Tân Thế Kỷ – Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá lại việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay thế điểm thi, theo Cục trưởng Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Chương đánh giá các địa phương “cơ bản làm tốt” việc quản lý văn bằng, chứng chỉ ở cấp phổ thông. Công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết, tổ chức thi cùng được chuẩn hóa, tinh gọn hơn.
Cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả IELTS để thay thế điểm thi
Theo ông, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi.
“Chắc chắn thông tư sắp tới của Bộ sẽ bàn thêm cái này”, ông Chương nói tại hội nghị.
Về những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ông Chương cho rằng nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ. Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi người thi.
Nhất là đối với học sinh THPT sử dụng các chứng chỉ này trong việc miễn bài thi ngoại ngữ trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.
Liên quan tới những tranh luận của dư luận về tuyển sinh đầu cấp có chứng chỉ ngoại ngữ, ông Chương cho biết trong thông tư mới, Bộ sẽ bàn bạc về mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế tuyển sinh đầu vào.
Ông nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc giám sát, tổ chức thi, nên các Sở phải chủ động và lưu ý hơn.
Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.5 trở lên hoặc tương đương. Trong khi đó, hàng chục trường đại học dùng IELTS, TOEFL… kết hợp với điểm thi để tuyển đầu vào.
Số thí sinh diện này cũng ngày càng tăng, theo đánh giá của nhiều trường. Chẳng hạn, Đại học Kinh tế quốc dân năm nay tuyển 2.800 sinh viên theo phương thức này nhưng có đến 11.000 em nộp hồ sơ có chứng chỉ IELTS. Con số này gấp hơn 200 lần so với năm 2017.
Nhiều trường phổ thông công lập cũng tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ.
Từ năm 2021, lớp 6 tăng cường tiếng Anh của TP HCM xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) hoặc tương đương. Học sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL được xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên vào lớp 6 ở THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An).
Ở bậc THPT, Nghệ An xét tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10, Hà Tĩnh xét đặc cách giải học sinh giỏi tỉnh cho học sinh đạt 7.0 IELTS trở lên. Các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác tương đương mốc này cũng được xét tương tự.
“Chuyên nghiệp hóa” luyện thi IELTS
Tồn tại những nghi ngại về tình trạng “chuyên nghiệp hóa” luyện thi IELTS, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa điểm số trên chứng chỉ và năng lực sử dụng ngôn ngữ thực tiễn.
IELTS là hệ thống kiểm tra đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, bao gồm bốn kỹ năng, nghe – nói – đọc – viết. Thông qua kết quả này, người học đủ điều kiện nộp hồ sơ theo các chương trình đại học trong nước và quốc tế, thường yêu cầu điểm chuẩn điều kiện tiếng Anh học thuật 6.5-7.5 IELTS tùy từng khoa, ngành. Khối ngành kỹ thuật có thể chỉ bắt buộc 5.5 IELTS, nhưng các ngành ngôn ngữ thường yêu cầu điểm điều kiện cao hơn, chẳng hạn, từ 7.0.
Điều này nghĩa là gì? Điểm số phản ánh một phần năng lực hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ của người học. Nếu một người đạt 7.0 IELTS, họ được kỳ vọng có thể tổng hợp và xử lý được 70% thông tin với bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống, biểu đạt qua cả văn nói và văn viết.
Không phải cái vỏ ngôn ngữ, mà thông tin, hiểu biết và khả năng tư duy bằng ngôn ngữ về một vấn đề nào đó mới thực sự quan trọng. Liệu mình đã có thói quen dùng tiếng Anh để trau dồi tri thức hàng ngày? Nếu không có dữ liệu và thông tin trong đầu, mình sẽ lấy gì để chia sẻ với người khác? Vậy liệu có phải hiểu biết đến trước, rồi thông qua quá trình tư duy, tần suất sử dụng, năng lực ngôn ngữ sẽ được cải thiện?
Thực tế, khi đạt 7.0 IELTS, người học có khả năng tổng hợp, ghi chép, tóm tắt ít nhất 70% nội dung của một văn bản, một bài nghiên cứu hoặc một bài giảng, một bộ phim tư liệu. Nhưng tại sao người học Việt Nam dù điểm số IELTS rất cao, 7.0 hay 8.0, vẫn chưa chắc có thể chia sẻ hiểu biết thực tiễn ở cấp độ tương ứng hoặc sử dụng tiếng Anh để chứng minh, phân tích, lập luận, thuyết phục, phản biện bất cứ chủ đề nào ở cấp độ ấy.
Quan sát thị trường luyện thi IELTS hiện nay, có cơ sở để tin rằng, đó là do người học đa phần tập trung luyện đề thay vì trang bị hiểu biết thực tiễn và rèn luyện thói quen tư duy bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ.
Bất cứ ngôn ngữ nào cũng chỉ thực sự tồn tại khi được dùng trong đời sống hàng ngày, để kết nối người với người, chuyển hoá thông tin và chia sẻ, thảo luận với nhau. Nhìn vào cách một người dùng ngôn ngữ, có thể cảm nhận rõ họ hiểu biết thế nào, kỹ năng giao tiếp và thảo luận ra sao. Ngôn ngữ khi ấy chỉ là một công cụ biểu đạt.
Giành điểm IELTS cao chỉ thông qua chiến thuật luyện đề, học tủ là bạn đã bỏ qua điều kiện cốt lõi để thực sự làm chủ một ngôn ngữ.
IELTS đơn thuần là một phương thức đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, bên cạnh các phương thức, công cụ khác. Nếu một cá nhân muốn trở thành người thực sự làm chủ ngôn ngữ, họ sẽ chọn được cách phù hợp để chinh phục tiếng Anh, thay vì học “gạo”, luyện đề trên giấy.
Và vì vậy, nhiều khi điểm số đánh giá từ IELTS không phản ánh đúng khả năng làm chủ ngôn ngữ của 1 học sinh.
Tịnh Yên (t/h)
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực