Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, UBND TP.HCM có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.
Theo Tuổi Trẻ, trước nguy cơ xâm nhập của cúm gia cầm A (H5N1) và các cúm gia cầm khác thông qua các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép tại nhiều địa phương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn gửi đến các sở, ngành TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường phòng chống bệnh cúm A (H5N1).
Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Đồng thời tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm A, cũng như giám sát phát hiện sớm các ca bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm theo quy định.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời.
Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ngày 24-2 xác nhận ca nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1 thứ hai ở người, là cha của bé gái 11 tuổi tử vong ngày 22-2 do nhiễm chủng vi rút này.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ca bệnh là đàn ông, 49 tuổi, ở tỉnh Prey Veng, cha của bé gái vừa tử vong. Người đàn ông này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút H5N1 ngày 24-2.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 24-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tình hình cúm gia cầm là “đáng lo ngại” và đang làm việc với chính quyền Campuchia sau khi có hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người được phát hiện ở nước này trong một gia đình.
Do sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ở người lây từ chim và động vật có vú, bác sĩ Sylvie Briand – giám đốc phòng chống dịch bệnh và đại dịch của WHO, nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn rằng WHO đang xem xét đánh giá rủi ro toàn cầu về nguy cơ lây lan cúm từ động vật sang người sau các báo cáo gần đây.
Trong lần đánh giá gần nhất, WHO đánh giá rủi ro với con người do cúm gia cầm gây ra là thấp.
Nghi Vân (t/h)