Để giải quyết bài toán ùn tắc trên cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây, các đơn vị chức năng đã thống nhất đề xuất về phương án phân luồng từ xa, cấm xe tải, xe đầu kéo lưu thông vào giờ cao điểm cuối tuần, lễ, Tết
Đại diện Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), cho biết đơn vị đã làm việc với Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E – đơn vị quản lý tuyến) và các đơn vị liên quan về việc thống nhất phương án phối hợp phân luồng giao thông từ xa khi xảy ra ùn tắc trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Thống nhất đề xuất nghiên cứu cấm xe tải, xe đầu kéo vào cao tốc theo giờ quy định
Qua cuộc họp, các bên đã thống nhất phương án phối hợp, tổ chức phân luồng giao thông khi xảy ra ùn tắc trên tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và nút giao Quốc lộ 51 với cao tốc như sau:
Khi có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, VEC E có trách nhiệm thông báo trên bảng VMS lắp trên tuyến và các phương tiện truyền thông; hướng dẫn và khuyến cáo các phương tiện không đi vào đường cao tốc, lựa chọn cung đường khác phù hợp; phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6 – C08) hướng dẫn phân luồng phương tiện từ xa, trên cơ sở phương án tổ chức giao thông được duyệt.
Các đơn vị cũng thống nhất đề xuất cấm xe tải lưu thông trên cao tốc vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ 6, 7 chiều TP HCM đi Long Thành. Vào ngày chủ nhật cấm lưu thông hướng từ Long Thành đi TP HCM (cấm theo giờ).
Tuy nhiên đây mới là đề xuất nghiên cứu của các đơn vị dự họp.
Hiện các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục lên phương án để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát để đảm bảo việc phân luồng có cơ sở khoa học.
Theo VEC E, tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã xảy ra 41 vụ va chạm, tai nạn, 109 vụ xe hư hỏng khu vực cầu Long Thành. Công tác cứu hộ, di dời phương tiện giải tỏa hiện trường gặp nhiều khó khăn do lưu lượng xe lưu thông mật độ cao.
Chờ “giải cứu” cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bằng phương án mở rộngDự án TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55km với quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Những năm qua, tuyến cao tốc này trở nên quá tải, không đủ sức “gánh” hàng ngàn xe cộ đi lại mỗi ngày. Thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã nghiên cứu và đề xuất phương án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dài 21,92km. Còn tại đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2, TP.HCM cũng đang lên phương án mở rộng đồng bộ với đoạn nêu trên. |
Xem thêm:
Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Hơn 100 bị cáo đối diện khung hình phạt tử hình
Từ 2026, trẻ em dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước xe ô tô
Sau 25 năm bị đàn áp, Pháp Luân Công vẫn trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*