Tân Thế Kỷ – Nước xuất hiện quanh ta như phần tất yếu, là nguồn sống không thể thiếu. Từ xưa đến nay các bậc trí giả đều coi trọng phẩm chất của nước, mềm mại, nhu hoà nhưng tinh tế, biến hoá linh động nhưng bao dung hết thảy.
Đạo của nước theo tư tưởng của Lão Tử
Tư tưởng của Lão Tử là thuận theo tự nhiên, sử dụng cái nhu hòa khéo léo để xử thế, cũng giống như nước vậy, luôn yếu mềm mà vẫn có thể làm mòn đá núi.
Dòng chảy lưu động, biến hóa không ngừng của nước đã khơi dậy cảm hứng tâm linh của nhà hiền triết, trở thành nơi để ông gửi gắm tâm tư và sự tỉnh thức của mình. Trí tuệ và tư tưởng triết học của Lão Tử có sự liên hệ rất lớn với nước trong tự nhiên, chúng ta còn có thể gọi nó là sự thức tỉnh của “thủy tính”.
Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.” Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ.” Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh.
Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.
Lão Tử chủ trương: “Người thiện, thì ta thiện; người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là thiện”. Trong mọi việc con người đều lưu giữ thiện tâm, lấy thiện đãi người, dù có chịu thiệt thòi trước mắt thì cũng không mất đi tín niệm trong lòng, như vậy sẽ được người yêu mến, được trời đất phù trợ, chính là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Lão Tử đã đúc kết khái quát nguyên tắc xử thế của ông như sau: “Ta cầm giữ ba bảo vật; một là từ ái, hai là tiết kiệm, ba là không tranh với thiên hạ.” Theo ông, con đường đời của chúng ta gian nan gập ghềnh, thế sự khó mà dự liệu, nhưng một người chỉ cần giữ được “thủy tính” thì sẽ có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng, hiểu được cái đẹp và lạc quan trong cuộc sống.
Đạo của nước dung dưỡng sự sống
Hành tinh của chúng ta là một sự nhiệm màu tuyệt diệu của Tạo Hoá. Bởi ở đó có nước dung dưỡng sự sống muôn loài. ¾ diện tích bề mặt trên quả địa cầu này là nước; nước tạo nên sự đa dạng sinh thái tự nhiên. Trong cơ thể con người, ¾ trọng lượng cơ thể là nước.
Nước là thành phần chính của máu, đưa các dưỡng chất đi khắp cơ thể. Nước có trong các bộ phận cơ khoẻ mạnh rắn chắc nhất, cho đến trong dịch não tuỷ, nơi chứa trí khôn của con người.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại bao nền văn minh lớn vẫn luôn gắn liền với những dòng sông lớn; mang đầy ắp phù sa cho mùa màng tươi tốt. Cho hàng trăm loại thuỷ sản, tôm cá sinh sống. Nhờ có sông hồ, biển cả mà con người cũng thuận tiện giao thương khắp châu lục. Con người ở nhiều nơi vẫn luôn biết tôn kính vị Thần Nước, Thần Sông, Thần Biển. Hàng năm vẫn thường tổ chức các lễ hội cầu an mong cho mưa thuận gió hoà.
Đạo khiêm nhường của nước
Bản tính của nước là tìm đến chỗ thấp và sự phẳng lặng, đây chính là lẽ trời tự nhiên. Nước chảy ngang qua rót đầy những hố sâu, chỗ trũng; gặp vật ngăn cách nước tự biết xoay chiều dòng chảy, nhưng vẫn luôn tiến lên không lùi.
Tỉ như sông và biển đều hình thành từ nước, thế nhưng tại sao sông lại chảy ra biển, biển đón lấy nước sông? Lão Tử cho rằng đó là bởi vì biển nằm ở phía dưới các con sông, “vì ở chỗ thấp, nên làm vua trăm thung lũng”. Từ điều này Lão Tử cho rằng người cầm quyền muốn quy phục lòng dân, thì nhất định phải chịu hạ mình, trước mặt người dân thì lời nói phải khiêm tốn, suy nghĩ trước sau, hay còn gọi là “chịu ở nơi thấp”, “chịu lánh phía sau”, từ đó mà khiến cho “thiên hạ vui vẻ mà không phiền lòng”, tạo thành cục diện bình ổn trăm sông ra biển, vạn dân nghe theo. Lão Tử nói, “hạ mình để cho vừa lòng dân”, lý lẽ này về bản chất là giống với phong thái của ông.
Nước ở trạng thái đám mây nơi cao nhất trên bầu trời, nhưng dòng nước cũng chẳng ngại rơi xuống những nơi góc cùng ngõ tận, hôi bùn, thấp kém cho đến các thành thị; nước len lỏi mọi ngóc ngách đem đến sự sống muôn nơi.
Lão Tử nói rằng: “Mọi người ở trên cao riêng nước ở dưới thấp, mọi người ở chỗ dễ chịu riêng nước ở chỗ hiểm trở, mọi người ở chỗ sạch sẽ riêng nước ở chỗ dơ bẩn, chỗ nước ở là chỗ mà mọi người ghét thì ai còn tranh giành với nước được đây“… Kim vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm mại mà vẹn toàn.
Đạo của nước vô ngã, bao dung
Nước trong vắt nên sáng soi được vạn vật. Khi chưa tạo ra gương, con người và muôn loài vật đã biết soi mình dưới đáy nước. Mặt nước phẳng lặng thì chỉ cần một hạt cát bay, một chiếc lá rụng, một cánh bướm đập mạnh, … cũng đủ tạo nên những gợn sóng.
Sự dơ bẩn nào cũng đều cần dùng nước để được gột rửa. Người sâu sắc học cách tu tâm tĩnh lặng như nước mới có thể thấy được lòng người, thấu hiểu cuộc đời. Khi tâm tính một người đạt đến mức bình lặng hoàn toàn như mặt nước; cũng có thể nói là đã đạt tới cảnh giới của đạo. Đã có tấm lòng bao dung, từ bi với vạn vật trên đời.
Đạo của nước thuận theo tự nhiên
Khác với sự cứng nhắc và bị bào mòn của vật chất, nước luôn tuần hoàn mãi theo thời gian. Khi bị tụ lại trong những nơi ao tù, hố trũng; nước vẫn bốc hơi về lại với Trời cao để hoàn sinh.
Từng giọt nước nhỏ đơn lẻ không có bản sự gì to tát, nhưng nước biết kết tinh thành giọt, tạo nên sức mạnh to lớn. Nước biết tự bốc hơi và hội tụ lại dưới hình thái của những đám mây to. Rồi tạo thành hạt mà mưa rơi xuống, hình thành nên những dòng chẩy nhỏ như con suối, dòng sông, biển lớn.
Cứ vậy mà qua hàng năm, nước vẫn mãi miết tuần hoàn theo quy luật tự nhiên. Con người biết tận dụng quy luật của nước mà tạo nên những đập thuỷ điện, tạo ra những cỗ máy hơi nước phục vụ cho cuộc sống.
Người trí tuệ học đạo của nước cũng đủ để tu dưỡng chính mình.
Đạo của nước linh hoạt, bền bỉ
Nước dễ thích ứng với nhiều hình thái vật chất từ thể rắn, lỏng, khí mà hữu ích với muôn sự sống. Nước là tấm gương của tâm hồn, nó có muôn vàng khuôn mặt khác nhau.
Nước khi bình thường vẫn rất yếu mềm, nhưng tính bền bỉ của nước có thể làm mòn sỏi đá bởi dòng chảy. Thế gian không gì mềm mại bằng nước, nhưng cũng không có thứ vật chất gì có sức công phá mạnh hơn nước.
Những lúc biển cả nổi giận cuồn cuộn, tạo ra những cơn sóng thần cuốn bay tất cả vào nó. Thế mới thấy con người đứng trước thiên nhiên thật nhỏ bé đến đáng thương. Nước có nhiều điều nữa mà vẫn chưa khám phá hết. Đạo của nước, Lão Tử có giảng nói nhiều điều nước thật sâu sắc, hàm ý sâu xa,…
Lối sống thanh sạch, tâm tính chất phác, tinh thần hướng thiện, giữa trăm ngàn cách chúng ta sẽ chọn được cách thiện như “đạo của nước”.
Nghi Vân (t.h)
Nguồn VĐH, KHTL
Xem thêm:
Trời xanh có mắt: Mọi việc lớn nhỏ trong đời đều đã có an bài
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*