Tân Thế Kỷ – Lão Tử viết: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, nghĩa là người biết đủ thì sẽ vĩnh viễn không thấy thiếu thứ gì. Một người nếu không biết đủ, thì ngay cả khi có một khối tài sản khổng lồ họ vẫn cảm thấy thiếu.
Ngày ba bữa cháo loãng chính là hưởng phúc…
Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày ông đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, một hôm bà hỏi chồng: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”
Vị tiên sinh trả lời vợ rằng: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa, trong lao ngục không có người thân là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta đã có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc hay sao?”
Nhìn bề ngoài của ông nhiều người cho rằng ông không thành công, nhưng bản thân ông lại hài lòng với tất cả. Bởi vì trong lòng ông biết đủ, không quá truy cầu, vì thế mà trong tâm luôn ngập tràn hạnh phúc.
Có câu nói rằng: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Bởi vậy: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, nhưng tâm thái khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau, tốt hay xấu đều là cách nhìn nhận của mỗi người.
Biết đủ chính là quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại. Thay vì nghĩ về những điều mình còn thiếu, hãy nghĩ nhiều về những điều mình đã có. Bởi nếu không biết quý trọng những thứ mình đang có chúng sẽ rời bỏ chúng ta mà đi.
Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có, không ngừng tích đức. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng nếu chúng ta không biết trân quý, lúc mất đi rồi thì hối tiếc cũng đã muộn. Ngoài ra, tích đức hành thiện là cách tốt nhất để gia tăng phúc phận và tránh khỏi tai ương trong đời.
Vậy nên, nhiều người đại nạn, bệnh tật không chết đã khiến họ trân quý cuộc sống này hơn. Còn chúng ta, nếu đang yên ổn, may mắn hơn bao người thì đừng quá tham lam truy cầu mà hãy biết trân quý những gì đang có ở hiện tại.
Biết đủ thường vui
Sinh mệnh là có duyên, cũng là có phận. Đôi khi có những điều hạnh phúc chúng ta dành cả đời truy cầu vẫn không đạt được. Nhưng, có những hạnh phúc lại đến một cách thong dong đạm bạc. Đặc biệt, có những hạnh phúc chúng ta không cần tìm xa, biết đủ đã là hạnh phúc.
Một thương nhân người Mỹ ngồi trên bến tàu của một làng chài nhỏ trên bờ biển Mexico, xem một ngư dân Mexico đang chèo chiếc thuyền nhỏ cập bến. Trên chiếc thuyền nhỏ có một vài chiếc đuôi cá Đại Hoàng và vây Cá Ngừ. Vị thương nhân người Mỹ này khen ngợi người ngư dân Mexico bắt được loại cá có giá trị cao như thế.
Ông bèn hỏi người ngư dân: “Anh đã mất bao nhiêu lâu để bắt được số cá đó?”.
Người ngư dân trả lời: “Chỉ một lát là bắt được từng đó rồi.” Nói rồi người ngư dân dọn đồ chuẩn bị ra về.
Vị thương nhân người Mỹ lại hỏi: “Anh tại sao lại không nán lại lâu hơn một chút để bắt được thật nhiều cá hơn?”.
-“Số cá này là đã đủ cho người nhà tôi dùng rồi”.
Vị thương nhân lại thắc mắc: “Như thế thì thời gian trong ngày của anh còn rất nhiều, anh làm những việc gì?”
-“Tôi à? Tôi mỗi ngày ngủ đến lúc hết buồn ngủ mới dậy, ra biển đánh bắt mấy con cá, sau đó trở về nhà chơi cùng các con, rồi ngủ trưa cùng vợ, lúc hoàng hôn đến, cùng với anh em uống chút rượu, chơi đàn ghi ta. Cuộc sống của tôi trôi qua vô cùng tốt đẹp”.
Thương nhân người Mỹ cho rằng cuộc sống như thế thật nhạt nhẽo, phải có nhiều tiền hơn bèn nói: “Tôi là thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard. Tôi có cách này khiến anh có nhiều tiền hơn, mỗi ngày anh hãy dành nhiều thời gian đi bắt cá hơn. Đến khi đó anh sẽ có tiền để mua một chiếc thuyền to hơn một chút, đương nhiên anh sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa. Anh lại mua được một chiếc thuyền to hơn nữa, sau đó anh có thể có được cả một đoàn thuyền đánh cá.
Đến lúc đó anh không cần phải mang cá đi bán cho người buôn cá, mà trực tiếp bán cho cơ sở chế biến cá. Sau nữa anh có thể mở một nhà máy chế biến đồ hộp, như thế anh có thể kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, gia công, tiêu thụ. Sau đó anh có thể từ bỏ làng chài nhỏ này, chuyển đến Mexico, lại chuyển đến Los Angeles, cuối cùng là đến New York, ở đó xí nghiệp kinh doanh của anh sẽ không ngừng phát triển mở rộng”.
Nghe thế người ngư dân hỏi: “Điều này phải mất bao nhiêu thời gian đây?”
-“15 đến 20 năm”.
Người ngư dân Mexico hỏi: “Vậy còn sau đó thì sao?”.
Vị thương nhân đáp: “Thời cơ thích hợp đến, anh có thể đưa cổ phiếu ra thị trường, bán cổ phần của Công ty anh cho dân chúng, đến lúc đó anh sẽ giàu có đấy, anh có thể có vài tỷ, vài tỷ đô la tiền lợi nhuận”.
“Tiếp sau đó nữa thì sao?”.
Vị thương nhân đáp: “Cho đến lúc đó anh có thể nghỉ hưu, anh có thể đến bờ biển của làng chài nhỏ mà sinh sống, mỗi ngày ngủ đến tỉnh ngủ mới dậy, ra bờ biển bắt vài con cá, chơi cùng các con, lại cùng vợ ngủ trưa, lúc hoàng hôn, lại cùng anh em trong thôn uống chút rượu và chơi đàn ghi- ta”.
Người ngư dân Mexico cười và nói với vị thương gia: “Tôi hiện tại chẳng đúng là đang như thế sao?”
Vậy thế nào là “đủ”, thế nào là “tham”?
Cổ nhân xưa sống đạm bạc, nhưng lại vô cùng vui vẻ và thư thái. Họ cho rằng cuộc sống như vậy đã là giàu có, dư dật nên không quá truy cầu như con người ngày nay.
Con người lại có quá nhiều truy cầu, cho dù ở giai tầng nào đi nữa. Dẫu người đó giàu hay nghèo, đều không thể thoát khỏi chữ “cầu”.
Người xưa quan niệm rằng, chỉ cần có quần áo mặc và có lương thực để ăn thì đã là dư dật và sung túc rồi. Vì được ăn no mặc ấm thì trong tâm họ đều vui vẻ, hạnh phúc. Họ thường cảm ơn ân đức của Thần Phật. Điều này cũng giống với đạo lý mà người xưa thường nói: “Thấy đủ thường vui!”
Con người ngày nay, không còn lo nghĩ chuyện “ăn no mặc ấm” mà đa phần nghĩ đến “ăn ngon mặc đẹp”. Vì vậy nhiều người vẫn luôn cảm thấy không vui.
Trăm sự tha hóa xã hội ngày nay là từ lòng tham mà ra, do chữ “Dục” mà thành.
Những ham muốn nhất thời, những sự thể hiện hình thức bề ngoài dù được thỏa mãn nhiều đến đâu, cũng không thể lấp đầy sự trống rỗng bên trong của một tâm hồn không biết đủ. Nếu cả xã hội đều điên cuồng chìm đắm trong những thứ hào nhoáng hình thức ấy thì đạo đức, văn hóa truyền thống cốt lõi sẽ đi về đâu?
Phật gia giảng: “Tham, Sân, Si là cội nguồn của phiền não khổ đau”, ham muốn của con người là vô cùng vô tận. Chỉ khi con người biết đủ, không dùng danh vọng, hình thức hay vật chất làm thước đo cho hạnh phúc, khi ấy con người mới thực sự có Phúc!
Chân Tâm t/h
Xem thêm: