spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Bệnh đau mắt đỏ lây lan, Đà Nẵng và TP. HCM ra công văn khẩn

Tân Thế Kỷ – Chiều 12-9, Sở Y tế Đà Nẵng đã có công văn khẩn liên quan bệnh đau mắt đỏ khi số ca mắc bệnh tăng đột biến trong thời gian ngắn. Tình trạng tương tự, ngày 13.9, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã ký và phát công văn khẩn đến hàng ngàn trường học yêu cầu tăng cường phòng bệnh đau mắt đỏ.

Đà Nẵng ‘báo động’ tình trạng đau mắt đỏ

Theo Sở Y tế Đà Nẵng, báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho thấy từ ngày 1 đến 11-9, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị 1.335 trường hợp viêm kết giác mạc (bệnh đau mắt đỏ).

Trong đó có 767 trẻ em, chiếm tỉ lệ 57,5%. Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết giác mạc.

Do vậy đơn vị này đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.

Các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

anh dau mat do 2 16945028800492020252693
Nhiều trẻ em nhập viện để điều trị bệnh đau mắt đỏ. – Ảnh: HOÀNG SƠN

Sở Y tế đã giao Bệnh viện Mắt phối hợp với Bệnh viện Phụ sản – Nhi xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ đối với các bệnh viện, trung tâm y tế, đề phòng số ca mắc tăng cao.

Trong khi đó đại diện Bệnh viện Mắt Đà Nẵng cho biết những ngày qua số ca mắc bệnh mắt đỏ đến khám tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch.

Nếu số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng nhanh, gấp 5-7 lần, bệnh viện có thể thiếu thuốc điều trị.

Đơn vị này cũng cho biết vừa qua có nhiều trường hợp người dân tự mua thuốc nhỏ mắt không qua khuyến cáo của bác sĩ nhãn khoa, dẫn tới các biến chứng về mắt.

Untitled 1an 2
Người dân tìm mua thuốc khi số ca mắc bệnh mắt đỏ tăng cao – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sở Y tế Đà Nẵng cũng lưu ý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc.

Ngoài ra, sở yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn.

Gia tăng số học sinh đau mắt đỏ, Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo khẩn

Riêng từ ngày 1.9 đến 10.9, số lượt khám chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện ở TP.HCM là 5.039 ca, tăng 96,5% so so với 10 ngày trước đó (từ 21.8 đến 31.8 là 2.565 ca). Trong số đó có 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước đó (174 ca).

Số trẻ dưới 16 tuổi bị đau mắt đỏ trong 10 ngày qua là 3.708 ca, chiếm 73,6%, tăng 2,8 lần so với 10 ngày trước đó. Trong đó 116 ca có biến chứng.

Sở Y tế nhận định, số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau ngày 5.9, chủ yếu là trẻ em, nguyên nhân do trẻ bắt đầu đi học.

Theo Sở Y tế, các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin…

base64 1694425606896115757605
Bệnh nhân đau mắt đỏ đi khám bệnh gia tăng sau tại TP.HCM. – Ảnh: D.T

Sở GD-ĐT cũng hướng dẫn cách phát hiện và xử trí khi học sinh có triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm…Cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đi đến trường.

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng…), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chứ không phải chỉ có một loại.

Các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus), cụ thể:

-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

-Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

-Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

-Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

-Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

-Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

-Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg

Những khoản thu “thiếu thuyết phục” đầu năm, lại một “mùa” lạm thu?

Hi hữu: Dự lễ tri ân lớp 9, bố mẹ sốc khi con không có tên trong hồ sơ học sinh

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều