spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Amazon bị kiện vì lừa hàng triệu khách hàng đăng ký gói Prime

Tân Thế Kỷ –  Hôm thứ Tư, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã cáo buộc trang mua bán trực tuyến Amazon lừa hàng triệu người tiêu dùng đăng ký các gói dịch vụ Amazon Prime trả phí mà không có sự đồng ý của họ, đồng thời gây khó khăn cho khách hàng trong việc hủy bỏ gói dịch vụ này.

Amazon bị kiện vì lừa hàng triệu khách hàng đăng ký gói Prime
Logo của Prime được in trên một chiếc xe tải giao hàng của Amazon. Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images

Ngày 21/6 – FTC đã kiện Amazon.com lên tòa án liên bang ở Seattle, cáo buộc rằng công ty này đã cố ý lừa hàng triệu người tiêu dùng vô tình đăng ký dịch vụ Amazon Prime. Theo báo cáo, dịch vụ này có mức phí hàng tháng là 14,99 USD.

“Amazon đã sử dụng các thiết kế giao diện người dùng mang tính thao túng, ép buộc hoặc lừa đảo – được gọi là ‘các mẫu tối’ để lừa người tiêu dùng đăng ký các gói dịch vụ Prime tự động gia hạn” – FTC cho biết.

Người phát ngôn của Amazon đã nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua email rằng – các cáo buộc của FTC là “sai sự thật” và quy trình đăng ký hay hủy bỏ Prime của họ là “rõ ràng và đơn giản”.

Theo FTC, Amazon Prime là chương trình đăng ký lớn nhất thế giới, tạo ra doanh thu 25 tỷ USD hàng năm. Prime cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng và miễn phí cho hàng triệu mặt hàng, cùng nhiều khoản giảm giá khác nhau và khả năng tiếp cận phim ảnh, âm nhạc, phim truyền hình cũng như các lợi ích khác.

Các thành viên đăng ký gói dịch vụ ở Hoa Kỳ sẽ trả 139 USD mỗi năm và thúc đẩy phần lớn doanh số bán hàng của Amazon. Hiện Prime có hơn 200 triệu thành viên trên toàn thế giới, và dịch vụ này rất quan trọng đối với các hoạt động kinh doanh khác của Amazon, bao gồm dịch vụ phát trực tuyến Prime Video và dịch vụ giao hàng tạp hóa.

BN 1 jpeg

Trong một tuyên bố, Amazon cho biết: “Sự thật là khách hàng yêu thích Prime và theo quy trình thiết kế, chúng tôi giúp khách hàng có thể đăng ký hoặc hủy tư cách thành viên Prime của họ một cách rõ ràng và đơn giản”.

Tuy nhiên, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng FTC cho biết trong đơn khiếu nại rằng – Amazon đã cố ý thiết kế quy trình hủy đăng ký Prime trở nên khó khăn đến mức công ty này đã gọi nó là “Iliad Flow” (tạm dịch là “Dòng chảy Iliad”) – một thuật ngữ lấy cảm hứng từ câu chuyện sử thi về Cuộc chiến thành Troy kéo dài hơn 24 tập sách. 

“Amazon đã thiết kế quy trình hủy bỏ Iliad (Iliad Flow) giống như một mê cung” – FTC tuyên bố, đồng thời cáo buộc rằng ban lãnh đạo Amazon “đã thực thi chậm hoặc từ chối những thay đổi có thể khiến Iliad trở nên đơn giản hơn đối với người tiêu dùng, vì những thay đổi đó ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của Amazon”.

“Amazon đã không thiết kế Iliad Flow theo cách đơn giản hay dễ dàng cho người tiêu dùng”- cơ quan này cho biết thêm. “Iliad Flow đã ức chế hoặc ngăn cản nhiều người tiêu dùng có ý định hủy bỏ tư cách thành viên của họ”, vì các quy trình quá phức tạp và dễ gây mệt mỏi.

Vụ kiện vào hôm thứ Tư của FTC trùng với thời điểm Amazon công bố ngày diễn ra sự kiện bán hàng lớn có tên “Prime Day” trong tháng Bảy.

Vụ kiện nói rằng dưới áp lực đáng kể từ FTC, Amazon đã thay đổi quy trình hủy bỏ gói đăng ký vào tháng 4 năm nay, nhưng “các vi phạm vẫn đang tiếp diễn” và họ vẫn “yêu cầu năm lần nhấp trên máy tính và sáu lần nhấp trên thiết bị di động để người tiêu dùng có thể hủy bỏ gói đăng ký từ Amazon.com.”

Theo Reuters, FTC đã điều tra về các quy trình đăng ký và hủy bỏ chương trình Prime kể từ tháng 3 năm 2021.

Cơ quan này cho biết – ngoài việc cố ý làm khó khách hàng, Amazon cũng phạm phải “hành vi sai trái có chủ ý” khi trì hoãn cuộc điều tra của FTC bằng cách đưa ra những phản hồi “không có thiện ý” đối với các yêu cầu cung cấp tài liệu cho cuộc điều tra.

Nhà phân tích cấp cao của Insider Intelligence, Evelyn Mitchell-Wolf, nói rằng “FTC đang làm gương cho Amazon, nhưng việc các công ty gây khó khăn trong quá trình hủy tài khoản hơn là tạo tài khoản vốn là một điều khá phổ biến”.

Trước đó, vào ngày 31/5 – FTC đã công bố một khoản bồi thường trị giá 5,8 triệu USD đối với camera Ring DoorBell của Amazon, sau khi cơ quan này cho biết camera của Amazon đã được sử dụng để theo dõi một số khách hàng. Cùng ngày, FTC cho biết Amazon đồng ý trả 25 triệu USD để giải quyết cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của trẻ em khi không xóa bản ghi công nghệ trợ lý ảo Alexa theo yêu cầu của phụ huynh và giữ chúng lâu hơn mức cần thiết.

Theo Tom Forte, giám đốc điều hành của DA Davidson Companies, vụ kiện mới này là “biểu tượng cho nỗ lực của các chính phủ trên toàn cầu nhằm kiềm chế ảnh hưởng thái quá của các công ty công nghệ lớn”, bao gồm Amazon, Apple và Meta.

Hoàng Dung (t/h)

Theo The Epoch Times, Reuters

Xem Thêm:

Tập đoàn báo chí lớn nhất của Mỹ kiện Google

Nợ xấu bộn bề, ngân hàng đua nhau rao bán tài sản khủng nhưng vẫn… ế

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều