Tân Thế Kỷ – Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này hôm 9/8 đã lên 648 USD một tấn. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2008. So với một tháng trước, giá đã tăng 20%. Giá gạo này được coi là tham chiếu trong khu vực châu Á.
Giá gạo châu Á lên cao nhất sau 15 năm
Theo Bloomberg, giá gạo tăng do lo ngại nguồn cung toàn cầu thiếu hụt. Thời tiết khô nóng đang đe dọa mùa màng ở Thái Lan, trong bối cảnh Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – tháng trước cấm bán một số loại gạo ra nước ngoài.
Cuối tháng 7, chỉ trong một tuần, lần lượt Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga thông báo cấm bán gạo ra nước ngoài. Ấn Độ dừng xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để hạ nhiệt giá trong nước và kiềm chế lạm phát.
UAE muốn đảm bảo nguồn cung trong nước sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Còn Nga cấm bán gạo ra nước ngoài đến cuối năm để bình ổn thị trường nội địa.
Trong khi đó, chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích người dân giảm trồng lúa để chuyển sang trồng các loại thực vật khác cần ít nước hơn. Nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang ghi nhận lượng mưa giảm sút trong bối cảnh thời tiết năm sau được dự báo khô hạn. Tổng lượng mưa tại miền Trung nước này hiện thấp hơn 40% mức bình thường.
Giá gạo tăng gây sức ép lên hàng tỷ người
Việc giá gạo châu Á cao nhất 15 năm làm dấy lên lo ngại chi phí lương thực sẽ ngày càng đắt đỏ với nhóm nghèo nhất thế giới.
Gạo hiện là nhu yếu phẩm với hàng tỷ người ở châu Á và châu Phi, đóng góp 60% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày cho người dân ở hai khu vực này. Thậm chí, ở một số quốc gia như Bangladesh, tỷ lệ này lên tới 70%.
Vì vậy, việc giá tăng gần đây sẽ gây thêm sức ép lên ngân sách của người dân châu Á, châu Phi, trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu vốn đang lao đao vì thời tiết khắc nghiệt và xung đột Nga – Ukraine.
“Giá gạo cao sẽ góp phần vào lạm phát giá lương thực, đặc biệt với các hộ gia đình nghèo ở những nước tiêu thụ gạo lớn tại châu Á. Các nước thường sẽ làm theo khi có một nước cấm xuất khẩu gạo. Thiệt hại lớn nhất sẽ là nhóm người nghèo trên thế giới”, Joseph Glauber – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (Washington, Mỹ) cho biết trên Bloomberg.
“Câu hỏi hiện tại là liệu giá có tăng dần đều hay không, để người tiêu dùng có thời gian thích ứng mà không hoảng loạn. Hay là giá sẽ vọt lên 1.000 USD một tấn hoặc cao hơn?”, ông cho biết. Timmer đã làm việc với nhiều chính phủ châu Á về phản ứng chính sách trong khủng hoảng lương thực 2008. Thời điểm đó, giá gạo tăng vượt 1.000 USD do lệnh cấm xuất khẩu của hàng loạt nước sản xuất lớn.
Hiện tại, phần lớn gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ tại châu Á. Nông dân ở khu vực này đang quay cuồng với nắng nóng và khô hạn. Tại Indonesia, nông dân tại các vùng trồng lúa hàng đầu cũng đang trồng ngô và cải bắp thay thế.
Nghi Vân (t.h)
Theo Bloomberg, VNE
VIDEO CHỌN LỌC
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*