Tân Thế Kỷ – Sinh vật biển có 3 trái tim, 9 bộ óc đó chính là bạch tuộc. Máu của chúng còn có màu xanh và hệ thống thần kinh kỳ lạ. Nhiều người còn ví von bạch tuộc là giống loài đến từ hành tinh khác.
Vì sao bạch tuộc cần đến 3 quả tim?
Bạch tuộc là một trong những loài động vật không chỉ có một trái tim duy nhất như đại đa số các loài động vật khác, mà nó có đến ba trái tim. Trong đó, trái tim lớn nhất và mạnh mẽ nhất, được gọi là tim hệ thống, nằm ở giữa cơ thể của bạch tuộc đảm nhận nhiệm vụ bơm máu chứa oxy đi khắp cơ thể, nhưng không đến mang.
Điều thú vị nữa là trái tim lớn sẽ ngừng đập khi bạch tuộc bơi. Hai trái tim còn lại tương đối nhỏ và yếu hơn, được gọi là tim nhánh. Mỗi tim nhánh gắn vào một trong hai mang của bạch tuộc để bơm máu qua mang, vì vậy chúng còn được gọi là tim mang.
Theo nhà sinh vật học Kirt Onthank tại Đại học Walla Walla (Mỹ) cho hay, động vật cũng cần đủ huyết áp để đưa máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả. Mang bạch tuộc hút oxy quan trọng từ nước, sau đó hai tim nhánh giúp bơm máu ít oxy qua mang.
Tuy nhiên, máu đi qua mang trở nên giàu oxy và có áp suất thấp, điều này không tốt cho việc dẫn truyền máu tới các cơ quan trong cơ thể. Điều này bắt buộc bạch tuộc cần một trái tim khác sau mang hay còn gọi là tim hệ thống để tạo áp lực cho máu một lần nữa, từ đó giúp đẩy máu giàu oxy đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.
Vì sao bạch tuộc có 9 bộ não?
Điều đáng kinh ngạc là trí thông minh của bạch tuộc lại xuất phát từ cấu trúc sinh học hoàn toàn khác biệt với chúng ta. Bạch tuộc không có phổi, không có xương sống. Nhưng chúng có được khả năng giải các câu đố khó, học hỏi thông qua quan sát và thậm chí sử dụng công cụ hỗ trợ.
Phần đầu chứa bộ não lớn với tỷ lệ não – thân tương đương với các động vật thông minh khác và một hệ thống thần kinh phức tạp với khoảng 500 triệu nơron thần kinh nhưng thay tập trung trong não, số nơron này phân bố thành một mạng lưới hạch liên kết với ba phần chính:
- Phần não trung tâm chỉ chứa khoảng 10% số lượng nơron.
- Hai thuỳ mắt lớn chứa khoảng 30%.
- 60% còn lại nằm ở 8 xúc tu.
Do đó, nhiều người thường ví con bạch tuộc như có 9 não trên cơ thể. Cũng vì lý do này, bạch tuộc rất nhạy cảm và phản ứng nhanh, gần như mỗi xúc tu có thể hoạt động, cảm nhận độc lập với nhau.
Khi nhìn thấy con mồi, não của bạch tuộc chỉ cần gửi tín hiệu phát hiện thức ăn đến các xúc tu và phần việc còn lại các xúc tu sẽ tự xử lý. Hạch thần kinh ở các xúc tu tự điều khiển chuyển động từ việc bắt mồi đến đưa thức ăn vào miệng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy bạch tuộc sở hữu một bộ não khá “tiến bộ” trong giới động vật: não chúng có nếp gấp thùy, tương tự như bộ não của loài động vật có xương sống. Điều này cho phép chúng sở hữu khả năng ghi nhớ tốt, đồng thời giúp chúng có thể nhớ và thậm chí suy luận ra các lộ trình chúng cần thực hiện.
Những bí mật khác của bạch tuộc
Bạch tuộc có tổng thể tám xúc tu. Từ trước đến nay mọi người thường nghĩ rằng bạch tuộc dùng bốn xúc tu để di chuyển (gọi tắt là chân) và bốn xúc tu còn lại để ăn cũng như cầm nắm (gọi tắt là tay). Đặc biệt, các xúc tu này có thể tự phục hồi nếu bị tổn thương hoặc bị đứt.
Sau khi thu thập dữ liệu từ 2.000 cuộc theo dõi khác nhau, các chuyên gia hải dương thuộc 20 trung tâm nghiên cứu đời sống sinh vật biển khắp châu Âu đã phát hiện ra bạch tuộc chỉ di chuyển trên hai xúc tu và dùng sáu xúc tu còn lại để ăn.
Thêm một điều kì lạ nữa là chúng chỉ sử dụng hai chân để đẩy khi muốn bơi. Các xúc tu khác hoạt động như mái chèo, hỗ trợ bạch tuộc bơi. Trên tám xúc tu có tất cả 240 giác hút.
Chúng nhờ vào những giác hút này để bám vào đáy biển và di chuyển. Trên xúc tu của bạch tuộc còn có cơ quan xúc giác và cơ quan vị giác, điều này giúp phán đoán xem “chiến lợi phẩm” thu về có thể ăn được hay không.
Máu của bạch tuộc có màu xanh nhạt.
Thị lực của bạch tuộc rất tốt nhưng tiếc thay chúng lại bị điếc.
Vòng đời của bạch tuộc rất ngắn, thông thường khoảng tầm 2 năm, nhưng có loài chỉ sống được 6 tháng. Duy chỉ có bạch tuộc khổng lồ ở Thái Bình Dương có thể kéo dài tuổi thọ đến 5 năm nếu như sống trong môi trường lý tưởng.
Các nhà khoa học cho rằng, cuộc sống của bạch tuộc cũng gần giống với cá hồi. Chúng không thể sống được lâu sau khi giao phối. Những con đực thường chết sau 1 vài tháng kể từ khi đưa bọc tinh trùng của mình vào con cái. Những con bạch tuộc cái sẽ sống lâu hơn để bảo vệ trứng của mình.
Bạch tuộc cái có thể đẻ tới 150.000 trứng trong hai tuần. Con cái sẽ không kiếm mồi mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ trứng của mình. Điều đó khiến những con bạch tuộc con sau khi sinh ra sẽ mất mẹ bởi mẹ chúng bị chết vì thiếu dưỡng chất và đói trong một thời gian dài.
Một con bạch tuộc con mới sinh có kích thước của một con bọ chét.
Bạch tuộc đốm xanh là một trong những động vật biển có nọc độc nhất trên thế giới: nó có thể giết chết bạn sau 1 cú cắn.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Mặt Trăng do con người tạo ra, đang rời xa Trái Đất và chúng ta có khả năng mất nó trong tương lai
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*