spot_img
24 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Anh hùng Nhạc Phi – Tấm gương cho hậu thế

Câu chuyện Nhạc Phi thời Nam Tống “tinh trung báo quốc” được người dân Trung Hoa đời đời truyền tụng suốt hàng trăm hàng nghìn năm nay, và được kể nhiều đến mức thuộc làu. Ngoài trung dũng không gì sánh nổi ra, Nhạc Phi còn có tấm lòng nhân nghĩa lo cho bách tính. Ái quốc trong truyền thống Trung Hoa là một sự tu dưỡng có nội hàm thâm sâu, phù hợp với đạo nghĩa, hoàn toàn không phải là “chủ nghĩa ái quốc” và “chủ nghĩa dân tộc” hẹp hòi.

Quân đội nhân nghĩa không giết người vô tội

Thời kỳ Nam Tống, các địa phương thường xuất hiện cục diện hỗn loạn, Kiền Châu, Cát Châu giặc giã hoành hành, hoàng đế hạ lệnh cho Nhạc Phi đi bình định.

Nhạc Phi đến Kiền Châu, lợi dụng địa hình, ông phái đội quân cảm tử nhanh chóng tấn công lên đỉnh núi, quân địch đại loạn bỏ đỉnh núi chạy tán loạn tứ phía, bị kỵ binh của Nhạc Phi bao vây chặt. Quân giặc kêu gào cầu xin tha mạng, Nhạc Phi hạ lệnh không được chém giết, chấp nhận cho chúng đầu hàng.

Anh hùng Nhạc Phi - Tấm gương cho hậu thế
Tranh Nhạc Phi – Ảnh: Internet

Ban đầu mẫu thân của hoàng đế là Long Hựu Thái Hậu rất kinh sợ vì điều này, hoàng đế mật lệnh cho Nhạc Phi sau khi chiếm được thành Kiền Châu thì giết hết dân chúng trong thành. “Tống sử” có ghi chép: Nhạc Phi thỉnh cầu chỉ giết tên cầm đầu và tha cho những người bị ép phải đi theo, Cao Tông không đồng ý. Nhạc Phi khẩn cầu nhiều lần, Cao Tông mới hạ lệnh xá tội. Bách tính trong thành cảm kích ân đức Nhạc Phi, vẽ chân dung Nhạc Phi để thờ cúng.

Cứu tế bách tính, xin triều đình miễn nợ

Khi Lư Châu gặp nguy nan, hoàng đế đích thân viết thư lệnh cho Nhạc Phi dẫn quân đến giải vây. Nhạc Phi dẫn quân tiến gấp về phía Lư Châu. Nhạc Phi cho giương lá cờ có chữ “Phi” và lá cờ có chữ “Tinh Trung”, tướng sỹ hăng hái giết giặc, chỉ một trận đánh tan quân Kim, Lư Châu được dẹp yên.

Trên đường chinh chiến, Nhạc Phi thấy bách tính khổ cực bèn dâng tấu lên triều đình rằng: “Các hộ dân ở sáu quận như Tương Dương và các quận khác thiếu trâu cày và lương thực, thỉnh cầu triều đình xem xét cho họ mượn tiền quốc gia và xóa nợ công cũng như nợ tư mà họ đã thiếu nợ từ trước, lấy việc chiêu tập được bao nhiêu bách tính lưu lạc quay về có việc làm để làm tiêu chuẩn đánh giá thành tích của quan châu, huyện.”

Là một viên võ tướng, trong khi bình định loạn lạc, Nhạc Phi lại luôn luôn ghi nhớ trong lòng kế sinh nhai của bách tính, đồng thời đề xuất các biện pháp và kiến nghị cụ thể giải quyết. Chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng đã nói ra đạo lý then chốt để nhân dân yên ổn, quan lại trị sửa tốt, đủ thấy ông có tấm lòng yêu thương sâu sắc chăm lo cho bách tính lê dân.

“Nhân, Tín, Trí, Dũng, Nghiêm, thiếu một điều cũng không được”

Hễ được triều đình khao thưởng, Nhạc Phi đều chia đều bình quân cho tướng sỹ, bản thân ông không chiếm giữ bất kỳ thứ gì. Có người từng hỏi Nhạc Phi về thuật dụng binh, ông nói: “Nhân, Tín, Trí, Dũng, Nghiêm, thiếu một điều cũng không được”.

NP4
Người mẹ đã khắc lên lưng của Nhạc Phi 4 chữ : “Tinh trung báo quốc”. Nguồn ảnh: 24h.com

Mỗi lần trưng dụng quân lương, Nhạc Phi luôn chau mày nói: “Tài lực của nhân dân vùng Đông Nam của quốc gia đã tiêu hao hết rồi.” Sau khi bình định khu vực Kinh Hồ, Nhạc Phi chiêu mộ bách tính làm ruộng, lại thực hiện chế độ đồn điền quân đội, mỗi năm giảm được một nửa số lượng lương thực trưng thu.

Nhạc Phi yêu thích hiền lương, lễ hiền đãi sỹ, thích ngâm tụng những từ khúc cao nhã, thần thái khiêm cung cẩn thận, giống y như người đọc sách. Mỗi lần lập công được thăng chức, ông đều thoái thác và nói: “Đây đều là tướng sỹ dốc sức, thần không có công lao gì.”

Có người hỏi ông rằng: “Thiên hạ khi nào mới có được thái bình?” Nhạc Phi nói: “Nếu quan văn không yêu tiền, võ tướng không sợ chết thì thiên hạ đã thái bình rồi.”

Nhạc Phi lưu danh thiên cổ, có thể nói ông là hóa thân của chữ “Trung”, chỉ cần nói đến Nhạc Phi là mọi người lập tức liên tưởng đến 4 chữ “Tinh trung báo quốc” mà mẫu thân Nhạc Phi đã thích lên lưng ông. Thực tế những hành vi và việc làm của Nhạc Phi không phải chỉ là mỗi một chữ Trung mà thôi, nó còn thể hiện nội hàm văn hóa truyền thống Trung Quốc: ở nhà tận hiếu với mẫu thân, quan tâm yêu thương thuộc hạ, ân cần thăm hỏi, ông còn quan tâm đến con cái, thậm chí xót thương nỗi thống khổ của bách tính. Mỗi lần lập công được thăng chức, Nhạc Phi luôn khiêm tốn từ chối nhận công lao, cho rằng đó là do tướng sỹ dốc sức. Có thể nói ở đâu ông cũng nghĩ cho người khác.

Từ quốc gia đến thiên hạ, tu tề trị bình. Từ thiên tử đến bình dân, đều lấy việc tu thân làm gốc, tâm lo cho thiên hạ. Đây chính là biểu đạt những điểm mấu chốt của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Người xưa nói: “Trời sinh ra dân nên lập ra vua cho dân”, cũng có nghĩa là: trời đất hóa dục muôn dân, phó thác dân cho quân vương. Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý nhất, rồi đến quốc gia, sau mới đến vua). Nhạc Phi không nịnh trên, không ham quyền, làm việc nhân nghĩa, ông thực sự đã diễn dịch ý chỉ sâu sắc của từ “ái quốc” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Hãm hại Nhạc Phi và quả báo nghìn năm của Tần Cối

Năm thứ 10 niên hiệu Thiệu Hưng thời Nam Tống (Năm 1141), quân đội Nhạc gia đang đánh bại quân Kim như trẻ che ở trấn Tru Tiên (vùng tây nam của Khai Phong, Hà Nam ngày nay), chẳng bao lâu nữa có thể có hy vọng lấy lại được Biện Kinh (tức Khai Phong). Chính ngay lúc “đánh thẳng đến phủ Hoàng Long, sảng khoái uống rượu mừng”, Tống Cao Tông Triệu Cấu mê muội, nghe lời gian thần Tần Cối, chỉ trong một ngày liên tiếp phát 12 đạo kim bài (tín bài bằng vàng) triệu hồi Nhạc Phi về kinh. 

Nhạc Phi ức quá, khóc: “Công mười năm, một sớm phải bỏ cả“, rồi hạ lệnh lui binh. Nhân dân níu ngựa ông lại, chùi nước mắt, van ông ở lại. Tướng ở chiến trường có quyền không tuân lệnh triều đình, ông quá trung với vua mà không báo quốc được, thật đáng hận biết bao.

Sau khi Nhạc Phi về đến Lâm An, Tần Cối bí mật ra lệnh cho Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết thêu dệt tội danh, vu cáo Nhạc Phi “mưu phản”. Cuối cùng vào ngày 29 tháng 12 năm thứ 12 niên hiệu Thiệu Hưng (tức ngày 28/1/1142), Tần Cối lấy tội danh “không cần có” (mạc tu hữu) mà giết chết hai cha con Nhạc Phi, Nhạc Vân cùng bộ tướng dưới trướng là Trương Hiến ở đình Phong Ba (bên bờ cây cầu Tiểu Đông, Hàng Châu ngày nay).

Ngục tốt Ngỗi Thuận mạo hiểm cả tính mệnh, cõng di thể của Nhạc Phi ra khỏi thành, chôn cất ở ngôi đền Cửu Khúc Tùng bên ngoài cổng thành Tiền Đường. Ngỗi Thuận lấy miếng ngọc bội mà Nhạc Phi thường hay đeo làm vật bồi táng, bên cạnh có hai cây quýt làm ký hiệu, trên bia mộ có viết 4 chữ “Giả nghi nhân mộ“.

Khi đó, có văn nhân viết thơ công kích hôn quân Triệu Cấu: “Tứ kỳ ký dĩ thức tinh trung, chỉ hợp tồn lưu tác cổ quăng. Hà sự phong ba đình tử thượng, thính sàm toàn bất niệm kỳ công”. Tạm hiểu là: Ban tặng cờ gấm rõ ràng đã biết được thần tử tận trung, lẽ ra phải giữ lại làm trụ cột triều đình. Chuyện gì đã xảy ra trên đình Phong Ba? Tin nghe những lời sàm tấu mà không nhớ nghĩ đến công lao kỳ vĩ trước. 

Năm đầu niên hiệu Long Hưng (năm 1163), Tống Hiếu Tông Triệu Thận kế vị. Dưới sự khuyên tâu của nhóm người Chu Hy, Tân Khí Tật, Hiếu Tông hạ chiếu giải oan cho Nhạc Phi, khôi phục chức tước của ông, đem di cốt của Nhạc Phi về an táng ở dưới núi Thê Hà, cạnh Tây Hồ, Hàng Châu.

Năm đầu niên hiệu Nguyên Khánh (Năm 1195), Tống Ninh Tông Triệu Khoáng truy phong Nhạc Phi là Ngạc Vương, đồng thời xây dựng Nhạc miếu thờ Nhạc Phi. Khi đó trước mộ phần của Nhạc Phi vốn không có bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối.

VC Tan Coi
Bức tượng quỳ của kẻ phản bội Tần Cối và vợ. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Tần Cối trước sau làm Tể tướng 19 năm, chuyên quyền độc đoán, thông đồng quân giặc, hãm hại trung lương. Thậm chí Tống Cao Tông cũng bị lấn át, hầu như mọi chuyện đều giao qua tay Tần Cối quyết định. Năm 1155, Tần Cối ốm bệnh, phải nằm liệt giường. Cao Tông thân hành đến thăm, Cối không nói được nhưng tinh thần vẫn còn tỉnh táo, bật khóc như mưa, chẳng bao lâu thì chết, thọ 66 tuổi.

Tượng quỳ của Tần Cối được đúc lại tới 13 lần đã nói rất rõ rằng gian thần có thể hung hăng đắc ý nhất thời nhưng vẫn phải chịu sự phán xét của lịch sử, của lòng dân, sự phán xét của thiên lý. Còn người anh hùng thì dù bị hãm hại bi thảm ra sao vẫn luôn bất tử trong lòng hậu thế. 

Chân Tâm (t/h)

Untitled 3 01 5

Tài liệu tham khảo:

https://vn.minghui.org/news/190303-nhac-phi-co-tam-long-nhan-nghia-lo-cho-bach-tinh.html

https://mb.dkn.tv/van-hoa/ham-hai-nhac-phi-tuong-quy-cua-vo-chong-tan-coi-duc-di-duc-lai-13-lan-nghin-nam-khong-duoc-dung-day.html

 

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều