Tân Thế Kỷ – Với việc từng kinh qua ba hãng xe công nghệ khác nhau (có thể nói là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay), tôi có thể khẳng định nghề này không “ngon ăn” như nhiều người lầm tưởng.
Trong quá khứ, khi thất nghiệp, tôi cũng từng chạy xe ôm công nghệ để có đồng ra đồng vào trong lúc chờ công việc mới. Và hiện nay, tôi vẫn đang chạy xe ôm công nghệ như một nguồn thu nhập thứ hai của mình. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ mới ra trường.
Những góc khuất của ngành xe ôm công nghệ
Thứ nhất, tính cạnh tranh cực kỳ cao
Bạn hãy thử tưởng tượng, một cái bánh khi chia cho hai người ăn thì mỗi người sẽ được phần nhiều, nhưng khi chia ra cho 20, 200, rồi 2.000 người thì mỗi người sẽ được bao nhiêu?
Đó là thực trạng của nghề xe ôm công nghệ hiện nay, khi đây được xem là một nghề quá dễ làm, không đòi hỏi bằng cấp, nghiệp vụ, chỉ cần bạn siêng năng, có sức khỏe là làm được. Số lượng cuốc xe có hạn mà số tài xế thì ngày một đông và hệ quả cung vượt cầu là điều dễ thấy.
Thứ hai, người mới luôn được ưu tiên
Khi bạn vừa mới đăng ký chạy xe cho một app xe công nghệ, bạn sẽ được hãng ưu tiên phát cuốc xe rất nhiều, thậm chí có khi là bạn vừa xong một chuyến đã có liền chuyến tiếp theo để chạy. Nhưng rồi dần dần theo thời gian, khi bạn từ “ma mới” thành “ma cũ”, tần suất nhận được chuyến của bạn sẽ ít dần, để nhường cho những người mới.
Và cứ như thế, vòng lặp tiếp tục mà bên nắm đằng chuôi chính là các hãng xe công nghệ. Họ thừa biết rằng họ sẽ không bao giờ thiếu tài xế nên chẳng phải lo chuyện các tài xế bị phân biệt đối xử. Cứ dạo qua các hội nhóm trên Facebook của các tài xế xe ôm công nghệ, các bạn sẽ không khó để bắt gặp các bài đăng về chuyện “ế đơn” của các tài xế lâu năm. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ chạy xe ôm như một công việc bán thời gian, xem như một nguồn thu nhập thứ hai, làm khi rảnh rỗi, thì có thể sẽ không quá căng thẳng vì tình trạng này.
Thứ ba, chi phí phát sinh khó lường
Một sinh viên mới ra trường thường chỉ được trả lương khởi điểm 5-7 triệu đồng nếu họ xin vào một doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn nào đó. Trong khi đó, số tiền kiếm được trong một tháng chạy xe ôm công nghệ là không dưới 10 triệu đồng, rõ ràng công việc này được xem là “hái ra tiền”, rất hấp dẫn với nhiều cử nhân. Nếu chỉ nhìn vào con số tiền kiếm được thì rõ ràng chạy xe ôm công nghệ vừa không tốn chất xám, mà lại có thu nhập tốt hơn, chưa kể còn được làm việc tự do, không gò bó…
Thế nhưng, phía sau những điều mà ai cũng thấy được kể trên, ít ai biết được rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế, không có thứ gì có được dễ dàng mà lại không phải đánh đổi cả. Để có được thu nhập không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng như vậy, bạn phải bỏ ra không dưới 10 tiếng mỗi ngày chạy xe ngoài đường bất kể nắng mưa, và khi về nhà bạn sẽ chỉ muốn nằm vật ra giường vì quá mệt.
Còn đi làm công ty, tuy mức lương ít hơn, nhưng bạn có thêm thời gian (và sức khỏe) để theo đuổi đam mê, học thêm các kỹ năng mới, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài hoặc nếu an phận quá thì ít nhất bạn cũng có thời gian ngồi tám chuyện với lũ bạn, dành thêm thời gian cho gia đình…. Chưa kể đến việc nếu chạy xe ôm công nghệ, bạn sẽ phải làm không ngừng nghỉ kể cả lúc ốm, vì nghỉ ngày nào là mất tiền ngày đó.
Tôi từng chứng kiến một bác “đồng nghiệp” sau khi bị té xe và được người dân giúp đỡ, đã chống xe lên chạy tiếp vì sợ không kiếm đủ tiền cho ngày hôm đó. Còn nếu làm công ty, bạn nghiễm nhiên có 12 ngày phép một năm theo Luật Lao động, lúc đau ốm hay muốn đi du lịch gì cũng thoải mái xin nghỉ mà vẫn nhận đủ lương.
Rồi chưa nói đến việc, khi chạy xe ôm công nghệ, tần suất phải sửa chữa, bảo dưỡng xe của bạn sẽ thường xuyên hơn và đó cũng là một khoản tốn kém không ít so với đi làm văn phòng, công ty.
Đồng thời, việc ngồi xe liên tục cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày, liên tục ngày này qua ngày khác cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của bạn về lâu dài và tiền thuốc men, chữa bệnh sẽ tiêu tốn tiền bạc của bạn. Vì thế, thu nhập 10 triệu hay thậm chí 12-15 triệu một tháng của nghề xe ôm công nghệ chưa chắc đã nhiều hơn so với 5-7 triệu khi đi làm công ty.
Nếu hỏi cánh tài xế xe ôm công nghệ full-time rằng họ có thật sự đam mê công việc đó không, hay chỉ vì cuộc đời xô đẩy nên mới phải bắt buộc chọn công việc này? Tôi tin các bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc liệu đây có phải “việc nhẹ lương cao” như nhiều người vẫn nói?
Còn với riêng tôi, câu trả lời sẽ là công việc này rất tốt cho những ai không còn lựa chọn kiếm tiền nào khác hoặc đối với những ai đang cần một công việc phụ vào giờ rảnh rỗi. Còn nếu bạn có lựa chọn khác mà vẫn chạy xe ôm công nghệ như một nghề chính chỉ vì con số thu nhập nhất thời thì đó là một sai lầm rất lớn.
Như đã nói, bản thân tôi cũng đang là một tài xế xe ôm công nghệ bán thời gian, nên tôi không có ý chê bai bất kỳ đồng nghiệp nào của mình, vì dù sao, mọi công việc không vi phạm pháp luật đều đáng được trân trọng. Tôi chỉ hy vọng, với góc nhìn của một người đã có kinh nghiệm trong công việc này, các bạn trẻ, đặc biệt là những cử nhân mới ra trường, có thể hiểu rõ về những góc tối của nghề xe ôm công nghệ, để từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.
Chạy xe ôm công nghệ khó kiếm 30 triệu như làm văn phòng?
Nếu bạn trẻ cầu tiến, chịu khó học hỏi thì sau một thời gian làm văn phòng vẫn có thể kiếm được số tiền trên.
Tôi không khinh thường, so đo chê bai ngành nghề nào cả. Nghề nào kiếm tiền chân chính cũng tốt hết. Tuy nhiên, chạy xe ôm công nghệ chỉ là lựa chọn tốt với ba đối tượng: Tạm khó khăn trong ngắn hạn, không may mắn, không được đào tạo, ăn học bài bản, bị đào thải do tuổi tác.
Đối với người trẻ, không nên chọn con đường này cho dài hạn. Khi đi làm thuê, chúng ta bỏ ra ba thứ để kiếm tiền: Thời gian, sức khỏe, và chất xám (kiến thức, kinh nghiệm). Nhìn chung, thời gian thì ai cũng như ai, đều có 24 giờ một ngày. Sức khỏe thì mai một dần theo thời gian (về già). Chỉ có chất xám là tăng lên theo thời gian và ít giới hạn nhất.
Sinh viên mới ra trường có thể chỉ có thu nhập một phần hai hoặc một phần ba so với thu nhập chạy xe ôm công nghệ nhưng về tương lai hoàn toàn có thể tốt hơn. Học nhiều kiến thức hơn, cống hiến đem lại giá trị mang về thu nhập cao hơn.
Xe ôm công nghệ gần như rất khó kiếm 30-40 triệu đồng một tháng, càng lớn tuổi càng thu nhập thấp lại… nhưng nhân viên văn phòng sau 10 năm phấn đấu, có thể đạt được con số ấy.
Ngành nghề nào cũng có sự đào thải, tuy nhiên xe ôm công nghệ còn đào thải ghê hơn những nghề khác. Xe ôm công nghệ chủ yếu dựa vào sức lực, cái sẽ mai một theo thời gian. Nhưng ngành nghề khác dựa vào kinh nghiệm, chất xám, kiến thức, cái có thể gia tăng theo thời gian.
Rõ ràng, dễ thấy khi bạn bị đào thải ngành khác thì con đường lui có thể là xe ôm công nghệ, nhưng đã chọn nghề này ngay từ đầu hầu như khó mà quay lại ngành đã học.
Không ai chê, khinh thường người chạy xe ôm công nghệ cả. Họ cũng là lao động chân chính. Xe ôm công nghệ càng là giải pháp tốt trong ngắn hạn nếu bạn bị thất nghiệp. Nhưng với đối tượng chính là người trẻ tuổi, có bằng cử nhân thì đừng nên xem nó như là nghề nghiệp lâu dài, phải có cách nhìn khác. Chạy xe công nghệ chỉ là giải pháp ngắn hạn khi ta túng thiếu, nhưng đừng chôn vùi cả sự nghiệp vào đó.
Sau khi ra trường, hãy cố gắng làm những việc đúng chuyên môn, sở trường, làm việc với cái tâm và cố gắng học hỏi để làm tốt nhất công việc tại vị trí được nhận. Nếu đã qua ba tháng thử việc và đồng ý làm tiếp, bạn hãy cố bám trụ hết ba năm đầu, làm hết sức có thể.
Quãng thời gian đó sẽ cho bạn có cái nhìn rộng hơn và đánh giá được lộ trình phát triển bản thân sau này, định hướng phát triển của công ty… Song song với đó, bạn sẽ học thêm được kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc và tích lũy kiến thức, kỹ năng cho mình.
Các bạn hãy chịu khó đầu tư thời gian và công sức cho công việc mình được đào tạo và cuộc đời sẽ không phụ lòng những ai cố gắng. Có thể hôm nay bạn chưa có kinh nghiệm, lương có thể thấp hơn mấy anh xe ôm hay shipper, nhưng nếu bạn làm việc bằng cái tâm và vận dụng tất cả những kiến thức đã được học, tích lũy thêm kinh nghiệm, siêng năng, chịu khó, một ngày nào đó, các bạn sẽ làm được nhiều việc lớn, hưởng mức lương cao, có địa vị xã hội, xứng đáng với niềm tin mà gia đình, nhà trường, và xã hội đã trao cho bạn.
Nhưng thật ra công việc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ của bạn
Không ai dám chắc 1 nhân viên văn phòng hay 1 tài xế công nghệ ai sẽ có tương lai tốt hơn. Vì công việc hiện tại và tương lai của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào suy nghĩ và thái độ với nghề của bạn. Không phải bạn chọn nghề vì ban đầu thấy việc đó lương cao hơn hay dễ hơn, mà bạn phải biết mình phù hợp với điều gì, dám đương đầu với khó khăn và có thái độ tốt trong công việc.
Chạy xe ôm công nghệ cũng có những lợi ích sau:
– Gặp gỡ nhiều người, học hỏi nhiều điều, kỹ năng giao tiếp và kiến thức của bạn vì thế cũng ngày một tốt hơn.
– Di chuyển trên đường nhiều, va chạm nhiều, áp lực nhiều, dẫn đến kỹ năng sống của bạn cũng được cải thiện hơn. Bạn sẽ biết phải điều chỉnh giờ giấc và công việc sao cho hợp lý và hiệu quả hơn, biết bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình tốt hơn.
– Đi ship hàng cho rất nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ khác nhau, bạn có thể học hỏi rất nhiều các mô hình kinh doanh, cũng như ngành nghề khác nhau. Từ đó, bạn rất nhanh chóng tìm ra được đam mê, sở trường của mình – thứ mà nền giáo dục hiện tại khó làm được.
– Bạn cũng tích lũy được vốn liếng và nắm rõ cách thị trường vận hành, nắm rõ hành vi, nhân khẩu, dân trí từng khu vực địa lý mà bạn chạy qua, cũng như giá cả các mặt hàng chung từng khu vực.
Sau vài năm, với số vốn và kinh nghiệm tích lũy được, cộng thêm việc tìm thấy đam mê, bạn làm gì cũng được. Quan trọng là bạn có ý chí.
Tịnh Yên (t/h)
“Cơn ác mộng” đang ám ảnh Trung Quốc: Đến người có bằng thạc sĩ phải làm… nghề phân loại rác
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực