Việc giá vé máy bay tăng trở lại khiến không ít người phải thay đổi kế hoạch du lịch dịp hè này. Không ít hành khách “ngã ngửa” khi giá vé máy bay một số chặng tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần.
Bất ngờ vì giá vé máy bay tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần
Chị Khánh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, giữa tháng 8, chị cùng gia đình dự định du lịch Đà Nẵng nhân dịp con trai nhận kết quả thi với điểm số cao. Cuối tháng 6, chị đã kiểm tra vé máy bay và thấy giá vé khứ hồi cho chặng này khoảng 2,8-3,2 triệu đồng, nhưng chỉ sau mấy ngày, giá đã lên tới hơn 4 triệu đồng.
Với việc mua trước chuyến đi cả 3 tuần, chị Huyền cho rằng mức giá này “khó mà chấp nhận”. Năm 2022, gia đình chị từng bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng và giá vé máy bay khứ hồi chỉ vào khoảng hơn 2 triệu đồng/người, không phải bay giờ xấu.
Năm nay, với gia đình 6 người lớn, chi phí cho vé máy bay đã khoảng 25 triệu đồng. Chị Huyền ước tính cộng thêm chi phí ăn uống, khách sạn, đi lại thì tổng số tiền bỏ ra có thể lên tới 50 triệu đồng. “Mức giá vé như này thì quá đắt. Tiền vé máy bay hiện chiếm tới nửa chi phí chuyến đi. Chắc gia đình tôi sẽ cân nhắc chọn các phương tiện rẻ hơn như ô tô, tàu hỏa hoặc chuyển sang các địa điểm gần hơn”, chị nói.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí ngày 19/7, giá vé máy bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch “nóng” như Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Phú Quốc đều tăng mạnh trở lại. Thời điểm trước tháng 7, giá vé khứ hồi các chặng này dao động từ 2,5-6 triệu đồng đã bao gồm thuế phí. Tuy nhiên, hiện các chặng này giá vé tăng thêm từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.
Cụ thể, chặng bay Hà Nội – Phú Quốc từ nay đến cuối tháng 8, giá vé khứ hồi hạng phổ thông của Vietnam Airlines, Vietjer Air dao động 3,5-5 triệu đồng, cao hơn từ 1-1,5 triệu đồng ở thời điểm cuối tháng 6.
Tương tự, cách đây một tháng, giá vé khứ hồi từ Hà Nội – Đà Nẵng dao động từ 2,1-3 triệu đồng. Thế nhưng hiện mức giá cho chặng này đã tăng lên mức từ 3,2 – 4,8 triệu đồng, tăng khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Các chặng bay khác như Hà Nội – Lâm Đồng; Hà Nội – Cần Thơ của các hãng hàng không cũng cao hơn từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/vé so với thời điểm đặt vé trước tháng 6.
Đáng chú ý, chặng “nóng” nhất vẫn là Hà Nội – Côn Đảo khi giá vé hạng phổ thông hiện dao động từ 3,5 đến 7 triệu đồng/vé/chiều, cao hơn 1-3,5 triệu đồng so với cách đây nửa tháng.
Điều này khiến nhiều hành khách “ngã ngửa” khi giá vé máy bay một số chặng chỉ trong thời gian 2 tuần đã tăng gấp đôi.
Cuối tháng 6, anh Duy Long (Thanh Xuân, Hà Nội) đặt vé hạng phổ thông cho 4 người trong gia đình đi Côn Đảo du lịch từ 1-4/8 với mức giá 2,8 triệu/vé/chiều. Gần đây, anh tiếp tục đặt vé cho 2 người trong gia đình để bay cùng chuyến nhưng mức giá vé lại tăng chóng mặt. Tìm kiếm đặt vé trên các trang bán vé trực tuyến, anh Long rất bất ngờ bởi giá vé nhiều chặng bay tăng đột biến, có chặng tăng tới gấp đôi so với trước đó.
“Tôi đặt thêm vé cách ngày bay 2 tuần mà giá tăng lên mức 6,5 triệu đồng/vé/chiều. Nếu chọn bay giờ đẹp thì giá vé có thể lên đến hơn 7 triệu đồng/vé/chiều. Như vậy, tính từ cuối tháng 6 đến nay, giá vé tăng cao gấp đôi giá vé tôi đặt”, anh Long nói.
Khách “bỏ đi” sau khi hỏi giá vé máy bay
Chia sẻ về tình hình giá vé máy bay, anh Nhật Minh, đại diện một đơn vị lữ hành tại Hà Nội, nói tỷ lệ khách “bỏ đi” sau khi hỏi giá vé máy bay lên tới gần 40%, đặc biệt với những đường bay từ Hà Nội tới Nha Trang, Phú Quốc… Anh cho biết so với năm ngoái, lượng khách bay nội địa của công ty giảm 20%.
Theo anh Minh, chi phí sinh hoạt ngày càng cao khiến người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm hơn nên khó mạnh tay chi cho các chuyến du lịch. Bên cạnh đó, giá các tour du lịch trong nước bằng máy bay đang rất cao.
Nhiều tour du lịch trọn gói trong nước đang có giá cao hơn tour du lịch Thái Lan và tương đương với tour Singapore, Malaysia và chỉ thấp hơn vài triệu đồng nếu so với giá tour Hàn Quốc.
Chị Thu Hương, quản lý một khách sạn tại Đà Nẵng, cho biết giá vé máy bay đầu tháng 7 đi Đà Nẵng cao đột biến, mà vẫn khan hiếm là do là thời điểm diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế tại thành phố này. “Sau khi kết thúc lễ hội, giá vé đi Đà Nẵng sẽ hạ nhiệt nhưng không đáng kể vì từ nay đến cuối tháng 8 nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn rất cao”, chị nhận định.
Chị lý giải rằng khoảng thời gian giữa tháng 7 đến hết tháng 8 nhu cầu du lịch của người dân tăng cao do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Từ nay đến hết tháng 8 là thời điểm học sinh nghỉ hè, học sinh vừa thi xong tốt nghiệp và chờ xét tuyển vào đại học. Do đó, nhiều gia đình có xu hướng lên kế hoạch đi du lịch trong khoảng thời gian này.
Ngoài ra, chị Hương chia sẻ rằng trước dịch Covid-19, các đoàn khách từ công ty lữ hành vốn chiếm khoảng 60-70% tổng lượng khách hè của khách sạn này. Tuy nhiên, giá vé máy bay cao khiến nhóm khách này giảm mạnh và hiện phải phụ thuộc vào khách lẻ.
Mặc dù lượng khách di chuyển bằng xe cá nhân hoặc xe khách từ các tỉnh miền Bắc tăng lên nhưng chị Hương đánh giá rằng lượng khách này khó bù đắp được lượng khách di chuyển bằng vé máy bay hằng năm.
Xem thêm:
Thiếu phi cơ nhưng Việt Nam vẫn không mua C919 của Trung Quốc
Đoạn quốc lộ 16 qua Nghệ An sụt lún nghiêm trọng, cấm hoàn toàn xe lưu thông
Đề xuất cấm xe tải vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây giờ cao điểm dịp cuối tuần, lễ, Tết
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*