Tân Thế Kỷ (TTK) – Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc giảm 50% phí trước bạ không chỉ gỡ khó cho các doanh nghiệp mà còn có thể giúp tăng thu ngân sách qua các loại thuế khác.
Tại họp báo thường kỳ ngày 18/5, Bộ Công Thương nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước.
Dẫn báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết lượng xe bán ra thị trường đã suy giảm mạnh. Các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng tồn kho tăng cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất tăng cao, tỷ giá cũng như lạm phát…
Vì thế, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, các hiệp hội như VAMA, VAMI, các tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô để báo cáo Chính phủ xem xét đề nghị giảm lệ phí trước bạ với ô tô; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng.
Năm 2020 và năm 2022, trước sự sụt giảm của thị trường ô tô do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực giảm giá bán và thực hiện các chương trình ưu đãi đã mang lại hiệu quả tích cực giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phục hồi, từng bước mở rộng quy mô, nội địa hóa sản phẩm.
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị của Bộ Công Thương. Quan điểm của Bộ Công Thương là năm 2020-2021, việc giảm lệ phí trước bạ 50% cũng đã được thực hiện. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp để giảm giá bán, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thảo luận về chính sách này vì sự giảm sút của ngành ô tô là rất rõ rệt.
Trước ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách đang gặp nhiều khó khăn về nguồn thu, việc giảm lệ phí trước bạ có thể làm giảm thu ngân sách, lãnh đạo Bộ Công Thương không đồng tình.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thực tế việc giảm lệ phí trước bạ những năm qua cho thấy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không những giữ vững mà còn phát triển, góp phần tăng doanh số bán xe, giúp thu ngân sách tăng lên qua các loại thuế khác.
Cụ thể, việc ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng năm 2020 khiến số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước về ô tô lại tăng 14.110 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo bán hàng tháng 4/2023 trên toàn thị trường của VAMA mới đây, doanh số ô tô tiếp đà giảm sút. Cụ thể, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2023 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch; 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng 3/2023 như xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nếu chỉ tính riêng các thành viên VAMA thì doanh số bán hàng còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, chỉ có 20.667 xe các loại được bán ra trong tháng 4/2023, giảm 46% so với tháng 4/2022 và giảm 21% so với tháng 3/2023.
Hoàng Dung (t/h)
Theo vietnamnet, baomoi