Hôm nay (22/5), các đơn vị thi công tiếp tục khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện thời tiết liên tục có mưa vào buổi chiều, đất đá phong hóa và hầm đường sắt nằm dưới đường tỉnh 641 nên công tác khắc phục sự cố gặp nhiều trở ngại.
Chiều nay (22/5), khoảng 50 công nhân thuộc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Phú Khánh, Tổng Công ty đường Sắt Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở đất, đá tại hầm đường sắt Chí Thạnh, tỉnh Phú Yên.
Tại hiện trường, công nhân tiến hành phun bê tông vào các điểm sạt lở trong hầm để giữ đất, đá, không cho tiếp tục sạt lở. Từ đỉnh đèo Thị, cán bộ kỹ thuật thăm dò địa chất và khoan đá từ trên nóc hầm rồi đổ bê tông gia cố các đoạn bị sạt lở.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Phú Khánh đang chỉ huy tại hiện trường cho biết, đất đá trên mái hầm sạt xuống gây tắc hầm. Sự cố này được nhận định tương tự như trường hợp sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, tỉnh Khánh Hòa xảy ra cách đây hơn một tháng. Đơn vị thi công cho khoan tạo neo hai đầu khu vực hầm bị sạt lở rồi tiến hành phun bê tông để làm cứng, gia cố hầm, sau đó hốt dọn đất đá bên dưới.
Theo ông Lê Quang Vinh, do thời tiết liên tục có mưa, gây bất lợi cho việc khắc phục sự cố nên chưa thể dự kiến thời gian thông hầm.
“Hiện tại trong hầm đang có khoảng 200m3 khối đất đá đang còn rơi dưới lòng hầm và nó lên tận trên nóc hầm luôn. Chúng tôi đang khoan tạo neo và bơm bê tông ngược lên trên nóc hầm để giữ ổn định, sau đó thi công tiếp. Việc này khó khăn là do ở đây địa chất đất đá phong hóa lâu ngày, công với việc thời tiết trời mưa làm cho lớp đất đá nhão và không ổn định nên theo đà trên xuống dưới chảy xuống”, ông Lê Quang Vinh nói.
Theo nhận định của Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải, địa chất tại khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh phức tạp, khó lường, thay đổi liên tục nên việc thi công sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu cán bộ, công nhân vừa thi công, vừa quan trắc, tăng cường theo dõi và có những cảnh báo nguy hiểm xảy ra, đảm bảo an toàn lao động.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85 cho biết, việc thi công sửa chữa các hầm đường sắt hầu hết đều có thể xảy ra sạt lở. Do vậy, các đơn vị liên quan cần đánh giá lại toàn bộ các hầm đường sắt để có phương án sửa chữa, đảm bảo an toàn lao động.
“Khi khoan xong trên đỉnh hầm này, anh em mới họp và đánh giá cùng các đơn vị tư vấn mới chắc chắn được nguy hiểm đến mức nào. Bởi vì địa chất này khó lường lắm, hầm này cũng hàng trăm năm, địa chất thay đổi rất nhiều”, ông Nguyễn Thanh Hoài nói.
Trước đó, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 21/5/2024, hầm đường sắt Chí Thạnh đã xảy ra sạt lở. Vị trí sạt lở nằm ngay dưới đèo Thị thuộc Tỉnh lộ 641. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác khắc phục, tỉnh Phú Yên đã cấm các loại phương tiện giao thông qua khu vực đèo này, trừ xe hai bánh.
Từ tối 21/5, các đơn vị ngành Đường sắt bắt đầu thực hiện chuyển tải những hành khách đầu tiên. Trong thời gian chờ đợi chuyển tải, ngành Đường sắt phục vụ miễn phí nước uống và suất ăn cho hành khách.
Theo Thanh Thắng (VOV)
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*