spot_img
20 C
Vietnam
Thứ ba,26 Tháng mười một
spot_img

Chàng trai mặt sẹo trở thành ông chủ tiệm bánh để trả ơn đời

Tân Thế Kỷ – Năm 10 tuổi, Ngô Quý Hải tự hứa với chính mình rằng sẽ tự mở một tiệm bánh nơi chấp nhận tất cả mọi người dù họ có ngoại hình hay xuất thân như thế nào. Bây giờ cậu đã biến mong ước thành sự thật.

Lời hứa năm 10 tuổi

6 tháng tuổi, Ngô Quý Hải (sinh năm 1994, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) không may ngã vào nồi cháo đang sôi trên bếp lửa. Khuôn mặt đứa trẻ sơ sinh năm đó bị biến dạng nặng nề, dính liền vào da cổ. Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ cố gắng chạy vạy, đưa Hải đến các bệnh viện lớn tại TP.HCM để phẫu thuật.

Trải qua 10 lần lên bàn mổ, khuôn mặt của Hải vẫn chịu nhiều di chứng, chằng chịt vết sẹo, cử động khó khăn. Mỗi tối, mắt không thể nhắm, Hải chỉ ngủ được 4 tiếng. Việc ăn uống, nói chuyện cũng bị hạn chế. Nhiều lúc, anh nghĩ tới cái chết, hoặc trách bố mẹ chỉ vì một phút giây sơ suất đã khiến cuộc đời anh gần như chỉ toàn bóng tối.

Năm 6 tuổi, bố mẹ đưa Hải đến trường. Sau 4 tháng, cậu bé đòi nghỉ học vì bị bạn bè kì thị, trêu chọc bởi vẻ ngoài khác lạ. Không có bạn, cậu chỉ chơi với chó, mèo. Nhìn chúng bị thương nhưng không biết cách chữa trị, Hải ước mơ lớn lên trở thành bác sĩ thú y, nhưng không đi học, không biết chữ, giấc mơ năm đó trở nên quá xa vời.

Về sau, Hải quen một cậu bé câm, điếc gần nhà. Hai đứa trẻ “không hoàn hảo” trở thành chỗ dựa cho nhau, cùng thả diều, bắt dế suốt những năm tháng tuổi thơ.

Một ngày của năm 10 tuổi, Hải và bạn được lên thành phố chơi, nơi có những thứ lấp lánh, cách xa vùng nông thôn nhà cậu khoảng 50km. Hai đứa trẻ lướt qua một tiệm bánh ngọt đầy sang trọng, mà bên trong là những chiếc bánh kem đủ màu sắc. Về nhà, chúng bắt đầu tiết kiệm tiền trong nhiều tháng, ao ước có thể được thưởng thức mùi vị tuyệt vời đằng sau chiếc bánh kem đẹp mắt.

Untitled 2v
Năm 22 tuổi, Hải được tài trợ sang Đức phẫu thuật tái tạo khuôn mặt. – Ảnh: Cafef.vn

Đến ngày sinh nhật của cậu bạn câm điếc, Hải và bạn cũng dành dụm đủ số tiền. Không thể giấu nổi sự phấn khích và háo hức, cả hai chạy thật nhanh đến tiệm bánh ngọt.

“Tuy nhiên, khi bước vào tiệm, chúng mình bị đối xử như những kẻ ăn xin, thậm chí không có cơ hội để giải thích với nhân viên trước khi bị đuổi ra ngoài”, Hải nhớ lại. Một đứa trẻ với khuôn mặt dị dạng, một cậu bé câm điếc bẩm sinh, ngày hôm đó, là bữa tiệc sinh nhật đáng quên nhất trong cuộc đời.

Cậu bạn thân khóc lóc nức nở. Hải thì không, nhưng tâm trạng buồn bã vô cùng. Cậu như rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, tự hứa với bản thân rằng một ngày nào đó sẽ tự mở cửa hàng bánh của riêng mình, chấp nhận tất cả mọi người dù họ có ngoại hình như thế nào hay xuất thân từ đâu.

Hải nghĩ, “chắc chắn mình sẽ phục vụ và đối đãi thật tốt với khách hàng”. Cậu không ngờ, chính lời hứa đó, đã thay đổi cuộc đời mình sau này.

Kiên trì vượt qua thử thách

Chàng trai quê Ngọc Hồi, KonTum cùng 2 người bạn mở tiệm bánh online đã hơn 1 tháng nhưng mỗi ngày chỉ có 1 – 2 đơn hàng.

Vì thế, khi đoạn video ngắn ghi lại quá trình tập làm bánh cupcake trên Tiktok có hơn 30 nghìn lượt xem khiến Hải mừng rỡ. “Mình hy vọng có thể phát triển thêm kênh bán hàng từ nền tảng mạng xã hội này”, chàng trai quê Ngọc Hồi, Kon Tum nói với giọng đầy hy vọng.

Hải vừa trở lại TP.HCM hồi năm ngoái để theo học một khóa làm bánh kem, nâng cao tay nghề. Trước đó, anh từng có một năm mở tiệm cà phê và bánh ở quê nhà nhưng không thành công. Phần vì tiệm mở trong giai đoạn dịch Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn, phần vì ở quê, khách ít chuộng những loại bánh tây anh làm.

Sau khóa học, Hải ngỏ ý với người thầy của mình là anh Nguyễn Văn Nam, 28 tuổi về ý định cùng mở một tiệm bánh ngay giữa TP.HCM.

quyhai4 16847787090312002159762
Quý Hải làm bánh kem để kịp giao khách. – Ảnh: thanhnien.vn

“Thấy Hải là một chàng trai đầy nghị lực, biết vươn lên nên tôi đồng ý ngay. Vì vẫn phải đi làm và dạy học, tôi không có thời gian nên đã rủ thêm Thanh Trúc – một học trò của mình chung sức để hỗ trợ cho tiệm”, anh Nam chia sẻ.

Vậy là tiệm bánh online ra đời hồi giữa tháng 4 năm nay. Hải chọn cái tên “Tiệm bánh Hướng Dương”, như một cách nhắc nhở bản thân rằng: Dù khó khăn, thất bại cũng sẽ như đóa hoa hướng dương, vươn mình về phía mặt trời để đón nhận những điều tốt đẹp”.

Một tháng nay, vì đơn còn ít nên Hải vừa làm thợ bánh, đồng thời làm chân shipper chạy xe khắp Sài Gòn giao hàng để tiết kiệm chi phí. Dù việc kinh doanh còn khó khăn, nhưng Hải vẫn kiên trì vừa làm vừa học thêm từ Trúc, từ thầy Nam để hoàn thiện tay nghề của bản thân.

“Hễ có gì không biết là ảnh hỏi em ngay. Những hôm không có đơn, anh Hải tự học thêm tiếng Anh, học đàn guitar và mày mò tự làm video đăng lên mạng xã hội, mong có thể tìm kiếm khách hàng”, Thanh Trúc, 21 tuổi, cô em út của tiệm Hướng Dương chia sẻ.

Mong muốn được trả ơn cho đời

Mang theo ước mơ lớn, nhưng mãi đến năm 22 tuổi, cuộc đời Hải mới rẽ sang hướng khác tốt đẹp hơn. Lúc bấy giờ, anh được một tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí sang Đức phẫu thuật để tách phần da cổ và ngực dính liền vào nhau. Những người lạ nơi đất khách quê người đã giúp đỡ Hải, bên cạnh anh trong gần 1 tháng hôn mê sau ca mổ khiến anh cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người.

Bình phục trở về, Hải theo học nghề bếp, nấu những món Âu và biết cả pha chế ở trung tâm Koto ở Hà Nội. Song song, anh cũng bắt đầu học chữ, học tiếng Anh.

Chị Nguyễn Thanh Thúy, giáo viên dạy kỹ năng sống ở trung tâm Koto của Hải chia sẻ: “Dù kiên trì học tập nhưng Hải luôn lo lắng không biết liệu ra trường có xin được việc không?” Thế rồi ngày Hải tốt nghiệp, chị Thúy đã khóc vì thấy cố gắng của học trò đã có kết quả.

Ra trường, Hải vào TP.HCM xin làm đầu bếp trong nhà hàng. Tuy nhiên, một tiệm bánh nhỏ ở quê nhà luôn là điều anh ao ước được thực hiện. Nhưng sau 1 năm làm chủ tiệm bánh vì kinh doanh không hiệu quả, Hải đành gác lại.

quyhai2 1684778062478696977147
“Dù từng thất bại nhưng mình chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ con đường này. Mình phải nỗ lực đến cùng, để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ lại những người khó khăn hơn”, Hải chia sẻ. – Ảnh: thanhnien.vn

Giờ đây, ở mảnh đất đô thị nhộn nhịp này với những người bạn sẵn sàng đồng hành, Hải tin rằng tiệm của mình sẽ đông khách.

“Dù từng thất bại nhưng mình chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ con đường này. Mình phải nỗ lực đến cùng, để có thể tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ lại những người khó khăn hơn – đó là cách mình trả ơn những người đã từng bên cạnh, giúp mình có được ngày hôm nay”, Quý Hải chia sẻ.

Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% cách bạn phản ứng với nó. Mong rằng câu chuyện của Hải sẽ giúp mọi người nhìn nhận cuộc sống theo cách lạc quan và yêu thương. Ai trong chúng ta đều sẽ chạm tay đến ước mơ, chỉ cần không bỏ cuộc, không ngừng nỗ lực và cố gắng, thì đích đến có thể ngay trước mắt mình.

Trong thực tế, những suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cho bạn chán nản, còn những tư tưởng tích cực sẽ luôn làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp và khiến bạn hứng khởi hơn. Khi bạn thay đổi cách nhìn nhận sự việc, dù mọi thứ có đang tồi tệ như thế nào, bạn sẽ tìm lại được đam mê và mục tiêu phấn đấu, cuộc sống sẽ dần trở nên thú vị và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Tịnh Yên (t/h)

Hanhtrinh140x72 1

Tại sao lại mở nhà hàng buffet 1.000 đồng cho lao động nghèo chứ không phải là…miễn phí?

Bát bún riêu chỉ 5.000 đồng giữa lòng Hà Nội…

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều