spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,18 Tháng mười
spot_img

Giá sầu riêng, cà phê lên cao, cẩn trọng khi tăng diện tích cây trồng

Tân Thế KỷThời gian qua, do nhu cầu thị trường trong nước và thế giới vượt nguồn cung, cùng với việc thời tiết không thuận lợi đã đẩy giá các mặt hàng nông sản như sầu riêng, cà phê, lúa,… lên rất cao. Nhiều nhà vườn đã quyết định mở rộng diện tích cây trồng. Nhưng việc này có quá mạo hiểm khi đã có rất nhiều bài học thất bại từ trước.

Một điểm thu mua sầu riêng tại tỉnh Lâm Đồng.
Một địa điểm thu mua sầu riêng tại Lâm Đồng (Ảnh SGGP)

Đặc biệt, một số nơi người dân đã chặt bỏ cây trồng khác để chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng không theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn. Việc tăng trưởng “nóng” diện tích sầu riêng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như nguy cơ cung vượt cầu.

Theo các chuyên gia, nếu nông dân các địa phương cứ mở rộng diện tích cà phê, sầu riêng, việc cung vượt cầu không còn là nguy cơ mà chắc chắn sẽ xảy ra, lại tái hiện cảnh chặt sầu riêng để trồng cây khác như từng diễn ra với mít Thái, thanh long, cam sành, hồ tiêu…

Giá cà phê cao nhất sau 15 năm, người dân đua nhau tái canh và mở rộng diện tích trồng trọt

Sau nhiều năm khá ảm đạm, giá cà phê đột nhiên tăng liên tục trong suốt những tháng qua. Đỉnh điểm có lúc giá tăng gấp đôi từ 35.000 đ/kg lên hơn 70.000 đ/kg. Dù giá liên tục tăng, nhưng nguồn dự trữ trong dân không còn. Đây được xem là một trong những lý do khiến giá đẩy lên cao như vậy.

lecafe 01
Giá cà phê tăng cao nên nhiều người dân đẩy mạnh phát triển diện tích trồng mới và tái canh (Ảnh minh họa)

Cà phê được giá khiến người dân tranh thủ xuống giống, nhiều nhà vườn ở Tây Nguyên đã “cháy hàng”. Giá cây giống cũng tăng cao hơn.

Theo Thanh Niên, cây giống được bán tại tỉnh Gia Lai với giá “chát” nhất từ 8.000 – 9.000 đồng/cây. Trong khi đó, ở Lâm Đồng và Đắk Nông, Đắk Lắk, giá dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/cây. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vườn hiện đã bán hết cây.

Nông dân Đắk Lắk tái canh mạnh mẽ cây tỷ đô - Ảnh 4.
Tại các điểm bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người dân đến mua cà phê để tái canh khá nhiều. Ảnh: Dân Trí

Bà P, chủ một vườn cây giống trên địa bàn TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đak Nông cho biết: “Đầu mùa, tôi bán giá 3.000 đồng/cây, mới đây bán 3.500 đồng, hiện tại vườn đã sạch sẽ cây cà phê giống”. Bà P. thông tin thêm, vừa qua, cũng có trường hợp liên hệ với bà để hỏi mua 10.000 cây giống chở lên Gia Lai bán kiếm lời nhưng bà từ chối.

“Tôi dự đoán năm nay cà phê giống sẽ ‘hot’ nên giữ lại vườn, mục đích để dành bán cho bà con quanh khu vực. Hiện cũng có nhiều người liên hệ mua nhưng vườn đã hết cây khoảng 1 tuần nay”, bà P. tiết lộ.

Chủ vựa cây giống T.L (ở H.Lâm Hà, Lâm Đồng), cũng cho biết hiện cà phê giống quanh khu vực đã “sạch bóng”. “Vườn tôi bán cà phê thực sinh (ươm từ hạt – PV) với giá 5.000 đồng/cây; cà phê ghép giá 13.000 – 15.000 đồng/cây, nhưng hiện người dân đã mua hết rồi. Mấy nhà vườn gần đây cũng không ai còn”, chủ vườn cây giống này nói.

Chị Hoàng Nghĩa An (chủ vườn cây giống An Vân, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) thông tin, những ngày qua, nông dân đến mua giống cây cà phê rất nhiều. Nhiều hộ mua từ 500-600 cây giống với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ. Có thời điểm, cơ sở của chị bị “cháy hàng”.

Đến thời điểm này, cơ sở của chị đã bán hàng chục nghìn cây giống cà phê và nhu cầu mua giống cà phê của người dân đang tăng do mùa vụ trồng đang chính thức bắt đầu.

Sầu riêng được giá, diện tích canh tác mới cũng tăng

Trong những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá đứng ở mức cao, người trồng có lãi lớn dẫn đến quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh chóng, nhất là tại các vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Theo thống kê, giai đoạn 2015-2022, diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32 nghìn ha lên hơn 112,2 nghìn ha, bình quân tăng 10 nghìn ha/năm; năng suất sầu riêng tăng từ 14,7 đến 15,7 tấn/ha; sản lượng tăng từ 366 nghìn tấn lên hơn 863 nghìn tấn, bình quân tăng 62,1 nghìn tấn/năm.

Huyện Đạ Huoai được coi là thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng. Thời gian qua, loại cây này đã và đang góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và cuộc sống sung túc cho người nông dân, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã tạo thêm động lực cho người dân địa phương trong sản xuất loại cây trồng này.

Tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Long Thủy, huyện Bảo Lâm đã xây dựng và được cấp một mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và một mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo nhận định, với nhu cầu sản lượng xuất khẩu rất lớn như hiện nay, nếu so sánh với diện tích mã vùng trồng của công ty cũng như liên kết với nông dân thì không đủ để xuất khẩu.

Do đó, cùng với 150 ha đã ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tám hợp tác xã tại các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và đang xúc tiến để được cấp thêm mã số vùng trồng mới để đủ sản lượng xuất khẩu.

Nguy cơ phá vỡ sự ổn định của thị trường

Theo các doanh nghiệp (DN) thu mua sầu riêng, giá cả có lúc cao kỷ lục do vào mùa nghịch, sản lượng trái cho thu hoạch giảm. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán 2023, nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh, do thiếu hụt chuyến hàng xuất khẩu nên DN phải mua giá rất cao. Đây là hiện tượng tăng giá đột biến.

Theo giới chuyên gia, hiệu ứng từ việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau chính sách “Zero Covid” đã giúp xuất khẩu đều đặn, cùng với đó là hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động, đã tạo ra tác động tích cực đối với diễn biến giá của các loại trái cây của Việt Nam trong ngắn hạn.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng các nông dân, nhà vườn cần hết sức cẩn trọng với “bẫy” giá tăng đột biến như vậy. Dĩ nhiên, khi sốt giá thì nhà vườn nào không vui mừng, tạm gọi là “trúng mánh”. Tuy nhiên, nhìn vào giá cả biến động thất thường của sầu riêng hay thanh long sẽ thấy còn nhiều điều phải lo.

Như với sầu riêng, lo nhất là tình trạng phát triển “nóng”, “bùng nổ” về diện tích và sản lượng. Điều này đã được Bộ NN&PTNT lưu ý từ cuối năm 2022 là các địa phương cần khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích. Nhất là khi diện tích sầu riêng tăng từng ngày, nông dân đua nhau bỏ lúa trồng sầu riêng.

Việt Nam từng chứng kiến nhiều bài học đắt giá từ việc này. Ví dụ tình trạng rớt giá thảm hại như hiện tại của trái cam nội địa. Ghi nhận vào giữa tháng 2 này cho thấy, giá cam sành tại Tp.HCM chỉ dao động quanh mức từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá rẻ trong một năm trở lại đây. Còn nhớ, năm ngoái vẫn ở mức 25.000 – 30.000 đồng/kg đối với loại 1 (2- 5 quả/kg), cam hàng nhỏ cũng neo giá 13.000 – 14.000 đồng/kg.

vuon cam
Tại các điểm bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người dân đến mua cà phê để tái canh khá nhiều. Ảnh: TTO

Ngay như tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, giá cam sành cũng giảm đến 60%. Các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá cam tại vườn thấp kỷ lục, khi giá cam xô được thương lái mua tại vườn chỉ ở mức 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Hay như thị trường hồ tiêu năm 2015, giá tăng lên 200.000 đồng/kg nên người dân Đắk Lắk đổ xô vào tăng diện tích trồng tiêu và phá bỏ nhiều loại cây trồng khác như cao sư, cà phê,… Việc này đã phá vỡ quy hoạch của chính quyền địa phương, đồng thời việc người dân ồ ạt trồng tiêu không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu, bón phân hóa học với liều lượng cao mà ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu… Chính vì vậy, tình hình sâu bệnh hại trên cây tiêu đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại bộ rễ đã làm chết hàng loạt các vườn tiêu.

Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, việc gia tăng, tăng trưởng “nóng” về diện tích, sản lượng cây sầu riêng, cà phê có nguy cơ ảnh hưởng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại nông nghiệp của các địa phương. Nếu thời gian tới, thị trường tiêu thụ có biến động, khó khăn trong tiêu thụ, khi đó thu nhập của nông dân sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, tình trạng phát triển “nóng” về diện tích sầu riêng có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.

Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng, mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng như phục vụ thị trường trong nước.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, cần hết sức thận trọng với giá cả một số trái cây trong nước đang tăng đột biến, bất thường. Điều này rất cần các cơ quan quản lý khuyến cáo đến nông dân cần tỉnh táo để tránh tiếp tục rơi vào “vết xe đổ” hay “ngựa quen đường cũ”. Nhất là khi thấy vài loại trái cây được giá lại lao vào mở rộng diện tích, chăm chăm nhắm đến thị trường Trung Quốc, rồi khi đầu ra bất ổn, rớt giá thê thảm lại phải kêu “giải cứu”.

Nghi Vân 

BN 2 jpeg 4

Xem thêm:

Giá cà phê tăng cao, nguồn cung Việt Nam cạn kiệt

Sầu riêng Gai Đen trồng ở Việt Nam có giá gần 1 triệu đồng/kg

Vì sao “mì chính nhà giàu” từ chẳng ai thèm đến chỗ tranh nhau mua?

Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều