Dữ liệu cá nhân của 66 triệu người Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Thống kê trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Công an gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi năm ngoái.
Hơn 2/3 dữ liệu cá nhân của dân số nước ta bị chia sẻ
Theo báo cáo, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Hiện, dân số nước ta là hơn 99 triệu người. Vì vậy, con số này tương đương với trên 66 triệu người đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân.
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.
Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc.
Chính thức cấm mua bán dữ liệu cá nhân
Chính phủ ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nghiêm cấm việc mua, bán dữ liệu này dưới mọi hình thức.
Theo Nghị định ban hành ngày 17/4, có hiệu lực từ 1/7 năm nay, dữ liệu cá nhân được bảo vệ, bảo mật và lưu trữ trong thời gian phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu. Chủ thể dữ liệu phải được biết về việc xử lý thông tin liên quan đến họ. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể bị kỷ luật, phạt hành chính hoặc hình sự.
Chính phủ nghiêm cấm xử lý dữ liệu cá nhân tạo thông tin chống Nhà nước; gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc lợi dụng bảo vệ dữ liệu cá nhân để phạm pháp.
Năm trường hợp sẽ được thu thập thông tin cá nhân mà không cần xin phép:
Đó là trong tình huống khẩn cấp, cần xử lý để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể hoặc người khác; công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với các cơ quan; phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại là cơ bản và nhạy cảm
Loại cơ bản gồm họ tên; ngày sinh; ngày chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại; quốc tịch; hình ảnh cá nhân; số điện thoại; số chứng minh hoặc định danh cá nhân, số hộ chiếu; giấy phép lái xe, biển số xe; mã số thuế cá nhân; số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tình trạng hôn nhân; mối quan hệ gia đình.
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gắn liền với quyền riêng tư, nếu bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của cá nhân, gồm: Quan điểm chính trị, tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong hồ sơ bệnh án; nguồn gốc chủng tộc, dân tộc; đặc điểm di truyền; đặc điểm sinh học riêng; đời sống và xu hướng tình dục; hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi cơ quan thực thi pháp luật; thông tin khách hàng của ngân hàng như định danh, tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, giao dịch; vị trí cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị.
Nam Vũ tổng hợp.
Xem thêm:
Cá thiếu Oxy, kênh Nhiêu Lộc lại bốc mùi, ngàn tỉ đồng có nguy cơ bốc hơi