh danh là ngôn ngữ Thần truyền, mỗi chữ đều có nội hàm rất to lớn. Theo Hán tự thì chữ “Thi” (詩) được tạo thành từ bộ “Ngôn” (言) tức ngôn ngữ và chữ “Tự” (寺) nghĩa là chùa, miếu. Có thể thấy đây như lời nhắc nhở cho thi nhân và hậu thế rằng thơ ca là lời nói cất lên với yêu cầu trang nghiêm, thanh tịnh và gần với Đạo.
Người xưa nói “Văn dĩ tải Đạo”, nghĩa là “Văn là để truyền tải Đạo”. Do đó các tác phẩm văn học hay thơ ca kinh điển đều gắn liền với chữ Đạo, những chi tiết cụ thể đều tập trung biểu hiện sự dĩnh ngộ sùng đức tu thân trong quá trình cảm ngộ nhân sinh, bao gồm Thiên mệnh quan và Đạo đức quan của văn hóa truyền thống Á Đông, chỉ rõ phương hướng cho tâm linh mỗi người.
Nhà Đường là một triều đại vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, đó là thời kỳ hưng thịnh của lịch sử Trung Quốc, đã từng được vạn quốc đến chầu, tứ phương thần phục. Đồng thời nhà Đường còn có “tam tuyệt”, đó là: thơ của Lý Bạch, nghệ thuật múa kiếm của Bùi Mân, thư pháp của Trương Húc, cho đến nay chưa có ai vượt qua được tam tuyệt này, họ đã đạt đến được đỉnh cao tột bậc. Trong “Tĩnh dạ tứ” Lý Bạch viết:
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Những vần thơ chứa đầy hình ảnh đưa chúng ta đưa chúng ta vào một không gian huyền ảo. Ánh trăng bao trùm vạn vật, phút chốc như gột sạch bụi trần. Phải chăng vì thế mà Lý Bạch “cúi đầu nhớ cố hương”? Cố hương ở đây có phải Tứ Xuyên quê nhà của thi nhân hay còn là nơi nào khác?
Lại nói về tư tưởng của Phật gia, Phật gia cho rằng trần gian là cõi tạm, nhân gian thực sự không phải quê hương của mình. Có lẽ điều này được thể hiện rõ hơn sau đó mấy trăm năm qua bài thơ của Tô Đông Pha:
“Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nào?”.
Cả hai bài thơ như như gột rửa bản thân khỏi chốn hồng trần cuồn cuộn. Hai nhà thơ nổi tiếng này cho ta thấy được nội hàm chân chính của thơ ca. Không những vậy trong Tây Du Ký cũng có đoạn thơ:
“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người, bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu.
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện Trời thương lọ phải cầu”.
Cùng ý tứ ấy, Hồng Lâu Mộng viết:
“Người đời ai cũng thích Thần tiên
Mà việc công danh chẳng muốn quên.
Tướng súy xưa nay đâu rồi vậy?
Nhà hoang cỏ dại lấn bên thềm.
Được làm Thần tiên ai chẳng ham
Mà sao bạc tiền vẫn còn tham.
Tháng ngày cứ mải mê tích góp
Nhắm mắt xuôi tay, hận muôn ngàn…”
Đó là những vần thơ chân chính theo đúng định nghĩa về “Thi” (詩) mà cổ nhân đã truyền tải qua Hán tự. Thi thư chú trọng đặc tính “hình thần kiêm bị” (vẻ ngoài và tư chất đồng nhất), thi nhân muốn làm nên những áng thơ hay thì trước hết cần là người có nội tâm ưu nhã, có khí chất bất phàm. Vậy nên, làm thơ, viết chữ, gảy đàn, vẽ tranh… hết thảy đều gắn liền với tu luyện. Xét một khía cạnh khác, nội hàm thơ ca còn có ý tứ phải hướng thiện cho con người, hướng con người về với Thần giống như một ngôi chùa chân chính vậy.
Kinh Thi – Tập thơ cổ ảnh hưởng sâu đậm tới thơ ca Việt Nam
Chữ “Thi” trong tiếng Hán còn hàm ý “Thi Kinh”, một trong Ngũ Kinh của Nho gia, là kinh sách mà Nho sinh nào cũng cần học tập. Mặc dù tập thơ này do nhiều tác giả sáng tác, nhưng sau đó được chính Khổng Tử sưu tập và chỉnh lý. Kinh Thi được dùng làm sách giáo khoa, trong bộ ngũ kinh và đây cũng là tập thơ ảnh hưởng lớn nhất đến thơ ca Việt Nam.
Từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú…đều có trong Kinh Thi. Do đó, Kinh Thi được coi là nền tảng cho khuynh hướng hiện thực của văn học Trung Quốc. Nghệ thuật của Kinh Thi cũng rất đặc sắc, nhất là phương pháp “phú”, “tỉ”, “hứng’’ và lối trùng chương điệp ngữ rất có ảnh hưởng đến đời sau.
Khổng Tử có câu: bất học Thi, vi dĩ ngôn tức: Không học Thi, thì không biết nói. Cổ nhân xem trọng “Thi” như vậy, có thể thấy nội hàm sâu sắc của thi ca truyền thống to lớn như thế nào. Thực ra, không chỉ thơ ca mà toàn thể “lục nghệ” (Ngũ ngự, Ngũ xạ, Lục nhạc, Ngũ lễ, Lục thư, Cửu số) đều là phương tiện để người xưa tu tâm dưỡng tính, nâng cao cảnh giới đạo đức, là sợi chỉ nối liền với thiên thượng.
Kinh Thi vào Việt Nam có thể kể từ khi bắt đầu thời Bắc thuộc khoảng đầu Công nguyên thông qua con đường giáo dục. Cho dù sự cai trị của người Hán không còn áp đặt lên Việt Nam từ sau năm 938, nhưng Nho giáo vẫn được coi trọng và truyền bá mạnh mẽ, dần dần trở thành ý thức hệ chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Kinh Thi bởi vậy cũng có ảnh hưởng to lớn văn học Việt Nam.
Nguyễn Trãi mở đường, Nguyễn Bỉnh Khiêm bước tiếp. Rồi đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà, Nguyễn Bính, đều là những nhà thơ đã học tập và vận dụng thành thạo “Kinh Thi Việt Nam” mà trở thành nhà thơ dân tộc.
Sự phong phú của thơ ca
Thơ ca được dùng trong hầu hết trong các phương diện của cuộc sống như ca ngợi Thần, đề cao Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, ca ngợi hiền nhân, đối đáp,… Có những thi nhân vì ngưỡng mộ tài năng và phẩm cách mà kết giao.
Tiêu biểu như khi Lý Bạch và Đỗ Phủ gặp nhau, lúc đó Lý Bạch đã nổi tiếng khắp thiên hạ, ai cũng biết ông là nhân vật số một trong nền thơ ca Đại Đường, còn Đỗ Phủ thì chưa có tiếng tăm. Nhưng Lý Bạch không hề coi thường ông, hai người quý mến và tôn trọng nhau. Đỗ Phủ đã sáng tác câu thơ: “Bạch thi dã vô địch, Phiêu nhiên tứ bất quần” (Tạm dịch nghĩa: Thơ Lý Bạch không có ai là địch thủ, Tứ thơ phơi phới nhẹ nhàng không ai bằng được); “Bút lạc kinh phong vũ, Thi thành khấp quỷ thần” (Tạm dịch nghĩa: Nét bút hạ xuống khiến gió mưa kinh sợ, Thơ thành làm quỷ thần cũng khóc). Những vần thơ đó đã dành cho Lý Bạch sự ca ngợi tột cùng.
Có lúc, sức mạnh của thơ to lớn đến mức như một bản tuyên ngôn. Trong “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt viết:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Bản dịch của Trần Trọng Kim:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Bài thơ khẳng định chủ quyền dân tộc và khích lệ tinh thần quân sĩ trong cuộc chiến bảo vệ giang sơn chống lại quân Tống. Sức mạnh của thơ ca được bộc lộ qua những áng thơ bất hủ như vậy.
Có thi nhân vì thoát chết nhờ tài năng thơ ca của mình. Như câu chuyện về Tào thực – nhà thơ sống vào thời Tam Quốc (220-280 sau Công Nguyên), con thứ tư của Tào Tháo. Ông rất tài năng và ứng đối nhanh nhạy, chưa đầy 10 tuổi ông đã có thể viết ra những bài văn xuất chúng.
Sau khi Tào Tháo qua đời, người anh ruột của Tào Thực là Tào Phi lên ngôi. Ghen tị với tài năng của Tào Thực, Tào Phi luôn cố gắng tìm mọi cách để triệt hạ ông. Một ngày nọ, Tào Phi ra lệnh cho Tào Thực phải làm xong một bài thơ chỉ trong bảy bước chân.
Tào Phi đặt ra chủ đề là “tình huynh đệ”, nhưng quy định rằng không được dùng bất kì từ nào hoặc một ký tự Trung Hoa liên quan đến “huynh đệ”. Ông nói rằng nếu Tào Thực làm không được, thì mạng sống sẽ bị đe dọa. Tào Thực chỉ còn cách tuân theo. Ông bước đi và suy nghĩ, khi Tào Thực bước đến bước thứ sáu, ông đã hoàn thành bài thơ, mà sau này được biết đến với tên gọi “Thất Bộ Thi”.
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ há nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Dịch:
Nấu đậu để làm canh,
Hạt bỏ vào nồi nấu,
Cành ở dưới mà đun.
Đậu ở trong nồi khóc,
Sinh ra từ một gốc,
Sao nỡ đốt thiêu nhau.
Bài thơ dùng ẩn dụ để nói với Tào Phi rằng huynh đệ là người cùng một nhà, sao Phi lại hãm hại ông. Quả là như Nguyễn Du nói: “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tuy nhiên, thơ ca đã cứu ông một mạng. Trong thơ, lại không mang nặng ý thù oán cá nhân mà chỉ một lời nhắc nhở về nghĩa tình huynh đệ.
Trong dòng sông dài lịch sử, thơ ca đã được vận dụng một cách phong phú như thế. Có câu thơ rằng:
“Bậc trí như vách đá
Gió cuồng nộ chẳng lay
Lời tán dương phỉ báng
Không xao gợn đôi mày”
(Khuyết danh)
Một đôi câu nhưng biểu đạt được nội hàm rộng lớn, cả ý chí và tấm lòng trung nghĩa vững vàng. Thế mới thấy so với những bài thơ hiện đại vốn phóng đại cái tôi, thiên hướng tiêu cực hoặc bị dùng sai mục đích, đã kéo ý nghĩa của thi ca lệch khỏi vị trí ban đầu, xa rời sứ mệnh chân chính Thần thánh cần có. Bởi vậy, chúng ta hãy trân quý hơn nữa thơ ca truyền thống, và làm nó trở lại huy hoàng với nội hàm chân chính đáng có của mình.
Chân Tâm (t/h)
Nguồn tham khảo
https://mb.dkn.tv/van-hoa/chiet-tu-chu-thi-he-lo-noi-ham-va-su-menh-than-thanh-cua-tho-ca.html
https://mb.dkn.tv/van-hoa/nghe-thuat/kinh-thi-tap-tho-co-nhat-trung-quoc-xua-lan-gio-anh-huong-sau-dam-toi-nghe-thuat-tho-ca-viet-nam.html