spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

Dạy con phải bắt đầu từ đâu?

Tân Thế KỷĐối với nhiều ông bố bà mẹ hiện đại, thì con cái là một điều vô cùng quý giá nhưng lại rất khó kiểm soát. Có rất nhiều thứ hấp dẫn đang cuốn con cái của họ đi: Điện thoại, máy tính, trào lưu giới trẻ, thần tượng âm nhạc,…

Họ lúng túng trong việc giáo dục chính con của mình, nên “làm bạn với con” hay dạy con biết “tôn ti trật tự, kính trọng lễ phép, vâng lời người lớn”? Nên bình tĩnh nói chuyện và khuyên nhủ từ từ hay áp dụng “chế tài” khi con phạm sai lầm? Trong xã hội lại xuất hiện rất nhiều quan niệm khác nhau, từ yêu cầu cha mẹ tôn trọng tự do của con cái, khuyên cha mẹ nghiên cứu tâm lí hành vi của trẻ, đến các điều luật bảo vệ quyền lợi trẻ em… tất cả khiến cho các bậc cha mẹ bối rối, đôi khi bất lực trong việc dạy con mình. Các thầy cô giáo đương nhiên cũng đối mặt với tình huống khó khăn tương tự, khi trẻ em ngày càng khó dạy và không còn kính sợ thầy nữa.

Tại sao cha mẹ la hét lại không hiệu quả trong việc dạy con cái? - Ảnh 1.
Cha mẹ ngày nay rất khó tìm được một phương pháp dạy con tốt (Ảnh minh họa)

Nhìn lại quá khứ, dường như giáo dục con cái trước kia không phức tạp đến thế. Trẻ em trong quá khứ có vẻ nghe lời hơn, sợ người lớn hơn. Có những vị đã làm quan lớn rồi, mà bị mẹ mắng vẫn toát mồ hôi hột. Chúng ta cùng xem lời dạy con của mẹ tể tướng Điền Tắc nước Tề thời Xuân Thu, khi bà phát hiện Điền Tắc nhận hối lộ và mang về tặng hết cho mẹ:

Con trai nghe này, con nhận hối lộ của cấp dưới, đó là bất thành bất nghĩa, bất trung bất hiếu! Ta nghe nói rằng kẻ sĩ nghiêm khắc tu sửa bản thân, giữ mình trong sạch, không nhận của cải tùy tiện; chính trực thẳng thắn, không làm việc giả dối. Việc bất nghĩa không chứa trong tâm, của cải bất nhân không nhận vào nhà, lời nói và việc làm như một, nội tâm thế nào biểu hiện ra ngoài sẽ như thế. Con nhận hối lộ, vì để cho người ta thoát khỏi bị trách tội, nhưng lại làm hại đến quốc pháp, đây là hành vi không trung thực cũng là đánh mất đi lễ nghĩa! Ngày nay quân vương để con làm tướng quốc nước Tề, hưởng thụ bổng lộc hậu hĩnh, nhưng mà ngôn hành của con có thể báo đáp sự tin tưởng và ân tình của quân vương không? Làm trọng thần của đất nước, ở đâu làm gì cũng cần phải làm gương cho các quan khác, việc của quân vương như việc của cha, cần phải tận tâm hết khả năng, trung tín không lừa dối, coi việc trung thành đến chết là nghĩa vụ bản thân, chấp hành mệnh lệnh của quân vương và pháp luật quốc gia, cần phải công chính liêm khiết, như thế sẽ không có tai họa nào xảy đến. Nhưng mà hiện tại con rời quá xa trung nghĩa rồi. Làm thần tử mà bất trung, chẳng khác nào làm một đứa con bất hiếu, lấy danh nghĩa mẹ mà nhận của cải bất nghĩa của người, thực tế là làm việc bất nghĩa mà hãm hại đến người thân. Cho nên con vừa không phải bậc trung thần, vừa không phải một đứa con có hiếu! Đứa con bất hiếu này, không phải con của ta, lập tức hãy cút khỏi cái nhà này!”

Đằng sau sự thành danh của các bậc vĩ nhân thời xưa: Tất cả đều có những bà mẹ tuyệt vời, biết nuôi dạy con đúng cách - Ảnh 3.
Điền Tắc cúi đầu nghe lời mẹ dạy (Ảnh Afamily)

Những người đã làm cha mẹ chắc hẳn sẽ cảm động khi đọc những dòng này, vì đằng sau những lời trách cứ nặng nề là tấm lòng yêu thương con sâu sắc. Bà mắng con, cũng là đang dạy con; bà đuổi con ra khỏi nhà, cũng là một lần cảnh cáo: nếu con không giữ được đạo đức thì không phải là con của mẹ.

Điền Tắc đã là tể tướng, vì sao ông còn “yếu đuối” và sợ mẹ đến như thế? Nhìn lại những đứa trẻ ngày nay, có khi mẹ nói một câu con cãi đến hai câu, nếu đứa con biết được mình có lí thì sẽ tranh luận cho đến cùng. Sự khác biệt ở đây chính là nằm ở hai chữ “đạo đức”.

Hiếu thảo là điều thể hiện rõ nhất đạo đức của một người. Khổng Tử có câu “Hiếu là cái gốc của đức. Giáo hoá đức hạnh đều do hiếu sinh ra”. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, cho dù một người có tỏ ra tốt đẹp đến đâu, nếu trong gia đình anh ta không phải người con có hiếu, tức là trong hoàn cảnh sống đầu tiên, trong các mối quan hệ thân thiết nhất, anh ta không thể cư xử tốt, thì những gì sau đó đều là giả. Tốt với bạn bè là giả, khiêm tốn với cấp trên cũng có thể là giả, vì không đối tốt được với cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng mình thì chữ Thiện trong tâm người đó đã lu mờ rồi.

Người xưa quan niệm con hư phải dạy, song phương châm "7 không trách" vẫn được cha mẹ hiện đại gật gù vì quá đúng - Ảnh 1.
Dạy con trẻ làm một người lương thiện chính là phương pháp để có được đứa con ngoan, một học sinh nghe lời và một công dân tốt cho xã hội. (Ảnh minh họa)

Những đứa con dù cho học cao hiểu rộng đến đâu, đi làm kiếm được bao nhiêu tiền, nếu không thể biết ơn, kính trọng và đối xử tốt với người thân của mình thì đạo đức của người đó đã kém khuyết rồi. Trong các mối quan hệ khác, sự kém khuyết này sớm muộn sẽ bộc lộ ra, sẽ mang đến hệ luỵ cho cuộc sống sau này của họ.

Vậy chúng ta đã thấy rõ một điều, đó là: Việc giáo dục nên bắt đầu từ ĐỨC. Dạy con trẻ làm một người lương thiện chính là phương pháp để có được đứa con ngoan, một học sinh nghe lời và một công dân tốt cho xã hội.

Làm được điều này có khó không? Đương nhiên không dễ, vì giáo dục là một quá trình lâu dài cần nhiều công sức và lòng kiên nhẫn, hơn nữa hoàn cảnh phức tạp xung quanh cũng khiến việc giáo dục trẻ gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, chúng ta có một may mắn rất lớn, đó là một xuất phát điểm tuyệt vời: Nhân chi sơ, tính bản thiện (Con người mới sinh ra, bản tính vốn lương thiện – trích Tam Tự Kinh). Khi cha mẹ, thầy cô không quên trách nhiệm của mình là giúp trẻ giữ được sự lương thiện ấy, thì mọi thứ sẽ trở nên thuận lợi hơn, con đường giáo dục cũng đã sáng rõ hơn.

Cũng trong Tam Tự Kinh, cổ nhân đã nhắc nhở cha mẹ, thầy cô cần ghi nhớ vai trò của mình:

Dưỡng bất giáo, phụ chi quá

Giáo bất nghiêm, sư chi đoạ.

Nghĩa là:

Nuôi con mà không dạy là lỗi của cha mẹ.

Dạy trò mà không nghiêm là do thầy thất trách.

Việc dạy con, dạy trò là sứ mệnh cao đẹp của cha mẹ, thầy cô. Dù sống trong thời đại nào, sứ mệnh ấy cũng cần được tôn trọng và bảo hộ. Như vậy mới có thể tạo nên những thế hệ sau đủ tài năng và phẩm đức. Theo đó đạo đức xã hội mới có thể duy trì, nhân loại mới có thể hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Hồng Ngọc

Hanhtrinh140x72

Xem thêm:

Lòng trung hiếu của Điêu Thuyền – một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc

Em bé 5 tuổi cứu mẹ và bản thân khỏi nguy hiểm gây bão mạng xã hội

Người mẹ hiền đức dạy con như thế nào?

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều