“Tần Vương phá trận nhạc” hay “Tần Vương phá trận vũ” là nhạc vũ cung đình nổi tiếng nhất của triều đại nhà Đường, cũng là một đại khúc có tầm ảnh hưởng to lớn. Ban đầu nhạc vũ này chỉ được dùng trong yến tiệc, nhưng sau đó “Tần Vương phá trận nhạc” còn được sử dụng trong những buổi tế lễ.
“Tần Vương phá trận nhạc” thuộc loại “võ vũ”, trái ngược với thể loại “văn vũ”. (Chú thích: vũ đạo phân thành “văn vũ” và “võ vũ”: dùng văn, thì là vũ đạo cung đình trong các dịp khánh lễ và đại yến do các vũ công múa; dùng võ, thì là võ thuật lúc đối đầu với kẻ địch ngoài chiến trường, khi mừng chiến thắng thì các binh sĩ múa võ biểu diễn).
Theo “Tùy Đường giai thoại” của Đường Lưu, “Cựu Đường thư – Âm nhạc chí”, “Thái Bình Quảng Ký” quyển 203 v.v.. có chép:
Năm 620, Tần Vương Lý Thế Dân dẹp tan được cuộc nổi loạn của Lưu Vũ Chu, cứu nguy cho nhà Đường, những binh sĩ ở Hà Đông (nay là Vĩnh Tế, Sơn Tây) ca hát và nhảy múa ăn mừng, binh sĩ viết lời mới cho những ca khúc có sẵn trong quân đội để mừng chiến thắng và ca tụng Lý Thế Dân:
“Thụ luật từ nguyên thủ, Tướng tướng thảo bạn thần, Hàm ca phá trận nhạc, Cộng thưởng thái bình nhân”;
“Tứ hải hoàng phong bị, thiên niên đức thủy thanh; nhung y cánh bất trước, kim nhật cáo công thành”;
“Chủ thánh khai xương lịch, thần trung phụng đại du; quân khán yển cách hậu, liền thị thái bình thu”;
Tạm dịch:
Lãnh mệnh từ Thiên tử, Đem quân phạt loạn thần, Đồng ca nhạc phá trận, thái bình khắp muôn dân;
Bốn phương ơn Hoàng đế, Thủy đức sáng ngàn năm, không còn mặc quân phục, hôm nay đại công thành;
Thánh chủ mở thịnh trị, trung thần theo Đại Đạo, Vua dẹp yên can qua, trời thu hưởng thái bình.
Tương truyền rằng, ngay lần đầu tiên nghe nhạc khúc này, Đường Thái Tông đã nói với các cận thần rằng:
“Trẫm xưa làm vua chư hầu, nhiều lần đi chinh phạt, trên thế gian còn có loại nhạc như thế này, há chẳng phải đưa vào nhã nhạc sao! Mặc dù khúc nhạc tinh thần phấn chấn, động tác oai phong, tuy khác với phong cách trang nhã, nhưng công lao sự nghiệp đều sử dụng nó, nên mới có ngày hôm nay, vì vậy mang viết thành chương nhạc, để không quên đi gốc gác”; “Trẫm tuy dùng vũ lực để có được thiên hạ, nhưng sau đó phải lấy văn đức để vỗ yên thiên hạ…”
Khí thế hùng hồn, cảm động thiên địa
Vào năm đầu thời Trinh Quán (năm 627), Đường Thái Tông đã ra lệnh cho Ngụy Trưng cùng những người khác sáng tác thêm 7 lời nhạc, lệnh cho Lữ Tài phổ âm luật, tạo thành khúc “Tần Vương phá trận nhạc”. Từ giai điệu ban đầu thêm vào âm điệu của Cưu Từ (một nước ở Tây Vực, Tân Cương ngày nay), vừa uyển chuyển vừa êm tai, nhưng vẫn vang dội có sức hiệu triệu lòng người. Cùng với nhạc đệm của ban nhạc cung đình, tiếng trống vang trời, truyền đến hơn trăm dặm, khí thế hùng hồn, cảm động thiên địa.
Vào ngày mồng ba tháng giêng năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627), đó là năm đầu tiên sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông Lý Thế Dân mở tiệc chiêu đãi quần thần và cho tấu đại khúc “Tần Vương phá trận nhạc”. Tương truyền rằng, nhạc vũ này đã khiến tất cả quần thần cảm động không thôi. Vào năm Trinh Quán thứ bảy (năm 633), Đường Thái Tông lệnh cho Ngụy Trưng, Ngu Thế Nam, Chử Lượng và Lý Bách Dược v.v. soạn lại ca từ. Đích thân Thái Tông vẽ ra bức tranh “Phá trận nhạc vũ đồ”, sau đó đổi tên là “Thất đức vũ”, rồi lệnh cho Lữ Tài dựa theo tranh dạy cho 120 nhạc công (có người nói là 128 nhạc công) mặc áo giáp, cầm kích để múa nhạc vũ này.
Theo tranh vẽ, bố cục của ban nhạc là: bên trái của đội múa xếp thành hình tròn, bên phải là hình vuông, phía trước mô phỏng một chiến xa, phía sau xếp thành đội hình; các vũ công mặc áo giáp bạc và trên tay cầm kích. Toàn bộ vũ khúc chia làm ba hồi, mỗi hồi lại chia thành bốn trận. Trước đây chủ yếu sử dụng động tác đâm, những người hát sẽ hát theo. Khi đội múa đang nhảy, âm nhạc trầm bổng, điệu nhảy mạnh mẽ, và tất cả những người xem “đều hăng hái nắn cổ tay, cảm thấy hào hùng chấn động”. Phàm là quan viên từ tam phẩm trở lên, hoặc là tù trưởng của các tộc man di mới có thể tham gia yến tiệc có vũ khúc này ở ngoài cổng Huyền Vũ. Trận khúc dùng trống lớn, tiếng trống vang xa trăm dặm, khí thế ngút trời. Sau đó, 2.000 kỵ binh xếp hàng tiến vào, khung cảnh vô càng hùng tráng (Theo “Thông điển” quyển 146, “Đường hội yếu” quyển 32).
Vang danh ở ngoại bang
“Tần Vương Phá Trận Nhạc” lúc bấy giờ cũng rất nổi tiếng ở các nước lân bang. Tương truyền rằng, khi cao tăng Huyền Trang của nhà Đường đến Ấn Độ, ông đã gặp vua Giới Nhật ở đất nước Kānyakubja. Khi đàm luận với pháp sư Huyền Trang, vua Giới Nhật đã nói về Hoàng đế Đường Thái Tông của nhà Đường và nhạc khúc “Tần Vương phá trận nhạc” với thái độ rất ngưỡng mộ: “Trẫm nghe nước Maha China (chỉ Trung Quốc) có vua Tần Vương, trẻ tuổi mà đã tinh thông, lớn lên rất thần võ; gặp buổi trên đời tán loạn, cõi đất chia xẻ nát tan, Tần Vương ra dẹp yên bờ cõi, phong thanh ra đến cõi khác phương xa, đâu cũng mộ pháp xưng thần, có đặt ra khúc “Tần Vương phá trận nhạc”, ta nghe tiếng đã lâu”.
Vua Kumara, vua của Vương quốc Kāmarūpa ở Ấn Độ, cũng rất quan tâm đến nhạc khúc “Tần Vương phá trận nhạc”, từng hỏi pháp sư Huyền Trang rằng: “Các nước xung quanh Ấn Độ hiện nay ca tụng khúc “Tần Vương phá trận nhạc”, tiếng thơm vang lâu này, không biết là của đất nước nào?”
Huyền Trang đáp: “Thưa, ca khúc này chính là của quân vương nhà Đường chúng thần”.
Vua lại nói: “Không ngờ lại là sản phẩm của đất nước các khanh, xưa nay trẫm ngưỡng mộ sông núi phương Đông, sơn xuyên đại đạo đã lâu, nay đúng là được mở mang tầm mắt”.
Lễ tế truyền thống thời nhà Đường
Từ năm Nghĩa Phong thứ ba, vào thời kỳ trị vị của Đường Cao Tông Lý Trị (năm 678 sau Công Nguyên), nhạc vũ “Tần Vương phá trận nhạc” thường được biểu diễn trong cung. Sau đó Cao Tông Lý Trị đổi tên từ “Tần Vương phá trận nhạc” thành “Thần công phá trận nhạc”, đổi từ đội hình múa 120 người thành đội hình 64 người, nhưng tăng thêm đội tấu nhạc đệm, nhạc khí như sáo, tiêu, v.v..Ban đầu nhạc khúc được diễn tấu 52 lần, sau đó được chuyển thành chỉ diễn tấu 2 lần. Đội hình múa vốn được xếp để thể hiện cảnh chiến đấu, sau đó được đổi thành đội hình cho nghi thức lễ tế. Từ đó, “Tần vương phá trận nhạc” trở thành tiết mục trong lễ tế truyền thống của nhà Đường.
Đến thời kỳ Đường Huyền Tông, Lý Long Cơ lại mang “Tần Vương phá trận nhạc” đổi thành “Tiểu phá trận nhạc”, đầu tiên nhập vào trong “Cửu bộ nhạc”, “Thập bộ nhạc”, sau đó lại mang “Cửu bộ nhạc”, “Thập bộ nhạc” đổi thành “Lập bộ kỹ” và “Tọa bộ kỹ”. “Tiểu phá trận nhạc” so với bản cải biên của Cao Tông Lý Trị thì quy mô nhỏ hơn rất nhiều. “Cựu Đường thư. Âm nhạc chí” viết: “Phá trận nhạc, do Huyền Tông tạo ra sinh ra từ Lập bộ kỹ. Phá trận nhạc, có 4 người mặc áo giáp múa”. Sau đó Huyền Tông Lý Long Cơ lại mở rộng “Phá trận nhạc”, chuyển thành một nhạc vũ vô cùng to lớn, so với bản 120 người múa ở thời kỳ của Thái Tông Lý Thế Dân thì còn lớn hơn mấy lần.
“Phá trận nhạc” từ thời đầu cho đến cuối thời nhà Đường, giữ gìn truyền thống gần 300 năm. Trong hang thứ 217 của hang Mạc Cao Đôn Hoàng có bức tranh tường vào cuối thời nhà Đường “Phá trận nhạc đồ” (có người nói là “Duyệt binh đồ”, “Tần Vương phá trận đồ”), không chỉ là một nhạc vũ thường dùng trong những nghi thức lễ tế và những buổi lễ long trọng, mà còn trở thành một nhạc vũ để tiếp đón khách quý. Theo “Tân Đường Thư. Thổ Phồn liệt truyện hạ” có chép, năm thứ hai thời kỳ Trường Khánh, Đường Mục Tông thì nhạc vũ “Tần Vương phá trận nhạc” đã tồn tại 195 năm, nhà Đường và Thổ Phồn liên minh. Lúc sứ thần nhà Đường đến Thổ Phồn tham gia lễ liên minh, Thổ Phồn đã dùng bản “Nhạc tấu “Tần Vương phá trận nhạc”” để chiêu đãi yến tiệc, thể hiện sự long trọng của buổi lễ.
“Tần Vương phá trận nhạc” đã thể hiện chân thực những thành tựu văn hóa, giáo dục, võ thuật của thời Đại Đường Thịnh trị, là một bản nhạc vũ kinh điển nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Đoàn Nghệ thuật Shen Yun biểu diễn vở vũ đạo “Đường trận”, miêu tả một phần khí thế hào hùng của “Phá trận nhạc”.
Theo Dung Hân – Epochtimes
Đức Nhân (NTDVN) biên dịch