Từ mảnh đất đồi 20.000 m2, một cô gái tự mình khai hoang, dựng nhà gỗ, trồng dược liệu bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Đoàn Thị Ánh Tuyết, 31 tuổi, tốt nghiệp khoa Sinh – Môi trường, Đại học sư phạm Đà Nẵng. Tháng 10/2015, cô được thầy giáo mời lên làm việc tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong với công việc chính là nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ngay lần đầu tiên tới mảnh đất hoang sơ ít người biết đến, tôi đã bị phong cảnh, khí hậu và con người nơi đây thu hút.
Nơi ở và làm việc của Tuyết ở Măng Đen được bao phủ bởi những mảng xanh của cây rừng, người dân hiền hòa, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Cô quyết định không trở lại thành phố mà ở lại đây sinh sống, dù bị bố mẹ phản đối kịch liệt.
Ở được một năm, mơ ước có một căn nhà gỗ trên đỉnh đồi giữa những tán thông xanh và hoa cỏ bỗng thôi thúc Tuyết. Năm 2017, với số tiền tiết kiệm sau hai năm làm việc, cô mua mảnh đất đồi 20.000 m2 tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, để thực hiện kế hoạch. Không đủ kinh phí, hai năm tiếp theo, Tuyết mua gỗ rẻ tại địa phương rồi gom góp dần. Đầu năm 2019, cô bổ nhát cuốc động thổ đầu tiên.
Trước khi dựng nhà, mảnh đất của Tuyết là một khu đồi hoang, toàn cỏ bụi xen kẽ những cây thông cằn cỗi. Không có bản vẽ thiết kế, ý tưởng về căn nhà cô truyền đạt cho thợ bằng miệng. Để tiết kiệm chi phí, ngoại trừ làm móng, dựng khung, lợp mái nhà là thuê thợ, mọi việc khác như khoan tường đục lỗ, đóng hàng rào, may rèm trang trí Tuyết đều tự học và làm một mình.
Ngoài công việc thợ xây, Tuyết cũng tự học lỏm nghề mộc từ người dân địa phương để đóng bàn ghế. Muốn làm đường bêtông thay cho đường đất, Tuyết cũng tự san ủi mặt bằng, trộn xi măng với cát đắp thành những tấm bêtông nhỏ lát con đường dẫn ra vườn. Mỗi ngày khi về nhà lúc nửa đêm, cô thường thấy đôi tay đầy vết thâm tím, cơ thể rã rời, trên người còn vô số những vết côn trùng cắn.
Hơn một năm vừa làm thợ xây, vừa làm nông dân, kiêm luôn nghề mộc, Tuyết sụt 5 kg, da đen nhẻm vì làm việc ngoài nắng gió. Rất cố gắng nhưng cô chỉ dựng được một căn nhà gỗ đơn giản với mái lợp tôn cùng đồ đạc chủ yếu đi xin hoặc mua lại.
Tuy nhiên, khó khăn nhất không phải thiếu tiền, cũng không do vất vả mà không ai hiểu việc Tuyết đang làm. “Bố mẹ vài lần hỏi thần kinh tôi có vấn đề không”, Tuyết kể.
Lần đầu đến Măng Đen thăm con, bà Hồ Thị Sáu, mẹ Tuyết, rớm nước mắt khi thấy cô con gái trước đây chưa từng đụng tay vào việc nặng giờ một mình ngược dốc cuốc đất, làm cỏ, xây đường. “Lúc đó khuyên con về thành phố kiếm công việc nhẹ nhàng nhưng thấy Tuyết quyết tâm quá, tôi cũng không dám cản”, người mẹ nói.
Nhà dựng xong, với kinh nghiệm của một kỹ sư sinh học, Tuyết bắt đầu nghiên cứu những giống cây phù hợp với khí hậu địa phương, khai hoang diện tích 1.000 m2 đất đồi trồng dược liệu như hương thảo, sả, cúc chi rủ, bạch trà. Mỗi ngày cô kéo hàng chục bao phân chuồng rải đều các hố, cắt cỏ đắp lên gốc để giữ nước cho cây. Riêng mảnh đất xung quanh nhà để trồng rau và hoa nhằm tạo cảnh quan.
Thời điểm đầu chưa có kinh nghiệm, hàng loạt cây dược liệu trồng trên đất đồi có độ axit cao, mưa nhiều, cứ lăn ra chết. Một thời gian dài, Tuyết phải cải tạo đất bằng cách bón vôi vỏ sò hữu cơ. Cô cũng tự kéo đường ống dài hàng trăm mét dẫn nước từ dưới chân đồi lên nhà, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng, vừa tưới tắm cây cỏ vào mùa khô. Trong ba năm đầu, cô gái quê Quảng Nam luôn bận rộn canh tác trên mảnh đất dưới chân mình.
Đầu năm 2021, Tuyết quyết định nghỉ việc, tập trung toàn bộ sức lực khai hoang mảnh đất đồi để trồng cây dược liệu. Lúc này, ngày nào với cô cũng là đầu tuần. Cả ngày dưới là mặt đất, là dược liệu, rau cỏ trên đầu là mặt trời, người lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Đổi lại, từ mảnh vườn 1.000 m2 ban đầu, giờ Tuyết đã mở rộng gấp ba, bốn lần, phủ kín bằng màu xanh của hương thảo, chanh, xả, tiêu rừng. Sau khi thu hoạch, cô lại dùng cây dược liệu này chưng cất tinh dầu.
Thời gian đầu vừa học vừa làm, tinh dầu ra lò nhiều mẻ thất bại, lúc thì không đạt chuẩn, lúc lại bị nước hòa lẫn do cô chủ quá mệt mà ngủ quên, không kịp chiết xuất.
“Thời gian đó thực sự khó khăn, nhiều khi chỉ biết ôm mặt khóc một mình. Nhưng rồi tôi lại tự động viên bản thân thất bại ở đâu phải đứng lên ở đó, nhất định không được từ bỏ”, Tuyết nói.
Khi du lịch Măng Đen bắt đầu phát triển, Tết năm 2022, Tuyết cải tạo căn nhà gỗ đang ở thành quán cà phê kèm homestay nghỉ dưỡng. Khách đến đây đều do chính cô chủ tiếp đón. Cô đưa mọi người đi dạo, khám phá thiên nhiên, uống cà phê và ăn rau củ quả trong vườn. Mọi người cũng được thưởng thức nhiều món mứt hoa quả, cảm nhận mùi tinh dầu chưng cất giữa núi rừng do chính tay cô chủ tự làm.
Trong những câu chuyện với khách, mọi người thường hỏi liệu Tuyết có thể sống ở đây suốt đời? Cô trả lời khi ở tuổi đôi mươi vốn thích không khí thành phố với những chỗ đông người. Sau này nhận ra, không quan trọng là nhiều hay ít người, miễn là thấy hạnh phúc, an yên trong tâm hồn. Rồi Tuyết kể khi sống trên núi, bản thân học được cách trồng trọt, xen canh nhiều loại cây để bổ trợ cho nhau cùng những bài thuốc dân gian từ chính lá cây trong vườn.
“Điều đặc biệt là tôi học được tính kiên trì nhẫn nại khi chỉ có một mình. Lúc bế tắc, chỉ cần ngắm cây cỏ đâm chồi nảy lộc là mọi âu lo lại tan biến”, cô nói.
Những lần sau đó trở lại thăm Tuyết, bà Sáu thấy vui vì quán cà phê và homestay của con gái dần đông khách. Giờ mỗi lần gọi điện, bà không còn giục cô về thành phố làm việc nữa mà chỉ hỏi vất vả không, có thể sống ổn trên đó không. “Thấy con vui vẻ, hạnh phúc là thấy mãn nguyện rồi”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.
Còn với Tuyết, cô thấy hài lòng với cuộc sống bình dị ở Măng Đen mà chưa có ý định trở lại thành phố. Dù vậy cô vẫn thường chia sẻ với khách, bỏ phố về rừng không hề đơn giản như những gì thấy trên phim ảnh.
“Dù ở đâu cũng phải cố gắng lao động kèm theo một tình yêu sâu đậm với vùng đất và con người nơi đó mới mong trụ vững”, cô gái nói.
Hoàng Nam/VNE.