Tân Thế Kỷ – Trụ sở UBND thành phố ở số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 nơi còn được gọi với tên là Dinh Xã Tây mở cửa đón khách du lịch dịp 30/4 tới. Đây là lần đầu tiên công trình 111 tuổi này chính thức đón khách tham quan.
Nơi làm việc của chính quyền TP HCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis – Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.
Trụ sở làm việc của UBND TP. HCM còn gọi là Dinh Xã Tây
Thời Pháp, toà nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP HCM.
Khách tham quan muốn vào thăm Dinh Xã Tây phải đăng ký trước với Sở Du Lịch hoặc là đối tượng được nhận thư mời tham quan từ thành phố.
Tour tham quan tòa nhà này dự kiến sẽ được bắt đầu từ 8h đến 12h và từ 14h đến 17h trong ngày 29 và 30/4.
Du khách được xem một phần toà, gồm sảnh chính, phòng tiếp khách quốc tế ở tầng trệt, tầng hai, phòng họp số 5 và ban công.
Tại đây khách sẽ được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của tòa nhà, điểm nhấn kiến trúc, thiết kế nghệ thuật và công năng từng phòng.
Chương trình khách tham quan trụ sở UBND là một trong những hoạt động mà giới chức TP.HCM kỳ vọng góp phần xây dựng hình ảnh thành phố cởi mở, thân thiện. Được biết ý tưởng này đã có từ năm 2017.
Công trình trăm tuổi
Tòa nhà UBND TP. HCM là công trình kiến trúc đặc sắc 111 tuổi, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào 4/11/2022 sau 4 năm đề nghị.
Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ. UBND TP. HCM được giao quản lý nhà nước đối với di tích này theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo các nhà nghiên cứu tòa đô chánh Sài Gòn này lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng. Công trình thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao – kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại.
Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng, trang trí kiểu baroque và rococo, cửa sắt kiểu art – nouveau… 30 m mặt tiền có hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp (1870-1940) như tháp chuông, tràng hoa, huy hiệu… Các chi tiết trang trí mang độ tinh xảo cao.
Chính giữa mặt tiền là kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng người phụ nữ và 2 đứa bé đang chế ngự thú dữ, 2 bên cũng là 2 bức phù điêu hình người phụ nữ. Đây là 3 cụm điêu khắc mang phong cách cổ điển thường xuất hiện tại những tháp tòa thị chính của Pháp.
Sau này hai lầu chuông ở hai bên, mang phong cách pha trộn hai văn hóa Ý và Pháp thời Phục Hưng, được xây thêm vào và trang trí bằng hai bức đắp nổi. Phía trước công trình là bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn – nơi ban nhạc của hải quân Pháp thường trình diễn cho công chúng xem trong những dịp lễ trang trọng.
Vũ Nam tổng hợp.
Xem thêm:
Mỹ đột kích Syria tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của Nhà nước Hồi giáo IS
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*