Tân Thế Kỷ (TTK) – Ở Trung Quốc hiện đang xảy ra một tình trạng, đó là nhiều thanh niên thay vì trưởng thành, sống tự lập thì lại quay trở về nhà, sống bám bố mẹ. Họ núp dưới bóng “sống gần với bố mẹ”, “tiện chăm sóc, báo hiếu” để bấu víu vào cha mẹ già. Những thanh niên này thường chật vật với gánh nặng mưu sinh, hoặc không có chí tiến thủ, dẫn tới lựa chọn cuối cùng là quay về “mái nhà xưa”.
Nhờ việc sống cùng bố mẹ, họ không cần phải mất tiền thuê nhà, không mất sinh hoạt phí, thậm chí nhiều người còn bắt bố mẹ chăm sóc con luôn giúp cho mình, đóng tiền học, đón con tan học giúp mình,…
Theo đó, có 3 kiểu “ăn bám kiểu mới”, nhìn vào tưởng báo hiếu cha mẹ, nhưng thực chất không phải.
“Làm con toàn thời gian”
Trước đây, kiểu con cái này thường không đi học đến nơi đến chốn, ở nhà suốt ngày không làm gì, họ là “đứa trẻ toàn thời gian”. May mắn thay, cha mẹ họ không quá già, vẫn có khả năng làm việc và kiếm tiền để hỗ trợ gia đình, hoặc một số phụ huynh vẫn có quỹ hưu trí đủ cho chi tiêu.
Những đứa con này cũng thỉnh thoảng ra ngoài giúp bố mẹ làm vài việc vặt, bù lại được lo cơm ăn áo mặc, còn có thể kiếm được chút tiền tiêu vặt. Bố mẹ biết con mình không có triển vọng lắm, không đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của con nên đành làm ngơ.
Hiện nay, tình hình việc làm ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ, gần đây giới trẻ nước này đang nổi lên một loại nghề nghiệp mới – “làm con toàn thời gian (full-time)”. Đây rốt cuộc là công việc gì mà theo một khảo sát mới đây có tới 13,3% số người được hỏi thừa nhận mình “làm con toàn thời gian” cho cha mẹ?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022 nước này có tới 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và khoảng 70% trong số họ chưa tìm được việc làm. Trong tình huống này, một loại nghề nghiệp mới đang trở nên thịnh hành, đó là “làm con toàn thời gian”, tức là ở nhà chăm sóc cha mẹ toàn thời gian và được cha mẹ trả lương cho.
Ngày 18/3, ông Hoàng (Huang), một người làm truyền thông ở Trung Quốc đại lục, nói với phóng viên The Epoch Times: “Gia đình chúng tôi có hai người con toàn thời gian, là chị hai và anh trai tôi. Tại sao lại thế? Hồi đó khi chị hai tôi chăm sóc bố, cũng là dùng tiền lương hưu của bố để trả lương cho chị ấy. Bây giờ anh trai tôi chăm sóc bố, chị cả của tôi lại dùng lương của bố để trả cho anh. Anh trai tôi từng bán ô tô, sau 3 năm phòng chống dịch bệnh, nhiều người không có tiền mua ô tô nên anh ấy thất nghiệp ở nhà, đúng lúc bố tôi nằm viện cần người giúp đỡ nên anh trở thành một đứa con trai toàn thời gian”.
Lý do là nền kinh tế không tốt dẫn đến rất nhiều người thất nghiệp. Và Trung Quốc đã bước vào một xã hội già hóa, nhiều người già đã đến thời kỳ có tỷ lệ mắc bệnh cao và mắc các bệnh nền. Họ cần người chăm sóc, so với việc thuê người ngoài, chi bằng trả tiền cho con cái thất nghiệp trong nhà làm cho.
Nguyên nhân thứ ba là có một số là con một, họ được nuông chiều từ nhỏ nên không thích nghi được với sự cạnh tranh trong xã hội, họ cũng không muốn ra ngoài tìm việc, mà gia cảnh cũng tốt, nên họ chỉ ở nhà làm việc nhà, làm cha mẹ vui lòng, sau đó cha mẹ sẽ phát cho một chút lương.
Nhiều “đứa con toàn thời gian” cho biết trên Internet rằng, hàng ngày họ đều phải nhìn sắc mặt cha mẹ, đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà, rồi lại phải ngửa tay xin tiền.
Tốt nghiệp đại học nhưng không ra ngoài làm việc, lấy lý do chuẩn bị học cao hơn
Những thanh niên này được bố mẹ chu cấp học đại học nhưng ra trường không có việc làm phù hợp nên ở nhà, không chịu ra ngoài tìm việc. Không chịu nổi những lời cằn nhằn hàng ngày của cha mẹ, họ sẽ nói dối rằng mình sẽ thi tuyển sinh sau đại học hoặc thi công chức, rồi nhốt mình trong phòng ngủ và chơi game suốt ngày.
Cha mẹ thuyết phục con tìm việc gì đó làm, kiếm ít tiền một tháng cũng được, nhưng họ không đồng ý, chỉ muốn “toàn tâm toàn ý” chuẩn bị cho kỳ thi. Kiểu con cái này khiến cha mẹ tiêu tốn hơn mười mấy năm nuôi ăn học vô ích, sau khi con tốt nghiệp họ còn phải đối mặt với áp lực kép về tinh thần và vật chất. Không có lựa chọn, họ chỉ biết bất lực nuôi những đứa con mãi không chịu trưởng thành.
Kết hôn, mua nhà, mua xe làm tiêu tan tài sản của cha mẹ
Đây là kiểu “gặm nhấm cha mẹ” vô hình nhưng tai hại nhất. Kiểu gia đình này thường là hình mẫu cho nhiều bạn bè noi theo vì nhìn về ngoài rất hạnh phúc, thành đạt, nhưng ai biết rằng con cái đang “ăn bám” cha mẹ đến tận xương tuỷ.
Chẳng hạn, hàng xóm của chị Viên (Trung Quốc) là một gia đình công nhân bình thường ở một thành phố nhỏ. Học tập trong gia đình này là con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh của họ. Mọi nguồn lực tài chính đều tập trung hết cho con cái học đại học.
Cha mẹ những tưởng con mình ra trường sẽ kiếm được một công việc tốt để nuôi sống bản thân. Nhưng không ngờ sau khi các con lập gia đình, lập nghiệp thì lại đòi hỏi thêm rất nhiều điều từ cha mẹ.
Đứa con đầu mới ra trường, lương không đủ sống, tiền ăn, tiền thuê nhà khó khăn, phải nhận tiền trợ cấp hàng tháng của bố mẹ. Đứa con gái lớn chưa tìm được bạn đời ưng ý, cha mẹ nóng lòng nhờ người giới thiệu. Cuối cùng lấy chồng xong, họ phải giúp con mua nhà ở thành phố lớn, tiền đặt cọc mấy chục triệu nhân dân tệ, sính lễ trăm nghìn tệ.
Khi con gái họ sinh em bé, cả hai vợ chồng đều phải đi làm và không thể chăm sóc con. Cha mẹ già đến phụ giúp, các chi phí ăn uống, học phí của cháu chắt cũng do họ chi trả. Nói chung, đồng lương hưu ít ỏi của cha mẹ gánh hết chi tiêu của ba thế hệ trong gia đình.
Cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý
Đây không phải câu chuyện của riêng đất nước Trung Quốc, mà nó đang là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Con cái ngày càng phụ thuộc và “ăn bám” cha mẹ.
Trong khi nhiều đứa trẻ trưởng thành, có một sự nghiệp tốt và trở thành chỗ dựa tinh thần, vật chất cho cha mẹ thì xã hội có không ít hoàn cảnh ngược lại: Con cái trưởng thành vẫn không ngừng đòi hỏi, hầu như không biết ơn cha mẹ, thậm chí coi sự hỗ trợ của cha mẹ như một lẽ tất nhiên.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng xuất phát từ cách nuôi dạy của cha mẹ và từ bản thân người con. Cụ thể, khi cha mẹ quá nuông chiều hoặc áp đặt định hướng tương lai của con thì con không thể trưởng thành được.
Mọi quyết định của con, cuộc sống của con lâu nay cha mẹ cung ứng hết khiến con không tự đương đầu, hoặc trước đây con muốn đương đầu nhưng cha mẹ lại bảo bọc kỹ. Sống trong sự an toàn cùng với thói quen phụ thuộc quá lâu, khi trưởng thành sẽ khiến con bị thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
Theo tiến sĩ tâm lý học Joshua Coleman (Mỹ), cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý với những yêu cầu được giúp đỡ của con. Bạn chỉ cần xem xét các yếu tố sau: Sự giúp đỡ của tôi sẽ giúp con trưởng thành hơn hay trở nên phụ thuộc hơn? Sự giúp đỡ nên là vô điều kiện, hay có điều kiện? Cách nhìn nhận của tôi về con có đúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?
Hãy bình tĩnh nói với con những gì bạn sẵn sàng hoặc không sẵn sàng hỗ trợ. Ví dụ, cha mẹ nên nói: “Bố/mẹ sẵn sàng giúp đỡ con trong những điều kiện sau đây”. Trong trường hợp bạn sẵn sàng để giúp đỡ con cái, hãy làm điều đó bằng tình yêu thay vì đồng ý với lời phàn nàn hay buộc tội. Tuy nhiên, nên cứng rắn và chỉ ra cho con thấy khả năng của mình.
Trong trường hợp bạn không đủ khả năng để giúp đỡ con, hãy sẵn sàng để nói “Không”. Tuyệt đối đừng dốc trọn tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp đỡ con cái. Bạn cũng có thể nói “Không” ngay cả khi đủ khả năng hỗ trợ, nếu thái độ của con thiếu tôn trọng.
Thật ra cũng có cha mẹ cố gắng hướng dẫn, định hướng cho con nhưng bản thân đứa con lại lười biếng, thiếu bản lĩnh, có những thói quen không tốt hoặc đua đòi theo bạn bè. Họ bị ảnh hưởng từ các mối quan hệ trong cuộc sống, ví dụ thấy bạn bè mình không phải làm gì cả mà vẫn được hưởng thụ thì về nhà đòi hỏi cha mẹ phải cung ứng cho mình.
Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ của con người được đẩy mạnh. Họ được tiếp cận nhiều nguồn hình ảnh, thông tin người khác sống tận hưởng nhu cầu vật chất.
Những điều đó cũng tạo nên cám dỗ khiến một số bạn trẻ thiếu ý chí phấn đấu, mà chỉ muốn tận hưởng ngay. Cho nên khi thấy mình thiếu điều kiện để hưởng thụ thì họ sẽ quay ra… đòi hỏi cha mẹ dù bản thân mình đã lớn.
Vậy cha mẹ nên dạy con biết trân quý lao động ngay từ khi còn nhỏ. Thói quen làm việc đó phải tập dần, như có thể nhờ con lấy giúp một vật gì đó, phụ mẹ quét nhà, rửa chén, nấu cơm… Con người muốn trưởng thành phải trải qua rèn luyện, có môi trường tốt, động lực và được tiếp sức bằng tình thương, sự giáo dục một cách tử tế.
Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Kenh14.vn
Những đứa con mãi không chịu ‘lớn’: 29 tuổi vẫn điệp khúc ‘Má ơi, cho xin mấy trăm’
Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực