Tân Thế Kỷ (TTK) – Nhiều khi cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo lắng trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con cái, nhưng những gì họ nói không phải là tình yêu thương mà là “nhát dao” khiến trẻ thêm tổn thương. Vậy làm thế nào để dạy dỗ con tốt hơn?
Giáo dục con cái luôn là vấn đề đau đầu của các bậc làm cha làm mẹ, hầu hết ai cũng muốn trở thành những người cha – người mẹ tốt, nhưng chỉ đến khi nuôi dạy con cái, nhiều vấn đề mới bắt đầu nảy sinh.
Đôi khi, việc nuôi dạy con cái có thể khiến bạn kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng ngay cả khi bạn đang ở đỉnh cao của sự tức giận thì việc đánh đòn con cái vẫn là điều mà mọi bậc cha mẹ không nên làm.
Đánh con có hiệu quả không?
Tất nhiên là không. Tại sao đánh con lại không hiệu quả, bởi nó không thay đổi hành vi của con người và nó chỉ ngăn chặn các hành động tiêu cực trong thời gian ngắn.
Tiến sĩ Kazdin nói: “Bạn có thể đánh một đứa trẻ và chúng sẽ dừng lại vì hiệu ứng giật mình nhưng trận đòn đó không dạy đứa trẻ phải làm gì. Việc chúng dừng lại ngay lập tức không làm ngăn chặn hành vi đó và nó có thể sẽ lặp lại vào một khoảnh khắc hoặc ngày tiếp theo. Nói cách khác, đứa trẻ sẽ không tập trung vào những gì chúng đã làm sai, chúng sẽ chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh đòn”.
Theo thống kê, khoảng 80% trẻ em trên thế giới từng bị đánh đòn, điều này cho thấy sức mạnh lâu dài của niềm tin rằng trừng phạt thân thể sẽ điều hướng hành vi của trẻ em và thúc đẩy trẻ nhỏ cư xử đúng đắn, vâng lời.
Theo tiến sĩ Holden, một số phụ huynh đánh đòn con cái vì họ tin rằng đó là một hình thức kỷ luật hiệu quả. Ông nói: “Có thể họ đã từng bị cha mẹ đánh đòn. Vì vậy họ nghĩ rằng đó là cách đúng đắn để kỷ luật. Đánh đòn thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Tuy nhiên ngay cả khi một số bậc cha mẹ ủng hộ việc đánh đòn, đa số không muốn đánh đòn con cái của họ, thay vào đó, họ làm điều đó vì tức giận và bị kích động.
Alan E. Kazdin, giáo sư nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Yale, Mỹ cho biết: “Cha mẹ đánh con vì cảm thấy thất vọng khi những gì họ thường dạy bảo đã không đạt hiệu quả như họ mong muốn và từ đó mọi việc trở nên căng thẳng hơn. Những bậc cha mẹ này không hẳn nghĩ rằng việc đánh đòn có tác dụng và họ thường hối hận sau đó”.
Đánh đòn ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Gây hại cho tâm lý của trẻ
Trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đập, mắng mỏ sẽ mất đi cảm giác an toàn trong tâm, dần hình thành cái bóng quá lớn đối với cha mẹ, cản trở sự phát triển tâm lý của trẻ. Thậm chí, có những đứa trẻ phải dành cả cuộc đời để hàn gắn cái bóng tuổi thơ bị cha mẹ đánh đập, mắng mỏ, có trẻ lại chịu những biến dạng về tâm lý.
Dùng bạo lực để kiểm soát bạo lực
Nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng bạo lực với con cái của họ, con cái cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng bởi bạo lực, và chúng sẽ bắt đầu có thói quen chỉ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Nói chung, loại trẻ này có khả năng kiểm soát cảm xúc rất thấp, và không có những người bạn tốt thực sự xung quanh chúng. Do ảnh hưởng của bạo lực thời thơ ấu, chúng không hạnh phúc trong cuộc sống và sẽ tiếp tục oán hận cha mẹ.
Đánh trẻ có thể gây hại cho sự phát triển của chúng, đặc biệt là chức năng nhận thức của trẻ nhỏ. Các kỹ năng nhận thức bao gồm trí nhớ làm việc, tư duy linh hoạt và tự chủ. Tiến sĩ Shrand giải thích rằng, điều này xảy ra khi cha mẹ la mắng con cái, chúng có xu hướng quát mắng lại, thể hiện sự tức giận giống cha mẹ.
Đánh con có liên quan đến nhiều kết quả bất lợi về tâm lý, tình cảm và hành vi. Những đứa trẻ bị cha mẹ đánh có thể đánh người khác khi chúng cảm thấy tức giận hoặc khó chịu. Chúng cũng có nhiều khả năng sẽ thể hiện tính bạo lực khi có gia đình riêng và đánh đòn con cái của chúng”.
Việc bạn đánh con cũng làm con cái tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng. Con trẻ cũng có thể lạm dụng chất kích thích trong tương lai, học kém ở trường…
Phá hủy mối quan hệ cha mẹ – con cái
Cha mẹ trên đời đều yêu thương con cái, nhưng một số cha mẹ lại không tính đến hậu quả khi đánh con. Kết quả là mối quan hệ cha mẹ – con cái bị phá hủy, con cái khi lớn lên sẽ rất thờ ơ với cha mẹ.
Tiến sĩ Holden nói: “Trẻ em bị đánh có thể có những tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não của chúng. Những bậc cha mẹ sử dụng đòn roi ít có khả năng có mối quan hệ tốt đẹp với con của mình bởi trẻ em có thể rơi vào tình trạng sợ hãi cha mẹ của chúng và chúng sẽ không mở lòng với bố mẹ để tránh bị trừng phạt về thể xác”.
Làm thế nào để giáo dục con cái tốt hơn?
Bố mẹ hãy là tấm gương sáng cho con
Bố mẹ muốn giáo dục con tốt, trước tiên hãy là tấm gương để con nhìn vào. Khi bố mẹ biết cách cư xử, giải quyết những công việc từ nhỏ nhất đến lớn dần. Thì trong mắt con trẻ, chúng sẽ thấy bố mẹ là những người tài giỏi, là siêu nhân, là người hâm mộ của mình.
Để là tấm gương tốt, bố mẹ hãy chú ý những câu nói, tính cách, hành động hàng ngày của mình. Nếu bạn là người hay nóng giận, quát nạt con. Thì bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong con. Bạn cũng sẽ thấy con hay to tiếng với người khác bất kể khi nào và ở đâu.
Thay vì ép buộc, hãy để con hiểu rõ trách nhiệm của mình
Nhiều bậc cha mẹ thích ép buộc con cái và sẽ đổ lỗi cho việc con cái họ không nghe lời, nhưng các bậc cha mẹ hiếm khi nghĩ về nguyên nhân vì sao con trẻ không lắng nghe. Có thể do một số bậc cha mẹ luôn áp đặt những mong muốn của mình lên con cái, ép chúng làm những điều mà chúng không thích nên trẻ sẽ phản kháng lại.
Vì vậy, nếu muốn trẻ dễ cảm hóa hơn thì không nên lúc nào cũng ép trẻ mà nên lắng nghe và trao đổi kỹ với trẻ, đây là một cách hay.
Đừng bao giờ áp suy nghĩ “trẻ con không có tội” vào đầu con bạn. Hãy cho trẻ biết, con phải có trách nhiệm với những việc của mình. Khi con làm rơi, vỡ, hỏng đồ, là do con không cẩn thận chứ không phải tại cái bàn, cái ghế, con mèo nào cả. Khi con đang đi bị ngã, con phải tự đứng lên chứ không phải lăn ra ăn vạ.
Ngay từ những hành động nhỏ ấy, dần dần con sẽ có suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân. Lớn hơn, con sẽ biết được việc nào nên làm, việc nào không nên. Hay biết cách tự giác làm công việc của mình vì đó là bổn phận, trách nhiệm mình được giao.
Khen ngợi, khích lệ con
Lời khen tích cực là động lực giúp trẻ cố gắng hơn trong mọi hoạt động. “Sứ mệnh của lời khen” là tạo động lực trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ. Vì thế, hãy để lời “điểm huyệt” đúng điều thuộc về thế mạnh của trẻ.
Nhưng có những bố mẹ thường có tâm lý “con mình là nhất”. Điều này là một trong những nguyên nhân việc khen con trở nên thái quá và tùy tiện, nhất là xét về yếu tố không gian. Khen trẻ trước mặt mọi người, khen trẻ ở nơi công cộng… Trẻ dễ có suy nghĩ “mình là nhất”, trở nên thiếu hòa đồng với các bạn, dần dần bị cô lập. Hãy khen trẻ đúng lúc, đúng chỗ.
Khi lời khen được diễn đạt với nội dung chân thực, cụ thể, nó còn có tác dụng hướng dẫn cho trẻ trong các hoạt động của mình. Hãy hạn chế những lời khen mang tính chung chung và phóng đại “Con thông minh quá!”, “Con rất tuyệt vời!”, “Con quá giỏi!” mà hãy cố gắng “chỉ điểm” cho trẻ mình được khen vì điều gì: “Con làm làm toán luôn rất nhanh!”, “Bố/mẹ vui vì con là đứa trẻ rất tự giác làm tốt việc học của mình!”, “con là một người bạn biết chia sẻ và ôn hòa với bạn, đó là điều tốt!”, “con tiến bộ hơn so với hôm qua rồi này!”.
Thay vì mắng trẻ một cách mù quáng, cha mẹ nên khen trẻ nhiều hơn, khuyến khích và nâng cao sự tự tin của trẻ, càng có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: NTDVN
8 bí quyết của mẹ Việt giúp con gái giành học bổng 7,6 tỷ đồng của Harvard
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực