Tân Thế Kỷ – Con người muốn có chỗ đứng trong Trời Đất nhất định phải có tâm tôn kính Thiên Địa, Thần linh. Như vậy mới được cõi trên che chở và bảo hộ. Rất nhiều bài học giáo huấn về phương diện này có lẽ đủ để chúng ta nuôi dưỡng tâm thành kính Thiên địa.
Lấy Đức để tỏ lòng tôn kính Trời
Cổ nhân cho rằng khi Trời đất tạo ra muôn vật, đồng thời cũng ban cho vạn vật đức tính không ngừng sinh sôi. Đức tính không ngừng sinh sôi ấy là lực lượng nội tại, khiến vạn vật tràn trề nhựa sống, đua nhau trưởng thành. “Đạo” là nguồn gốc của vạn vật và sinh mệnh. Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”, đã trình bày rõ quan hệ giữa con người với Tự nhiên, vạch rõ trong vũ trụ mọi sự vật đều phải tuân theo đặc tính vũ trụ và quy luật vận hành không ngừng sinh sôi nảy nở. Khổng Tử nói: “Thiên hà ngôn tai, tứ thời hưng yên, vạn vật dục yên”, “Hoạch tội vu thiên, vô sở đảo dã” (Tạm dịch: “Trời không nói gì, bốn mùa hưng thịnh, vạn vật sinh sôi”, “Phạm tội với Trời, không cách nào xoay chuyển được”. Mạnh Tử giảng biết Trời, kính Trời: “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã, tri kỳ tính, tắc tri thiên hĩ” (Tạm dịch: “Người nào hiểu rõ nội tâm bản thân, thì có thể hiểu được bản tính tiên thiên. Hiểu bản tính tiên thiên thì có thể hiểu được Trời”. Vạn vật thế gian chớp mắt biến hóa khôn lường, “Cao đường minh kính bi bạch phát, Triều như thanh ti mộ thành tuyết” (Tạm dịch: “Gương sáng nhà cao buồn bạc tóc, Sáng tóc còn xanh, chiều tựa tuyết”), chỉ có đạo Trời vĩnh hằng không thay đổi, hành vi của loài người cần phù hợp với đạo Trời, cần phải “Quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành” (Tạm dịch: “Xem Đạo Trời, hành động thuận theo Trời”), mới có thể chung sống hòa hợp với Tự nhiên đất trời, thiên hạ mới được thanh bình hạnh phúc và tồn tại lâu dài.
Cần phải chân chính làm được “Thiên nhân hợp nhất”, thông qua tu thân dưỡng đức, do đó đã hình thành nên truyền thống tu thân từ thời cổ đại ở Trung Quốc. Quân tử cần phải tu thân mỗi ngày, tự kiểm điểm những việc làm của bản thân có phù hợp với luật Trời hay không. Nếu không tu đức thì sẽ buông thả dục vọng, đánh mất phương hướng bản thân rồi sa ngã. Trong sách “Đại học” viết: Thánh nhân Thương Thang Vương có một cái khay dùng để tắm gội, trên đó có khắc dòng chữ: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”, nghĩa là thân thể con người, mỗi ngày đều sẽ nhiễm nhiều bụi bặm, cho nên mỗi ngày đều cần tắm gội. Cũng như thế, tinh thần cũng phải hàng ngày đều phải tắm rửa, thể hiện thái độ nhân sinh, tinh thần tự suy xét chính mình và nghiêm khắc kiềm chế bản thân của người quân tử. Tăng Tử nói: “Từ thiên tử cho đến thứ dân tất cả đều lấy việc tu thân làm gốc”, tu thân là hiểu Trời, kính Trời, là cách duy nhất để đạt tới cảnh giới cao quý và một tấm lòng bao la nhân ái.
Người ta nên noi theo tấm gương này của trời, học tập đức hạnh của Trời Đất: sự chân thật, cực kỳ công bằng và quang minh chính đại của Trời tràn ngập thế gian. Con người cần có tâm tư chân thành để tương thông với Đạo Trời, “Thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã” (Tạm dịch: “Hoàn toàn là Đạo của Trời; trở nên hoàn thiện: Đạo người xưa nay”). Làm người cần phải chân thành trong sáng, biết phân biệt đúng sai, dồi dào chính khí mới có thể dung hợp với Nghĩa và Đạo, đạt đến “Thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu” (Tạm dịch: “Hòa vào và cùng lưu chuyển với Thiên địa Càn Khôn”). Thiên thượng có đức hiếu sinh, lòng Trời là nhân từ nhất. Trong “Thi Kinh – Hạn lộc” đã mô tả sức sống hừng hực của vạn vật: “Diên phi lệ thiên, ngư dược vu uyên” (“Diều hâu bay cao tận trời, cá bơi nhảy dưới vực sâu”). Trời đất mãi mãi vận động không ngừng nghỉ, bao trùm tất cả, nuôi dưỡng vạn vật, giúp vạn vật cùng nhau sinh trưởng, bản thân lại không nhận lấy bất kỳ thứ gì cả. Trời đất chất phác, khiêm tốn, rộng rãi vô tư, đại đức chí thiện như thế là đạo lý nhân sinh mà con người cần phải noi theo. Cần phải học tập lòng nhân đức của Trời Đất, lòng dạ từ bi bao dung, ý chí kiên định hướng thiện, đúng như lời trong “Chu Dịch”: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức; địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật” (Tạm dịch: “Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng; Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”). Người nhân từ thương yêu con người, quý trọng sinh mệnh, bảo vệ người khác, quan tâm đến vạn vật trong vũ trụ, hy vọng vạn vật được phồn thịnh vui sướng. Quân tử xem việc chăm lo cho thiên hạ muôn dân là trách nhiệm của mình, dùng phẩm cách đứng đắn và nhân cách cao thượng mà cảm hóa người khác, cùng với người khác đi trên một con đường làm việc thiện, khiến cho tất cả đều hướng về chính đạo Luật Trời.
Cho nên từ cổ đại, người ta kính Trời kính Thần, an phận và hiểu Mệnh, tích đức làm việc thiện. Nho, Phật, Đạo đều nhắc nhở mọi người Tin vào Thần linh kính trọng Trời, theo Thiện tích Đức, biết cảm ân và báo đáp, mới có được hạnh phúc chân chính, mới có thể được Thiên thượng che chở cho mình. Truyền thống văn hóa kính Trời thể hiện ra ở nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người với Tự nhiên, con người với xã hội, giữa người với người. Mọi người đều tin tưởng chân lý thiện ác có báo ứng: người tích Đức trời ban vận may, kẻ tích Nghiệp trời giáng tai ương. Cho nên mọi người không ngừng sửa đổi bản thân, trở về với chính niệm, tích lũy tấm lòng chân thành nhất để cảm động tâm của Thiên thượng. Những thánh hiền quân tử đạo đức cao thượng, những người tu luyện am hiểu và thực hành chân lý, đều luôn thuận theo Ý Trời mà hành động. Sở dĩ họ siêu phàm xuất chúng là bởi vì họ dũng cảm gánh chịu sứ mạng và trách nhiệm bảo vệ Đạo Nghĩa, là bởi vì họ là cái chuông của chính khí trong cõi Đất Trời. Chính vì vậy từ xưa tới nay họ luôn được người đời kính trọng và ngưỡng mộ.
Tư tưởng kính trời trong “Kinh Thi”
“Kinh Thi” là tuyển tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc, được liệt vào danh sách những tác phẩm kinh điển của Nho gia. Tuyển tập đã thu thập 305 bài thơ từ thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, được chia thành ba phần Phong, Nhã, Tụng, đảm nhận trọng trách về lễ nghi và giáo hóa trong xã hội thời đó. Từ xưa đến nay, kinh điển Nho gia đều ghi chép đạo “tu thân – tề gia – trị quốc” luôn lấy tư tưởng kính trời làm gốc, giảng kính trời, thờ trời, sợ trời, phép trời. Trong “Kinh Thi” lại biểu hiện rất rõ về việc cổ nhân Trung Quốc luôn kính sợ và tín phụng “ông Trời”, “Thượng đế”, coi đó là hạnh phúc và sự chờ mong lớn nhất mà Thượng đế ban tặng cho con người.
Hầu hết các bài thơ trong “Kinh Thi” đều có kết cấu tứ ngôn (bốn chữ), kèm theo tạp ngôn (câu chữ dài ngắn khác nhau), về mặt ngôn ngữ đa phần sử dụng từ vựng song âm lặp vần, lặp chữ, nên vừa mang vẻ đẹp của thanh vận, lại miêu tả hình tượng một cách sinh động. Về mặt nghệ thuật, “Kinh Thi” coi trọng ngữ cảnh, coi trọng tính hàm xúc, theo đuổi phong cách đối xứng, cân bằng, hài hòa và đạt được âm điệu luyến láy, du dương, trầm bổng. Trong “Kinh Thi” nhiều lần nhắc tới Trời, Thượng đế, Thiên mệnh, cho rằng Trời là chúa tể cao nhất của vũ trụ, “chỉ duy hộ Đức”, thưởng thiện phạt ác, nắm vững chính nghĩa trong xã hội, là căn cứ thưởng phạt thiện ác tại nhân gian, là tiêu chuẩn cao nhất về giá trị quan nhân thế và niềm tin vào đạo đức tại thời Chu. Trong thơ có rất nhiều lời khẩn cầu, ngợi ca, cảm ơn, cầu phúc, kính sợ ông Trời, thể hiện tín ngưỡng và giá trị nhân văn Thiên nhân hợp nhất của người Chu. Nho gia coi trọng giáo hóa, dùng các hình thức mang tính hình tượng như thi – thư – lễ – nhạc khiến ý niệm đạo đức âm thầm ăn sâu vào lòng người. Do thơ nhạc hợp nhất khiến “Kinh Thi” dễ thuộc, dễ lưu truyền, đo đó “Kinh Thi” chiếm vị trí quan trọng trong ngôn ngữ đương thời, đến Khổng Tử cũng đã từng nói: “Vô học ‘Thi’, vô dĩ ngôn” “Nhập kỳ quốc, kỳ giáo khả tri dã. Kỳ vi nhân dã, ôn nhu đôn hậu, ‘Thi’ khả giáo dã” (“Không học ‘Kinh Thi’, không có gì để nói”; “Tới nước nào, xem cách nước đó giáo hóa con người là có thể biết. Con người dịu dàng, đôn hậu, ‘Kinh Thi’ có thể giáo dục, cảm hóa con người.”)
Trong “Tả Truyện” có nói: “Kính, Đức chi tụ dã. Năng kính tất hữu Đức” (Kính trọng, là nơi tụ hợp của Đức. Biết kính trọng ắt có Đức). Người Chu lấy kính Trời làm gốc, “Suy thiên đạo dĩ minh nhân sự” (Suy từ đạo trời là có thể hiểu rõ việc con người), “Pháp thiên tức sở dĩ sự thiên dã” (Phép trời đứng đầu cho nên phải thờ trời). Bài thơ Hoàng Hỹ trong Đại Nhã, “Kinh Thi” có viết: “Hoàng hĩ thiên đế, Lâm hạ hữu hách, Lâm quan tứ phương, Cầu dân chi mạc” nghĩa là thượng đế uy nghiêm anh minh giám sát thiên hạ, nắm giữ bốn phương, bảo hộ nhân dân bình an. Thiên ý luôn bảo hộ nhân dân, kính trời an dân là tư tưởng chính trị quan trọng của Trung Quốc cổ đại, “cứu dân chi mạc” là phải yêu dân. Tiếp đến nói rằng: “Đế vị văn vương, Mâu hoài minh đức, Bất đại thanh dĩ sắc, Bất trường hạ dĩ cách. Bất thức bất tri, Thuận đế chi tắc.” Nghĩa là “Thượng đế trịnh trọng nói với Văn Vương: Tôi nghĩ đạo đức tốt đẹp là không phóng túng thú vui nhục dục, không lạm dụng hình phạt, những việc không tường tận không được nói lời xem thường, phải phục tùng phép tắc của Thượng đế.” Đạo kính trời thực tế chính là nguyên lý “thuận theo ý trời”, tất cả các hành vi đều lấy ý trời làm chuẩn mực. Tiếp đến lại nói rằng: “Đế vị Văn Vương: Vô nhiên bạn viện, Vô nhiên hâm tiễn, Đản tiên đăng vu ngạn”. Nghĩa là “Thượng đế lại một lần nữa nói với Văn Vương: không phải nhìn trước ngó sau, không lưỡng lự, không dao động, không so sánh, ngưỡng mộ, cũng đừng ảo tưởng cuồng ngạo, mau bước thẳng tới bờ phía ta.” Văn Vương tu thân yêu dân, đức độ ngay chính, biết kính trọng trời xanh, các nước tứ phương đều quy phục, “Duy thử Văn Vương, Tiểu tâm dực dực. Chiêu sự thượng đế, Duật hoài đa phúc.” (Văn Vương gìn giữ điều đó, vô cùng cẩn thận, rất mực tôn thờ Thượng đế, lòng chứa phúc dày). Từ đó có thể thấy được đức tin của Văn Vương với Thượng đế chân thành như vậy.
“Dĩ Đức phối thiên” (Dùng Đức để thuận với trời) là tôn chỉ trong tư tưởng Đức trị của người Chu, chính là cái được gọi là: “Vương đạo chi tam cương, khả cầu vu thiên” (Tam cương của đạo làm Vua, có thể cầu tại trời). Người Chu lấy lễ trị quốc mà đặt định lễ chính từ Pháp mà ra, “Lễ dĩ thuận Thiên, Thiên chi đạo dã” (Lễ để thuận với trời, với đạo của trời vậy) là trật tự xã hội quy phạm và luân lý đạo đức mà người Chu đã đặt định được nền tảng. Chu Tụng trong “Kinh Thi” là bài hát chuyên dùng tế tự, cầu khấn, tán tụng Thần linh. Những người biết thuận theo lẽ trời được thờ phụng trong “Chu Tụng” là Văn Vương, Vũ Vương, sau đó là Thành Vương, Khang Vương, xa hơn nữa là Thái Vương, những vị tiên tổ này đều kính trọng tôn thờ Thượng đế, rất mực anh minh, đức độ, an dân, dùng Đức trị quốc.
Người Chu cho rằng Đức trị có hai phương diện, một là Đức văn (Văn hóa đạo đức), nội dung bao gồm chế độ chương khúc lễ nhạc, lễ nghi tế tự giao kết triều đình, quy phạm đạo đức, triển hiện được văn minh tinh thần của xã hội. Như câu “Minh minh thiên tử, Lệnh văn bất dĩ, Thỉ kỳ văn đức, Hiệp thử tứ quốc” (Vị thiên tử anh minh, tiếng lành không dứt, đạo đức văn hóa truyền khắp, hòa hợp các nước tứ phương) ca ngợi đạo đức, tấm lòng lương thiện đặc trưng của thiên tử Vũ Vương, khiến đạo đức, cái thiện lưu danh đời đời, Ngài lại trải văn hóa đạo đức khắp đất trời, hòa hợp các nước tứ phương. Chu Công thống lĩnh dân chúng tế tự Văn Vương, gọi là “Tế tế đa sĩ, Bỉnh văn chi Đức” (Đông đảo văn sĩ, giữ lấy văn hóa đạo đức). Thành Vương hồng truyền tán dương Thiện Đức, được người người kính yêu, được Trời phù trợ và ban phúc lành. “Giả lạc quân tử, Hiển hiển lệnh đức, Nghi dân nghi nhân, Thụ lộc vu thiên, Bảo hữu mệnh chi, Tự thiên thân chi” (Quân tử tự tại an lạc, rất mực quý Đức, hợp lòng dân, hợp lòng người, được hưởng lộc trời, mệnh được bảo hộ). Mặt khác còn có Đức giáo, tức là dùng đạo đức giáo dục, cảm hóa con người. Giáo dục đạo đức cần phải làm được “Ôn ôn kính nhân, Duy Đức chi căn. Kỳ duy triết nhân, Cáo chi thoại ngôn, Thuận Đức chi hành. Kỳ duy ngu nhân, Phục vị ngã toản, Dân các hữu tâm.” (Người ôn hòa, kính trọng người khác, lấy Đức làm gốc, nghe theo lời người đó, thuận theo Đức mà là bậc trí giả; ngược lại cho rằng người đó vì lợi ích cá nhân, nên sinh lòng khác là kẻ ngu muội.) Câu đó chỉ ra rằng người quân tử ôn hòa khiêm nhường tôn kính, lấy đạo đức làm căn bản. Những vị quân vương sáng suốt, có thể nghe lời can ngăn lương thiện và hành sự theo lý. Những vị quân vương ngu muội ngược lại cho rằng những người nói lời lương thiện với y chỉ nhằm củng cố cương vị bản thân, mà trong tâm lại có tham vọng khác.
Tư tưởng tôn kính Trời Đất, Thần Linh là từ tưởng xuyên suốt dòng sông dài lịch sử. Từ thứ dân cho đến Vua chúa đều lấy tư tưởng này chỉ đạo. Ngày nay dù thời đại đổi thay nhưng tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị. Con người thời nào cũng phải biết lấy tư tưởng này làm gốc. Bởi chỉ có vậy mới có thể trường tồn dưới sự bảo hộ và che chở của Thần.
Chân Tâm t/h
Tham khảo: Minh Huệ