Chúng ta đang trải qua tình trạng lạm phát ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua khi giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sưởi ấm, giao thông và chỗ ở tăng vọt. Mặc dù có thể thấy điểm cao nhất của lạm phát, nhưng tác động của nó vẫn rất tiêu cực và ngày càng trở nên tồi tệ.
Lạm phát xảy ra từ đâu? Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nằm trong hai từ: đại dịch và chiến tranh.
Thời kỳ của câu chuyện lạm phát được kiểm soát và lãi suất thấp kéo dài đã kết thúc đột ngột sau khi dịch COVID-19 tấn công toàn cầu. Theo đó, các chính phủ và ngân hàng trung ương tiến hành các biện pháp phong tỏa, cho tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp và gia đình bằng hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ.
“Sợi dây” cứu sinh đó giúp người lao động không phải xếp hàng chờ trợ cấp, các doanh nghiệp không bị phá sản và giá nhà không bị sụt giảm. Nhưng nó tác động mạnh mẽ đến sự cân bằng giữa cung và cầu trên các thị trường.
Đến năm 2021, khi các biện pháp phong tỏa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cuộc suy thoái kinh tế kéo đến nhanh nhất trong vòng 80 năm qua thì tất cả số tiền hỗ trợ đó đã áp đảo hệ thống thương mại thế giới.
Các nhà máy ngừng hoạt động không thể tăng tốc đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các quy tắc an toàn với COVID gây ra tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực bán lẻ, vận tải và chăm sóc sức khỏe. Và sự bùng nổ phục hồi khiến giá năng lượng tăng đột biến.
Nếu điều đó vẫn chưa đủ, Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng 2 và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nhà xuất khẩu dầu khí lớn đã đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn.
Tại sao nó quan trọng?
Được biết đến như một loại “thuế đánh vào người nghèo” vì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người có thu nhập thấp. Lạm phát hai con số đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Trong khi những người tiêu dùng giàu có hơn có thể dựa vào khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, thì những người khác phải vật lộn để kiếm đủ sống và ngày càng nhiều người dựa vào các ngân hàng thực phẩm.
Khi mùa đông đang đến trên khắp bán cầu bắc, chi phí sinh hoạt sẽ bị thắt chặt vì các hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Nhiều nơi, các hoạt động đình công của người lao động trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến hàng không diễn ra liên tục. Họ yêu cầu lương phải được tăng theo tình trạng lạm phát.
Mối quan tâm về chi phí sinh hoạt đã tác động và chi phối chính trị của các quốc gia giàu có – trong một số trường hợp loại bỏ các ưu tiên khác, chẳng hạn như hành động chống biến đổi khí hậu.
Trong khi giá xăng gần đây đã giảm bớt phần nào áp lực, lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang mở rộng ngân sách của họ để chuyển hàng tỷ Euro vào các chương trình hỗ trợ.
Nhưng nếu mọi thứ trở nên khó khăn ở các nền kinh tế phát triển, thì giá lương thực tăng vọt đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và đau khổ ở các nước nghèo hơn, từ Haiti đến Sudan và Lebanon đến Sri Lanka.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính đã có thêm 70 triệu người trên toàn thế giới thiếu lương thực kể từ khi cuộc chiến Ukraine và Nga bắt đầu. Họ gọi nó là “cơn sóng thần của nạn đói”.
Nó có ý nghĩa gì trong năm 2023
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu tăng lãi suất mạnh nhằm chế ngự lạm phát. Đến cuối năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 4,7% – chỉ bằng một nửa mức hiện tại.
Mục đích là để có một cuộc “hạ cánh mềm” sao cho khi quá trình hạ nhiệt diễn ra sẽ không có sự sụp đổ của thị trường bất động sản, doanh nghiệp phá sản hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhưng một kịch bản tốt nhất như vậy đã được chứng minh là rất khó trong các cuộc “chạm trán” với lạm phát cao trong quá khứ.
Từ Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell đến Christine Lagarde của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đều đánh giá rằng, biện pháp tăng lãi suất được ví như viên thuốc có vị đắng. Ngoài ra, những rủi ro khác cũng có xu hướng tạo những bất ổn lớn như chiến tranh Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.
IMF nhận định: “Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái.”
Theo Reuter
Thảo My lược dịch