Sáng 21/6, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức tái khởi công cầu Tân Kỳ – Tân Quý, quận Bình Tân. Công trình nằm ở cửa ngõ phía Tây của TPHCM bắc qua kênh Tham Lương, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ – Tân Quý ra quốc lộ 1, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Công trình có tổng mức đầu tư 491 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 44 tỷ đồng, chí phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật là 190 tỷ đồng, chi phí thanh toán cho nhà đầu tư trước đây là 230 tỷ đồng, cùng các chi phí tư vấn, quản lý dự án, chi phí dự phòng và các chi phí khác.

Tổng diện tích sử dụng đất cho dự án phải thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư là 1,5ha, với 43 hộ dân phải bàn giao một phần diện tích nhà hiện hữu để thi công dự án.

Giám đốc Ban Giao thông TPHCM cho biết, dự án có mục tiêu xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý bằng bê tông cốt thép với tổng chiều dài 385m, trong đó phần cầu dài 83m; mặt cắt ngang 4 làn xe ô tô cùng 2 lề đi bộ, đường gom 2 bên cầu dài 367m, cùng 86m kè bê tông cốt thép dự ứng lực dọc 2 bên bờ kênh Tham Lương tại vị trí cầu, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông phù hợp với quy mô dự án.

Dự kiến hoàn thành, thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý mới vào ngày 31/12/2024.

cau cua ngo tp hcm tai khoi cong sau 6 nam dinh tre 216
Cầu Tân Kỳ – Tân Quý tái khởi công sau 6 năm đình trệ. Ảnh: T.K.
Tháng 8/2016, cầu Tân Kỳ – Tân Quý xuất hiện sự cố, không thể tiếp tục khai thác. Trong bối cảnh ngân sách TPHCM hạn hẹp, dự án xây mới cầu Tân Kỳ – Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc.

Đến cuối năm 2018 dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng, nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Sau đó, quận Bình Tân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng dự án vẫn chưa thể tiếp tục do vướng mắc liên quan hợp đồng BOT đã ký bởi dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cuối năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết chấp thuận chi 491 tỷ đồng để hoàn thành cầu, chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Sau đó, TPHCM đã thực hiện các bước để thương thảo, chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư cũ là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO).