spot_img
20 C
Vietnam
Thứ bảy,23 Tháng mười một
spot_img

“Con trai, cha chúc con bất hạnh và đau đớn” lời chúc lạ lùng nhưng khiến mọi người thán phục

Tân Thế Kỷ (TTK) – Sinh con ra, ai cũng muốn con mình trở thành người hạnh phúc, sống sung sướng, một đời bình an. Vậy can cớ gì mà người cha trong bài viết này lại không những chúc con bất hạnh, mà còn muốn con có thể bị đối xử bất công, xui xẻo và thất bại, nếm trải đau đớn cuộc sống. Vì sao vậy?

“Con trai, cha chúc con bất hạnh và đau đớn” – đây là một lời chúc trong bài phát biểu của một vị phụ huynh. Ông là John Roberts là thẩm phán cao nhất tại nước Mỹ. Tốt nghiệp đại học Harvard, ông hiện là Chánh án thứ 17 và là Chánh án đương nhiệm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Câu chuyện cụ thể như sau:

Ngày 3/7/2017, tại Mỹ, Chánh án trẻ tuổi John Roberts đã được mời phát biểu trong lễ tốt nghiệp của trường trung học Cardigan Hill. Nhưng không phải với tư cách một thẩm phán mà là tư cách một người cha. Vì Jack – con trai 16 tuổi của ông đang theo học tại đây và năm nay sẽ tốt nghiệp.

Untitled 2 1
Ông John Roberts phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của con. Ảnh: For Every Mom

Hầu hết các bậc phụ huynh ở Mỹ trong bài phát biểu tốt nghiệp tại nơi con mình học tập, họ sẽ nhắc các con phải biết ơn trường lớp, cảm ơn thầy cô và truyền cảm hứng cho các con đón chào một tương lai tươi đẹp.

Nhưng John Roberts lại làm điều ngược lại. Ông nói với toàn thể học sinh đang ngồi phía dưới rằng: “Ta rất tiếc khi phải nói với các con rằng, thời khắc hạnh phúc nhất thư giãn nhất của các con sắp trở thành dĩ vãng rồi…”.

Nghe đến đây, toàn thể học sinh im lặng. Những người khác thì nói “cuộc sống sau này sẽ tốt đẹp hơn và nhiều hi vọng hơn”. Song người đứng trước bục phát biểu hôm nay lại nói rằng “những ngày tốt đẹp sắp kết thúc”. Vậy là sao?

John Roberts lại tiếp tục phát biểu với những lời “khó nghe hơn”: “Ta hy vọng thỉnh thoảng các con nhận được một chút bất công vì chỉ bằng cách này, con mới có thể nhận ra giá trị của sự công bằng.

Ta muốn các con nếm trải sự phản bội một vài lần, chỉ khi đó con mới có thể nhận ra tầm quan trọng của sự chân thành.

Ta hy vọng các con thường xuyên cảm thấy cô đơn, chỉ bằng cách này, con mới có thể biết rằng bạn bè đối xử tốt với con không phải là điều hiển nhiên và họ không có trách nhiệm phải làm như vậy.

Ta hy vọng các con sẽ gặp xui xẻo một vài lần, chỉ bằng cách này, con mới có thể biết ý nghĩa của cơ hội và may mắn. Mình thành công có thể là do may mắn, người khác thất bại không phải vì họ đáng đời.

Ta hy vọng rằng khi các con thất bại, đối thủ của con có thể chế nhạo và hả hê trên nỗi đau khổ của con, chỉ khi đó con mới biết tầm quan trọng của việc cạnh tranh phong độ.

Ta muốn các con đôi khi bị khinh thường, chỉ khi đó con mới biết được tầm quan trọng của việc học cách tôn trọng và lắng nghe.

Những điều ta đã nói ở trên, sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra trong cuộc đời các con, các con có thể rút ra được bài học gì phụ thuộc vào việc các con có nghe hiểu những gì ta đang nói hay không.

Và nếu các con có thất bại, con đứng dậy và thử lại một lần nữa. Và nếu con lại thất bại, con hãy lại đứng dậy và thử lại lần nữa. Và nếu con có thất bại một lần nữa – đó có thể là lúc hãy suy nghĩ làm một việc gì khác.

Lời khuyên của ta là: Đừng hành động như thể mình ở cửa trên. Điều tồi tệ nhất xảy ra khi người ta chỉ nhớ đến các con là một chàng trai trẻ nào đấy, biết cười và nói xin chào. Hãy là người có giá trị đúng với những gì con nghĩ, không phải trên khía cạnh của một sự thành công vang dội vật chất. Mà đó là nhân cách con người.

Bố yêu con!

Ngay sau đó, bài phát biểu của ông được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng khen ngợi bài phát biểu này. Họ nói rằng, những đứa trẻ thực sự may mắn khi được nghe nội dung bài phát biểu này.

Những lưu ý dành cho các bậc phụ huynh khi dạy con

Những đứa trẻ sắp tốt nghiệp, 14 – 15 tuổi, đã bắt đầu có cách nhìn nhận của riêng mình về thế giới và cuộc sống. Những đứa trẻ đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, trước những bài học như vậy sẽ giúp chúng có cách đối mặt với cuộc sống, cân bằng tâm lý, ứng xử đúng đắn.

Đừng bao giờ coi con cái là trung tâm của thế giới

Điều này tăng khả năng chịu đựng của chúng. Thỉnh thoảng, cha mẹ phải học cách phớt lờ con cái. Họ không nên quá coi trọng con mình, xem con cái của mình là “trung tâm của vũ trụ”. Bởi khi trẻ vào trường học, bước vào xã hội, chúng sẽ phát hiện trên đời này không phải ai cũng thích mình. Thậm chí có rất nhiều người không thích tính cách, không công nhận khả năng của chúng. Lúc này, chúng phải có đủ sức chịu đựng để chấp nhận sự thật này.

Khi một đứa trẻ bị bạn bè lãng quên, đừng vội an ủi chúng

Chỉ khi một người nếm trải sự cô đơn, họ mới biết tầm quan trọng của bạn bè: Khi bạn thấy con mình ở một mình trong góc, trong khi các bạn của trẻ đang vui đùa ở phía bên kia, điều bạn phải làm là đừng ép trẻ tìm bạn, hoặc để bạn đưa trẻ đi chơi cùng. Thay vào đó, hãy để con bạn hiểu thế nào là cô đơn và cảm giác không có bạn bè sẽ như thế nào. Chỉ khi một người nếm trải sự cô đơn, họ mới biết tầm quan trọng của bạn bè.

Hãy để con bạn đôi lúc cảm thấy cuộc sống khó khăn

Vì khó khăn mới giúp chúng trở thành người có bản lĩnh: Cuộc đời còn muôn vàn khó khăn, khi con nói với bạn rằng “học khó lắm” hay “tập đàn khó lắm”, đừng lúc nào cũng nghĩ đến việc hãy để con khám phá niềm vui của việc học và vui vẻ học tập. Hãy để con biết rằng khó khăn là một điều không thể tránh khỏi. Trẻ con phải đi học, người lớn phải đi làm, ai cũng có nhiều việc không muốn nhưng phải làm, đây là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người trong cuộc đời.

Untitled 4 1
Tuy từ ngữ không mỹ miều, nhưng người cha này đã nói lên từ tận đáy lòng, mong muốn con mình học cách đối mặt với thế giới ngoài kia phức tạp với tâm thái cân bằng, ứng xử đúng đắn trước những gian nan gập ghềnh trong cuộc sống. – Ảnh: Kenh14.vn

Nói chung, khi đứa trẻ còn nhỏ, đừng ngại để đứa trẻ chịu vất vả, gặp khó khăn một chút, đứa trẻ chưa từng chịu khổ về sau sẽ càng khổ hơn bởi chúng không có đủ bản lĩnh để có thể đối mặt với xã hội.

Khi con gặp phải những điều đen tối trong xã hội, đừng tìm cách che mắt chúng

Mỗi bậc cha mẹ đều hy vọng con cái mình có môi trường sinh hoạt trong sáng và tốt đẹp, không phải đối diện với mặt xấu tối tăm của xã hội, nhưng liệu điều này có thể xảy ra?

Chúng ta luôn hy vọng con cái có sự thiện lương, lại càng hy vọng chúng có năng lực phân biệt thị phi đen trắng. Khi xã hội ngày càng biến động, những việc tốt càng vơi đi, việc xấu thì xuất hiện tràn lan, liệu con bạn có tránh được tất cả những điều xấu ảnh hưởng không? Điều cần làm là bạn nên dạy con cách đối diện chứ không phải là trốn tránh. Hãy cố gắng gieo vào trái tim bé nhỏ của con trẻ hạt giống của sự thiện lương. Có hạt giống ấy nảy mầm và tươi tốt, trẻ sẽ biết cách xử trí thế nào trước những rối ren.

Rất nhiều người sau khi nghe được những lời diễn thuyết này đã tỏ ra vô cùng đồng thuận. Những lời “khó nghe” này, chúng là những điều tinh túy nhất được chắt lọc lại từ một con người thông tuệ cả về mặt học thuật lẫn trải đời.

Tuy từ ngữ không mỹ miều, nhưng người cha này đã nói lên từ tận đáy lòng, mong muốn con mình học cách đối mặt với thế giới ngoài kia phức tạp với tâm thái cân bằng, ứng xử đúng đắn trước những gian nan gập ghềnh trong cuộc sống.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Sống đẹp

Banner Visaoconhanloai Footer 5 1920x466 2

Có 3 kiểu “ăn bám” mới của con cái, bề ngoài cứ tưởng hiếu thảo với cha mẹ

Khi người cha “không biết giao tiếp” dạy con trai trưởng thành qua những lá thư

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều