Tân Thế Kỷ – Bệnh than bùng phát mạnh nhất trong 10 năm qua – Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 17 người mắc bệnh than ở một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, và Điện Biên. Ngoài ra, còn có hơn 230 trường hợp phơi nhiễm. Đây là những người trực tiếp giết mổ hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh.
Còn với gia súc, chỉ trong vòng 1 tháng đã ghi nhận 6 ổ dịch bệnh ở các tỉnh trên với tổng số trâu bò mắc bệnh và tiêu hủy gần 20 con.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nguyên nhân do người dân chủ quan, khi trâu bò chết, bà con không khai báo cho chính quyền, cơ quan thú y địa phương, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới lây bệnh (cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh). Đồng thời, trâu bò nuôi trong chuồng trại kín, chưa kịp thời vệ sinh môi trường nên dịch bệnh càng phát tán rất nhanh.
“Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên và lây lan sang các tỉnh khác do buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia súc, thịt gia súc bị bệnh trong thời gian tới là rất cao”, ông Long nhận định.
Để ngăn chặn dịch bệnh, lãnh đạo Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm phòng cho đàn gia súc có nguy cơ cao, ở những nơi người dân giết mổ gia súc bệnh, nơi người dân mua thịt gia súc nghi mắc bệnh về tiêu thụ.
Các địa phương cần thực hiện thường xuyên, liên tục biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh và lập trạm, chốt kiểm soát vận chuyển gia súc, thịt gia súc từ vùng dịch ra bên ngoài làm lây lan dịch bệnh.
Bệnh than hay còn có tên gọi khác là bệnh nhiệt than thuộc nhóm các loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi loại vi khuẩn gram dương, hình que Bacillus anthracis. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong điều kiện tự nhiên trong đất hoặc ký sinh trên các loại động vật nuôi hoặc động vật hoang dã.
Bệnh than khi xuất hiện sẽ có các triệu chứng như: xuất hiện vết giộp, u nhỏ và ngứa như khi bị côn trùng đốt; Sưng nhẹ xung quanh miệng vết thương và sưng tấy khi bệnh khởi phát đỉnh điểm; Vết thương xuất hiện trên da có xuất hiện màu đen bên trong tâm vết thương sau khi giảm các vết rộp, u nhỏ.
Khi con người tiếp xúc với động vật chứa vi khuẩn gây bệnh có thể bị truyền nhiễm và mắc bệnh nghiêm trọng khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Thông thường bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua da hay các đường hô hấp, tiêu hóa.
Để phòng ngừa, bạn nên lưu ý thêm một số thói quen hàng ngày như:
- Giữ vệ sinh và rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với động vật;
- Hạn chế tiếp xúc với động vật khi đang có vết thương trên da;
- Hạn chế sử dụng các loại thịt động vật hoang dã chưa qua chế biến hoặc chưa được nấu chín kỹ;
- Sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc tại các khu vực có nguy cơ cao chứa nhiều mầm bệnh;
- Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ mắc bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thực hiện kiểm tra và điều trị sớm nhất.
Nghi Vân (t.h)
Xem thêm:
Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng ở Đà Nẵng
WHO cảnh báo đại dịch ‘thậm chí nguy hiểm hơn’ COVID-19 đang đến
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*