Ga Sài Gòn được đề xuất quy hoạch lại với diện tích 6,85 ha, làm quảng trường, trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa đường sắt tốc độ cao, metro, buýt.
Nội dung này được nêu trong báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến ga đường sắt khu vực đầu mối TP HCM, được liên danh tư vấn gửi Cục Đường sắt lấy ý kiến thống nhất các bên liên quan. Việc này nhằm quy hoạch chi tiết mạng đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, sau khi quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt.
Ga Sài Gòn nằm trên địa bàn quận 3, thuộc trung tâm TP HCM. Nơi này rộng khoảng 6,14 ha, là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – TP HCM. Hiện, nhà ga này có cả tàu chở khách và hàng hóa.
Liên danh tư vấn đề xuất quy hoạch lại nhà ga với tổng diện tích khoảng 6,85 ha, gồm tổ hợp nhiều công trình như xây quảng trường bố trí cho ga metro, bến xe buýt, taxi, nơi đậu xe, nhằm phục vụ thu gom và chở khách, hàng hoá.
Theo định hướng này, ga Sài Gòn sẽ trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa các đoàn tàu, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tàu khách đường dài, tàu chạy nội vùng… Nơi này cũng là điểm kết nối và trung khách cho Metro số 2 của TP HCM.
Cùng với ga trung tâm Sài Gòn, khu vực xung quanh được đề xuất quy hoạch lại ba ga đầu mối khác. Trong đó, ga Bình Triệu (TP Thủ Đức), Tân Kiên (Bình Chánh) là nơi tập trung hành khách phía Bắc và Nam thành phố. Hai nhà ga này có các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe, liên kết các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội vùng và được tổ chức chạy tàu kiểu “con lắc” qua ga trung tâm Sài Gòn.
Ga còn lại là Thủ Thiêm (Thủ Đức) sẽ không tổ chức cho tàu khách Bắc – Nam mà là đầu mối của đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, đường sắt đô thị, cùng các loại hình giao thông công cộng khác. Nơi này dự kiến được xây dựng với diện tích hơn 17 ha.
Ngoài các nhà ga trên, tư vấn đề xuất quy hoạch ba ga hàng hóa chính ở khu vực TP HCM, gồm ga An Bình (Bình Dương), Trảng Bom (Đồng Nai) và Thạnh Đức (Long An). Ba nhà ga này sẽ là nơi lập các đoàn tàu hàng, trung chuyển hàng hoá cho cả vùng đi về các hướng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan tuần trước, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố đang nghiên cứu giải pháp để hoàn thiện mạng lưới metro đến năm 2035, trong đó tập trung làm các tuyến còn lại với tổng chiều dài khoảng 200 km. Do vậy, việc quy hoạch chi tiết tuyến, ga đường sắt quốc gia cần cập nhật, đồng bộ với các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.
Các phương án tư vấn đưa ra mới trong quá trình xin ý kiến về báo cáo đầu kỳ, nên lãnh đạo TP HCM đề nghị tiếp tục nghiên cứu, cập nhật thêm. Việc nghiên cứu cần tập trung vào các hình thức kết nối giữa ga đầu mối, xác định rõ đường sắt quốc gia hay đường sắt đô thị, hoặc khai thác lưỡng dụng…
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cũng cho rằng quy hoạch chi tiết cần đồng bộ giữa đường sắt quốc gia với hệ thống metro, các phương thức vận tải khác của từng địa phương. Đơn vị tư vấn cần rà soát, cập nhật thông tin cùng số liệu chính xác, làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch hạ tầng ở khu vực.
Hoàng Nam tổng hợp.
Niềm vui giản đơn tại vùng quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*