Đây là một câu chuyện có thật, do chính một doanh nhân kể lại:
Trước khi kinh doanh, ông là một thợ săn, chuyên bắt rái cá biển. Một ngày nọ, ông vừa ra ngoài đã săn được một con rái cá. Sau khi đã lột bộ da quý của nó, ông đặt con rái cá còn sống lên một bãi cỏ.
Buổi tối, ông quay về chỗ cũ, nhưng lại kiếm không được con rái cá. Ông quan sát thật kỹ, phát hiện trong đám cỏ có dính một chút máu, vết máu dẫn đến một cái hang nhỏ gần đó. Khi đến gần hang, ông ngỡ ngàng giật mình: Thì ra con rái cá chịu nỗi đau hành xác mất da, chạy về hang của mình. Tại sao nó phải làm như thế?
Nghĩ tới đó, nước mắt ông lã chã tuôn rơi, cảm thấy tội lỗi, tự trách, xấu hổ cho hành động của mình. Sau cùng, ông buông bỏ đồ đao, không làm thợ săn nữa, ra khơi làm ăn. Nhiều năm sau, mỗi khi nhớ lại sự kiện năm xưa, vị doanh nhân vẫn rơm rớm nước mắt.
Cổ nhân có câu: “Dương hữu quỵ nhũ chi ân, nha hữu phản bộ chi nghĩa”, nghĩa là: Ghi ơn dê biết bú quỳ, trả nghĩa quạ mớm mồi về mẹ cha. Hiếu thuận là đứng đầu trong trăm điều thiện, hiếu thuận cha mẹ là phước đức lớn nhất trên đời. Người xưa nói: Bất hiếu với cha mẹ, bái Phật cũng vô ích.
Cha mẹ đã vất vả nuôi con cái lớn khôn, con cái chính là máu thịt, là mối quan tâm tận sâu xương tủy của họ. Cuộc đời mỗi chúng ta, dù một đời này không có điều oán trách hoặc ân hận, nhưng cả đời chúng ta vẫn mãi thiếu nợ hai người, đó chính là cha mẹ chúng ta.
Cha mẹ có thể không phải là người hoàn hảo nhất, nhưng cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã nuôi ta khôn lớn, con cái không nên oán trách mà nên học cách cung kính, hiếu thuận với cha mẹ.
“Khi cha mẹ còn, nhà là nơi để về; khi cha mẹ mất, nhà chỉ là nơi để đến”. Mong ước lớn nhất một đời này của chúng ta, chẳng phải là mong cha mẹ luôn mạnh khỏe hay sao? Tiền có thể từ từ kiếm, mọi việc có thể từ từ làm, nhưng thời gian lại không chờ đợi ai, chúng ta hãy dành thời gian cho cha mẹ, họ cũng cần sự chăm sóc, sự đồng hành và sự quan tâm của chúng ta.
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn, nhân lúc cha mẹ vẫn còn thì hãy hiếu thảo với họ, đừng đợi đến khi mất rồi mới biết trân quý, mới thấy hối tiếc không thôi!
Theo Aboluowang
Vũ Dương (ĐKN) biên dịch