Nhu cầu được thúc đẩy do các nước châu Á có truyền thống uống trà đang ngày càng ưa chuộng cà phê và thực trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vụ mùa thu hoạch là những nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng cao.
Theo báo DW, trong gần 4 thế kỷ, người Đức đã uống cà phê. Thức uống này trở nên phổ biến hơn vào thế kỷ 19 khi mức tiêu thụ trải rộng trên mọi tầng lớp xã hội. Cà phê đã ăn sâu vào văn hóa Đức, dẫn đến nhiều truyền thống và nghi lễ cà phê khác nhau, chẳng hạn như Kaffee und Kuchen – cà phê và bánh ngọt – vào buổi chiều.
Sau Thế chiến thứ hai, những hạt cà phê thậm chí còn là mặt hàng ưa thích của những kẻ buôn lậu từ nước láng giềng Hà Lan vì hoạt động buôn bán cà phê của Đức phần lớn đã sụp đổ sau sự kết thúc của Hitler.
Phải đến kỳ tích kinh tế thời hậu chiến vào những năm 1950, người Đức mới có thể giải tỏa cơn khát cà phê của mình một lần nữa.
Giờ đây, hơn 70 năm sau tình trạng khan hiếm cà phê do chiến tranh ở Đức, giá cà phê bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu lại một lần nữa tăng đáng kể. Tchibo, nhà bán lẻ cà phê hàng đầu của Đức, cho biết giá cà phê không chỉ tăng mạnh ở Đức mà trên toàn cầu.
Đầu tháng 5, công ty có trụ sở tại Hamburg này tuyên bố sẽ phải điều chỉnh giá cà phê rang. Thông cáo báo chí của Tchibo nêu rõ: “Trong năm qua, nhiều chi phí đã tiếp tục tăng, bao gồm cả chi phí cà phê thô. Để tiếp tục cung cấp cho khách hàng chất lượng thông thường, chúng tôi phải hành động ngay bây giờ”.
GEPA, nhà nhập khẩu thực phẩm thương mại công bằng lớn nhất châu Âu, cho biết họ hiện đang phải đối mặt với tình huống khó khăn về kinh tế, đồng thời chỉ ra giá cà phê thô và ca cao thô cũng như những tác động tiêu cực của cuộc chiến Ukraine đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến doanh thu của họ sụt giảm.
Andrea Fütterer, người đứng đầu Chính sách và Vận động tại GEPA, đặc biệt lo ngại về sự biến động mạnh mẽ hiện nay của giá thị trường và cho rằng do độc canh cà phê phổ biến khiến các đồn điền dễ bị hạn hán hoặc gặp lượng mưa quá mức vì biến đổi khí hậu.
Mặt khác, nông dân trồng cà phê ở các nước đang phát triển cũng ngày càng cảm nhận được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Fairtrade International, một tổ chức bảo trợ đại diện cho nông dân và hợp tác xã ở các nước sản xuất, nói với DW rằng điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Nam Mỹ, hiện đang làm đảo lộn sự cân bằng mong manh giữa cung và cầu và đang đẩy giá cà phê lên cao.
Fairtrade International cho biết: “Hạn hán kéo dài ở Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta, đã làm vụ mùa hư hại. Trong khi đó, Brazil, nguồn cung cấp cà phê Arabica, phải hứng chịu mưa lớn ảnh hưởng đến vụ thu hoạch”. Chínhnhững bất ổn về khí hậu, sự gián đoạn trong các tuyến thương mại quốc tế và tính chất đầu cơ đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo trên thị trường cà phê.
Bất chấp kỳ vọng về một vụ thu hoạch bội thu ở Brazil, nhiều nhà quan sát dự đoán giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trên thị trường toàn cầu. Steffen Schwarz – chủ một công ty rang cà phê ở Đức tin rằng sức ép về giá cũng sẽ đến từ tình trạng thiếu lao động thời vụ trên các đồn điền cà phê và mức tiêu thụ ngày càng tăng ở chính các nước đang phát triển.
Trả lời tạp chí Spiegel của Đức gần đây, ông cho rằng: “Chúng ta đang chứng kiến sản lượng thấp hơn, thiếu hụt lao động, đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng. Uống cà phê đã trở thành một xu hướng lối sống vượt ra ngoài văn hóa pha cà phê phổ biến của Mỹ và châu Âu”.
Theo Steffen, ngày càng nhiều người châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Hàn Quốc, yêu thích cà phê, khiến nhu cầu và giá cả toàn cầu tiếp tục tăng.
Theo Bảo Hà (Báo Tin Tức)
Xem thêm:
Giá cà phê Robusta vượt Arabica, chuyện chưa từng có trong hơn 50 năm
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*