spot_img
19 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

Bùng nổ trào lưu “dạy con ngược”

Tân Thế Kỷ – Giữa lúc cơn giận của Jin Xueli lên đến đỉnh điểm vì con trai không chịu đi ngủ, chồng cô đưa ra một khái niệm hấp dẫn có tên “dạy con ngược”. Bạn đã bao giờ bất lực trước những yêu cầu đòi hỏi của con chưa? Liệu phương pháp nghe có vẻ mới mẻ này có hiệu quả không?

Đó là một khuya tháng 6, trong căn hộ ở Thượng Hải, con trai 5 tuổi của Jin mải mê xem phim hoạt hình Paw Patrol. Người mẹ dùng nhiều cách mà chỉ khiến thằng bé càng la hét, khóc to hơn.

Phương pháp “dạy con ngược”

Với phương pháp chồng đưa ra “fan xiang yu er” hay “nuôi dạy con ngược”, cô phát lại tập phim. “Nếu thằng bé muốn xem, tôi sẽ cho xem thỏa thích” Jin nói.

Sau hơn một giờ đồng hồ, sự phấn khích của cậu bé dần giảm bớt. Đến nửa đêm, cậu buồn chán và cứ mỗi lúc mắt díp lại và 2h sáng thì không thể mở nổi mắt. Jin yêu cầu con thực hiện một lời hứa trước khi tắt, đó là đến giờ ngủ phải ngủ.

“Đã ba tháng, thằng bé vẫn nhớ đêm đó”, cô nói.

Trên khắp các mạng xã hội Trung Quốc, phương pháp “nuôi dạy ngược” đang bùng nổ. Các phụ huynh trẻ từ bỏ phương pháp kỷ luật truyền thống, thay vào đó áp dụng một phương pháp thúc đẩy hành vi xấu của con lên tối đa, từ đó dạy con bài học.

Untitled 5c
Các phụ huynh trẻ từ bỏ phương pháp kỷ luật truyền thống, thay vào đó áp dụng một phương pháp thúc đẩy hành vi xấu của con lên tối đa, từ đó dạy con bài học. – Ảnh minh họa. – Nguồn: afamily.vn

Các video xoay quanh chủ đề này thu hút đông đảo người xem, đó là hình ảnh đứa trẻ ăn vạ trên sàn mà cha mẹ mặc kệ. Nếu đứa trẻ ném đồ chơi, cha mẹ cũng ném những thứ khác. Thậm chí có những gia đình áp dụng cách này đến cực đoan, cho con nghỉ học để chơi điện tử thỏa thích.

Một ví dụ điển hình là video dài 7 phút trên Douyin quay cảnh một người mẹ và con gái hơn 2 tuổi ra ngoài chơi lúc 2h30 sáng. Con cô nhất quyền đòi đi và người mẹ đồng ý, nhưng bắt con hứa sẽ đi đến khi mặt trời mọc. Lúc đầu, cô bé rất hào hứng. Đến gần 5h sáng, cô bé nói lí nhí mệt, muốn về nhà ngủ, nhưng mẹ từ chối.

Đoạn video không tiết lộ thời điểm hai mẹ con về nhà, song đã lan truyền trên Weibo, thu hút hơn 5 triệu lượt xem. Mạng xã hội bùng nổ ý kiến tranh luận. Một số khen ngợi người mẹ bình tĩnh. “Cô ấy thật kiên nhẫn. Nếu là tôi đã không thể cứng rắn được trước con mình”, một người dùng viết.

Liệu đây có phải là lại đi sang cực đoan khác?

Tuy nhiên, những người khác lập luận phương pháp này cực đoan. “Người mẹ không nghĩ xem liệu một đứa bé có thể hiểu ‘cho đến khi mặt trời mọc’ là gì không?” một người khác viết.

Chuyên gia tâm lý trị liệu gia đình Jiang Lingling nói rằng cách nuôi dạy con cái ngược lại có những điểm tương đồng với cách truyền thống ở chỗ cả hai đều là cha mẹ nắm quyền. “Người mẹ đồng ý cho con gái ra ngoài nhưng quyền quyết định khi nào quay lại vẫn nằm trong tay mẹ”, Jiang nói.

Chuyên gia tâm lý Si Yamei cũng có chung quan điểm. Cô cho biết mục đích thực sự của “nuôi dạy ngược” vẫn là khiến trẻ không dám cư xử sai trái nữa. “Nhưng đối với trẻ em, đặc biệt là những em bé, điều đó thực sự có hại”, cô nói.

Nhung video ve cach nuoi day con nguoc pho bien va thu hut nguoi xem tren mang xa hoi. Anh
Những video về cách nuôi dạy con ngược phổ biến và thu hút người xem trên mạng xã hội. Ảnh Sixthtone

Si biết đến cụm từ này khi các bậc phụ huynh trẻ đến gặp cô thảo luận về chủ đề này. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực tế, Si tin mục tiêu của việc nuôi dạy con cái là hướng dẫn trẻ phát triển lành mạnh và tự suy nghĩ theo hướng tích cực, giúp chúng thích nghi tốt hơn với xã hội.

Các bậc cha mẹ sinh sau năm 1990 khác với các thế hệ cũ do đời sống vật chất được cải thiện. “Thế hệ cha mẹ sau những năm 90 được bảo bọc, chưa trải qua khó khăn và bản thân vẫn còn là những đứa trẻ. Họ thực sự đang đối xử với trẻ em giống như cách mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng làm, tức như một phương tiện để trả đũa”, Si nói.

Đối với một số cha mẹ, “nuôi dạy ngược” là cách cuối cùng. Vào tháng 11/2022, mẹ của một học sinh lớp 3 chia sẻ trên Xiaohongshu cho con trai nghỉ học một tuần, dành hoàn toàn cho đam mê điện tử.

“Chúng tôi bất lực trước chứng nghiện điện tử của con. Những nỗ lực trước đây, từ những cuộc trò chuyện chân thành thậm chí đòn roi, đều không thể kéo dài quá hai ngày,” cô viết.

Đó là khi cô tìm đến nuôi dạy con ngược. Người mẹ đưa ra quy tắc nghiêm ngặt: con chơi 16 tiếng mỗi ngày và viết một bản báo cáo 200 chữ mỗi khi thua. Đẩy ranh giới lên cao, người mẹ còn thuê một game thủ chuyên nghiệp để cho con thua thảm. “Cách đó đơn giản là để thằng bé thử mọi thứ dựa trên mong muốn bên trong”, cô nói.

Cai Dan, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phát triển Trẻ em tại Đại học Sư phạm Thượng Hải, cho biết phương pháp nuôi dạy con ngược có khả năng giáo dục trẻ hiệu quả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để phương pháp này thành công, cha mẹ phải thực sự tin tưởng và hỗ trợ con trong suốt quá trình.

“Nếu động cơ là để trừng phạt trẻ một cách có chủ ý, chẳng hạn như khiến chúng bị cảm lạnh hoặc bị thương, hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông nói.

Cai giải thích nguyên tắc cơ bản của phương pháp nuôi dạy con ngược có những điểm tương đồng với liệu pháp tâm lý lũ lụt và liệu pháp ác cảm. Liệu pháp ngập lụt liên quan đến việc khiến các cá nhân phải đối mặt với nỗi sợ hãi của họ ở cường độ cao trong thời gian dài. Liệu pháp ác cảm đòi hỏi liên tục liên kết hành vi không mong muốn với hậu quả tiêu cực.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những liệu pháp như vậy cần có sự hướng dẫn từ chuyên gia. “Điều quan trọng là phải đánh giá liệu cách này mang lại lợi ích giáo dục cho trẻ hay gây hại. Nếu một đứa trẻ không được trang bị tâm lý để xử lý liệu pháp như vậy, nó có thể gây ra những hậu quả tiêu cực hơn”, Cai nói.

Cai nhấn mạnh thêm rằng những bậc cha mẹ 9X thường là con một trong gia đình và do đó phải tự học các kỹ năng làm cha mẹ. Một mặt, họ mong muốn khắc phục những thách thức gặp phải trong quá trình lớn lên của mình, nhưng mặt khác e ngại đối mặt với những thách thức mới.

Con trẻ như tấm gương để ta nhìn lại chính bản thân mình

Khi con trẻ không nghe lời hoặc là nhiều lần tái phạm lỗi cũ, nếu không kiên nhẫn mà lại nạt nộ dọa dẫm, hoặc dùng vật chất dụ dỗ, thậm chí dùng lời mắng mỏ và đánh đòn để uốn nắn con, thì chỉ làm cho con bởi vì sự “không dám”, sự “thèm khát” và sự “sợ hãi” mà tạm thời nghe lời chúng ta, cách xử lý này liệu có thể thực sự đưa đến hiệu quả tốt được không? Khẳng định là không thể.

Khả năng là có người bởi vì nguyên nhân ở tự thân biết rõ mà còn cố phạm, chỉ nhìn vào “nhiều lần tái phạm” của con trẻ, mà không thấy rằng thực ra chính là bản thân mình đã “nhiều lần tái phạm”.

Vì sao trước khi sử dụng những phương thức mang theo “ma tính” này thì chúng ta không bình tĩnh suy nghĩ một chút là mình có chỗ nào làm không tốt? Trong tâm có chỗ nào không đúng chăng?

hanoimoi.com .vn uploads images phananh 2022 03 31 vh4
Con cái không chỉ sao chép các hành vi của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày, mà còn sao chép tính cách, sự tu dưỡng, nguyên tắc và khuôn mẫu đằng sau những hành vi này. – Ảnh minh họa. – Nguồn: hanoimoi.com.vn

Thấy con trẻ cái này không được, cái kia không đúng, cái này kém cỏi, cái kia bất hảo, có phải là mấy thứ “không được”, “không đúng”, “kém cỏi”, “bất hảo” này vừa hay cũng đúng là bản thân mình chăng? Toàn bộ thành viên gia đình đều có thể sửa đổi bản thân cho tốt, con trẻ mới có thể thay đổi tốt lên được.

Thử hỏi một người nói cho trẻ em rằng tức giận là sai, nhưng bản thân mình lại giận dữ đến bầm gan tím ruột, vứt bỏ liêm sỉ; nói cho con trẻ rằng ý chí cần chính trực, nhưng bản thân tư tưởng hành vi của mình lại lệch lạc, hay nói lời quanh co, thế thì con trẻ học hỏi sao đây khi chứng kiến biểu hiện bất nhất giữa lời nói và việc làm như vậy của chúng ta?

Con cái là tấm gương soi cho cha mẹ. Giáo dục con cái không chỉ là giáo dục con cái mà còn là sự tự giáo dục của cha mẹ. Con cái không chỉ sao chép các hành vi của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày, mà còn sao chép tính cách, sự tu dưỡng, nguyên tắc và khuôn mẫu đằng sau những hành vi này.

Điều chỉnh lại cách đáp ứng yêu cầu của trẻ

Cha mẹ không nên nuông chiều nhưng cũng không nên quá nghiêm khắc mà hoàn toàn không quan tâm gì đến cảm nhận của trẻ. Tôi quyết định vẫn đáp ứng yêu cầu mua đồ chơi của con, nhưng không thể không có điều kiện, phải để trẻ bỏ chút công sức thì nó mới biết trân quý.

Do vậy tôi suy nghĩ xem có cách nào có thể khiến con vừa thực hiện được nguyện vọng của mình, vừa không tiêu phí quá nhiều tiền, mà vẫn khiến trẻ hiểu được công sức cha mẹ dành cho mình, hiểu được tình yêu của cha mẹ đối với mình. Làm cách nào có thể vừa không làm tổn thương trẻ, lại phải có tác dụng giáo dục để trẻ hiểu được sự vất vả của cha mẹ, biết bày tỏ sự cảm ơn?

Tôi nghĩ đến các cửa hàng ăn ở Nhật Bản, mỗi lần cả nhà ra ngoài ăn, dù là cửa hàng ăn bình thường thì đều có suất ăn trẻ em, trong mỗi suất ăn đều tặng thêm một đồng xu để trẻ tự mình ra máy bán hàng tự động chọn mua một món đồ chơi. Thường mỗi năm vào dịp lễ tết, các gia đình đều đưa trẻ ra ngoài ăn, hay là giải quyết như vậy.

Nghĩ xong, tôi liền đồng ý với con, nhưng cháu nói với tôi rằng muốn có ngay. Tôi nói:  “Cửa hàng bán mỳ ở gần đây rất rẻ, mẹ con mình đi ăn liên tục ba ngày sẽ có đủ tiền xu để con mua món đồ chơi đó, con thấy thế nào?” Cháu nghe xong hỏi: “Mẹ ơi, chẳng phải mẹ không thích cửa hàng đó sao? Lần trước mẹ còn nói món ăn ở đó rất khó ăn”. Tôi trả lời cháu: “Vì mẹ hi vọng con có thể mau chóng có đủ số lượng xu để mua đồ chơi, nên mẹ chịu đựng vài lần vậy, miễn con thích là được rồi”.

Untitled 3mb
Tôi quyết định vẫn đáp ứng yêu cầu mua đồ chơi của con, nhưng không thể không có điều kiện, phải để trẻ bỏ chút công sức thì nó mới biết trân quý. – Ảnh minh họa – Nguồn: Báo phụ nữ

Đứa trẻ nghe xong vô cùng vui mừng, bộ dạng rất cảm động, tôi lại đưa ra điều kiện là phải đi bộ, không được đi xe. Không ngờ cô bé vốn dĩ không thích đi bộ, suốt ngày kêu ca mệt mỏi, lần này lại đồng ý đi bộ, vui vẻ đáp ứng yêu cầu của tôi.

Sự việc này đã được giải quyết như vậy. Phản ứng của con khiến tôi bắt đầu hiểu ra giáo dục trẻ thực sự không thể đi đến cực đoan, cần phải lý trí. Nếu cha mẹ cứ cho đi thì trẻ sẽ không hiểu sự trân quý và cũng không biết cảm ơn cha mẹ, lần này tôi vẫn bày tỏ thái độ ủng hộ con, nhưng chú ý để trẻ cảm nhận được một cách chân thực công sức của mình, vậy nên tôi đã tự nhiên nghĩ ra biện pháp.

Cha mẹ không nên chỉ chú trọng cảm nhận một phía của bản thân, hoặc kiên quyết phản đối, hoặc hết mực ủng hộ vô điều kiện. Đứa trẻ sẽ biết trân quý những thứ mà mình không dễ có được, không dễ mua được. Đồng thời người mẹ cũng cần lưu lại cho trẻ ấn tượng về công sức mà mình bỏ ra, để bản thân trẻ cảm nhận được thì trẻ mới cảm động, mới có tác dụng giáo dục.

Đây không phải vì để kể công cha mẹ mà để trẻ hiểu được sự biết ơn, lớn lên sẽ trở thành đứa trẻ sống có trách nhiệm. Cho nên tôi đã nói riêng với cháu rằng vì cháu mà tôi chấp nhận ăn một món mỳ mà tôi không thích trong ba ngày liên tiếp. Điều này khiến con rất cảm động, trong tâm hiểu được công sức và sự hi sinh của mẹ. Nếu không bạn cho trẻ bao nhiêu nó cũng không có cảm giác, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên.

Giáo dục ngược đôi lúc sẽ khiến con trẻ hoảng sợ khi gặp phải hậu quả từ việc làm của mình quá sớm, hoặc bắt con làm quá nhiều một việc có thể khiến con ám ảnh và nhận thức cái đó có thể chưa đúng. Nhưng cũng không làm con nhận ra vì sao nó không đúng và  những giá trị nhân văn khác từ sự giáo dục của cha mẹ. Nên cẩn thận nếu bạn muốn áp dụng phương pháp này nhé!

Giáo dục con cái đòi hỏi bậc cha mẹ phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nên quá nuông chiều hay lại bước qua cực đoan khác. Mỗi đứa trẻ là một cá thể hoàn toàn khác nhau, chúng ta nên uốn nắn con từ từ để con trưởng thành. Để con nhận thức ra bản chất vấn đề việc con muốn là đúng hay sai. Tuyệt nhiên không phải để giải tỏa cảm xúc tức giận của bản thân hay muốn trả đũa con, mà đứng từ quan điểm của con để xem xét sự việc.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Chánh Kiến

“Thần đồng” 13 tuổi đỗ đại học nhưng rồi lại chọn xuất gia để tìm lại chính mình

Dạy con phải bắt đầu từ đâu?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều