Mỗi ngày có 600 iPhone chờ Hunter lắp ráp, anh phải làm việc trong điều kiện không biết ngày đêm, dưới sự giám sát và mắng nhiếc của quản lý.
Câu chuyện của Hunter
Hunter là biệt danh của một công nhân 34 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc). Anh gia nhập Foxconn từ 10 năm trước nhưng ở vị trí bảo vệ và từng vài lần nghỉ để làm những công việc khác. Tháng 12/2022, anh lần đầu đăng ký tham gia dây chuyền lắp ráp iPhone 14 Pro tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu vì mức thù lao hậu hĩnh.
Nhiệm vụ của anh mỗi ngày là nhặt nắp lưng của iPhone và sợi cáp nhỏ sạc pin, quét mã QR của chúng, bóc lớp băng dính và nối hai phần bằng cách siết hai ốc vít. Anh phải làm xong các thao thác trong một phút. Trong một ca làm việc bình thường kéo dài 10 giờ, anh cần gắn được 600 dây cáp, sử dụng 1.200 con vít.
Ngoài giờ nghỉ trưa khoảng một tiếng, anh dành cả ngày trong khu xưởng không cửa sổ nồng nặc mùi clo, mặc áo choàng chống tĩnh điện và đeo khẩu trang. Nếu cần đi vệ sinh, anh sẽ làm bù thời gian đã mất.
Phía sau là các giám sát viên theo dõi tiến độ trên máy tính và thường xuyên nhắc nhở người bị chậm. “Tôi thấy mình hoàn toàn mất đi phẩm giá và các quyền khi làm việc trong xưởng. Một số giám sát viên như không thể sống nếu không la mắng”, Hunter nói.
Anh ví việc sản xuất iPhone “như làm việc dưới đòn roi”, nhưng vẫn chịu đựng vì khoản thù lao được nhận. Trung bình những người làm theo ca 10 tiếng một ngày, 6 ngày trong tuần có thể kiếm hơn 10.000 nhân dân tệ (34,6 triệu đồng) mỗi tháng.
“iPhone được sản xuất trong địa ngục. Công nhân như tù nhân trong các xưởng không có ánh mặt trời”, Hunter nhận xét. Anh chứng kiến một đồng nghiệp bị giảm lương vì uống nước quá lâu. Một công nhân khác phải nghe những lời la hét, chửi bới sau khi đi vệ sinh và chỉ hoàn thành 40 sản phẩm một giờ, trong khi người khác làm 60 sản phẩm. Thi thoảng có những công nhân cãi tay đôi với giám sát viên và sẽ bị đuổi việc hoặc cắt giờ làm để không còn động lực bám trụ.
Một công nhân 30 tuổi tên Wang nói anh đã bị phạt sau khi dành một phần thời gian nghỉ trưa để hút thuốc. Anh bị cấm làm thêm ba ngày. “Họ mắng tôi nhiều hơn cha mẹ tôi. Lúc nào tôi cũng như bị suy sụp tinh thần”, Wang nói.
Theo những người trong cuộc, dù thỉnh thoảng có những lời đe dọa, xung đột, hiếm khi bạo lực nổ ra vì xưởng có camera giám sát khắp nơi.
Tuy nhiên, không phải giám sát viên nào cũng khắt khe. Che Gege, sinh viên 22 tuổi, đang tranh thủ kỳ nghỉ đông để làm việc thời vụ trên dây chuyền kiểm tra màn hình iPhone 14 Pro. Cô nói người giám sát của cô rất tốt tính, trừ thỉnh thoảng gọi nhân viên là “ngớ ngẩn” khi họ mắc sai lầm.
Trả lời Rest of World, người phát ngôn của Foxconn dẫn lại thông cáo hồi tháng 1 rằng công ty đang “nỗ lực hết sức” bảo vệ quyền của nhân viên sau đợt bùng phát Covid-19. Apple không đưa ra bình luận.
Ngày 3/1, Hunter xin nghỉ việc. “Ngày mai tôi sẽ không đến”, anh nói với người giám sát và nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Được thôi”. Hunter vui vẻ bước ra khỏi xưởng. “Cuối cùng tôi cũng tự do”, người đàn ông 34 tuổi nói. Trong suốt một thập kỷ làm việc, anh chứng kiến đồng nghiệp bất tỉnh trên dây chuyền, có ý định tự tử, đánh nhau với cấp trên. “Ở đây ngột ngạt quá. Nói một cách thẳng thắn, làm việc tại Foxconn đồng nghĩa từ bỏ phẩm giá của mình”, Hunter nói.
Tuy nhiên, anh không chắc liệu anh có quay lại nhà máy khi cần một nguồn thu nhập cao hay không.
Khu phức hợp của Foxconn ở Trịnh Châu sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên thế giới. Nơi này có biệt danh là “thành phố iPhone” với diện tích khoảng 5,6 km vuông và lúc cao điểm có thể cần đến 200.000 công nhân.
Chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) tận dụng tù nhân trong các hoạt động lao động cưỡng bức
Từ lâu, Trung Quốc được cho là đã áp dụng hình thức lao động cưỡng bức đối với các tù nhân – không chỉ đối với những người bị giam giữ vì tội hình sự mà còn cả với các tù nhân lương tâm – để sản xuất các sản phẩm được phân phối trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2020, Một công ty Canada sản xuất khẩu trang y tế cho biết, ĐCSTQ đã nắm quyền kiểm soát cơ sở của họ ở Thượng Hải trong một khoảng thời gian trong năm nay, trong đó một tin bài từ một ấn phẩm Trung Quốc tuyên bố chính quyền đã sử dụng các tù nhân lao động để sản xuất khẩu trang.
Ngày 20/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế, do có liên quan đến vi phạm và ngược đãi nhân quyền ở khu vực phía tây Tân Cương.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các công ty này đã hỗ trợ ĐCSTQ trong “chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, thu thập dữ liệu không tự nguyện và thực hiện các phân tích về DNA của các nhóm thiểu số Hồi giáo”.
Các công ty bị liệt vào danh sách đen sẽ không thể tiếp cận các mặt hàng của Hoa Kỳ, bao gồm các loại hàng hóa và công nghệ, trừ khi họ có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết: “Bắc Kinh tích cực thúc đẩy các hoạt động đáng lên án bao gồm lao động cưỡng bức, thu thập và phân tích DNA để đàn áp công dân của họ”
“Việc [liệt các công ty vào danh sách đen] sẽ đảm bảo rằng hàng hóa và công nghệ của chúng ta không bị sử dụng trong cuộc đàn áp ghê tởm của ĐCSTQ với người thiểu số Hồi giáo không có phòng vệ”.
Đây là nhóm các công ty Trung Quốc thứ 3 bị liệt vào danh sách đen kể từ tháng 10/2019. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã liệt vào danh sách đen tổng cộng 37 công ty và tổ chức Trung Quốc vì đã ủng hộ ĐCSTQ đàn áp ở Tân Cương. Trong số đó, có 2 nhà sản xuất các sản phẩm camera giám sát lớn nhất thế giới là Hikvision và Dahua Technology.
Ngày 10/6/2021, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã chỉ trích các công ty Mỹ, bao gồm Amazon.com Inc., Apple Inc. và Nike Inc. vì đã làm ngơ trước các cáo buộc lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, cho rằng họ đang khiến người tiêu dùng Mỹ đồng lõa với các chính sách đàn áp của Bắc Kinh.
Phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết nhiều công ty Hoa Kỳ đã không tỉnh táo trước sự thật rằng, họ đang “trục lợi” từ sự ngược đãi của chính phủ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Viện Chính sách chiến lược Úc, ít nhất 83 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu có liên quan đến lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, bao gồm các thương hiệu trong ngành công nghệ, quần áo, và ô tô; chẳng hạn như: Apple, BMW, Gap, Nike và Samsung.
Báo cáo công bố vào tháng Ba ước tính có hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đến các nhà máy ở khắp Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2019.
Video: Máu và nước mắt sau các sản phẩm “Made in China”
Nghi Vân (theo Rest of World, Epochtime, NTD)