Bức ảnh hai vận động viên điền kinh Trung Quốc ôm nhau sau khi kết thúc chặng đua tại ASIAD 2023 (Đại hội Thể thao Châu Á) đang bị Bắc Kinh kiểm duyệt gắt gao vì nó vô tình làm mọi người liên tưởng đến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Sau khi hoàn thành chặng đua chung kết 100m vượt rào nữ tại ASIAD ở Hàng Châu vào ngày 1/10, hai vận động viên Trung Quốc là Lin Yuwei và Wu Yanni đã ôm nhau, thể hiện sự chúc mừng. Bức ảnh (bị kiểm duyệt) ghi lại khoảnh khắc mà số làn 6 của vận động viên Lin xuất hiện ngay cạnh số làn 4 của vận động viên Wu khi hai người ôm nhau (số làn được đính bên hông của vận động viên).
Con số “6-4” được coi là ám chỉ đến ngày 4/6/1989, khi quân đội Trung Quốc nổ súng vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ không vũ trang, giết chết hàng chục nghìn sinh viên vô tội.
Lin Yuwei giành huy chương vàng với thời gian chạy 12,74 giây, trong khi Wu Yanni về thứ hai nhưng không được trao huy chương bạc vì cô dính lỗi xuất phát.
Theo China Digital Times, khi tìm kiếm các bài đăng đề cập đến cái ôm của hai vận động viên trên nền tảng Weibo, kết quả sẽ là các ô vuông màu xám.
Các tổ hợp số, chẳng hạn như 6-4, 64, 63+1, 65-1, và các thuật ngữ tìm kiếm khác mà làm mọi người liên tưởng đến ngày 4/6/1989 luôn bị kiểm duyệt gắt gao trên mạng xã hội Trung Quốc. Giới chức nước này đã hạn chế thông tin về vụ việc, chặn các trang web và các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, đồng thời soi xét nghiêm ngặt các từ khóa và nội dung liên quan.
Các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát ban đầu không nhận ra tính nhạy cảm của bức ảnh nên đã đăng nó lên các nền tảng mạng xã hội và trang web chính thức.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đăng bức ảnh lên tài khoản Weibo 132 triệu người theo dõi của họ. Tân Hoa Xã, một hãng thông tấn nhà nước khác, cũng đăng tải hình ảnh này trong một bài viết. CCTV News sau đó đã gỡ bức ảnh, còn Tân Hoa Xã thì xóa bài viết.
Các phương tiện truyền thông nhà nước khác đã đăng tải những bức ảnh hai vận động viên ôm nhau nhưng ở góc máy khác, nhằm giấu đi số làn chạy của họ.
Phản ứng về việc kiểm duyệt bức ảnh, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc. Một người dùng mạng xã hội viết: “Chỉ những người thực hiện những hành vi táng tận lương tâm mới sợ bóng ma lịch sử”. Một người khác gọi sự kiện thể thao này là “Đại hội Thể thao Châu Á 1989”.
Vào ngày 4/6 năm ngoái, “ông hoàng son môi” Trung Quốc Lý Giai Kỳ (còn gọi là Austin Li) – có khoảng 42 triệu người theo dõi – cũng bị kiểm duyệt. Trong buổi phát trực tiếp vốn được nhiều người ưa thích, Lý Giai Kỳ đã cho khán giả xem một chiếc bánh kem giống như một chiếc xe tăng, với bánh xe làm bằng bánh quy Oreos, còn nòng súng là bánh quế sô cô la. Chương trình đã bị cắt sóng đột ngột. Sau đó, anh phải trải qua một cuộc điều tra về vụ việc.
Bức ảnh “Tank Man” (người đàn ông đứng trước xe tăng) là một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất gắn liền với cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bức ảnh chụp một người đàn ông Trung Quốc đứng trước đoàn xe tăng Type 59 vào ngày 5/6/1989, một ngày sau khi Trung Nam Hải đàn áp người biểu tình bằng súng và bạo lực.
Hành động của người đàn ông này đã trở thành biểu tượng cho tinh thần phản kháng ôn hòa và mong muốn cải cách chính trị mà nhiều người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn theo đuổi.
Cuộc biểu tình Thiên An Môn là một mốc quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, khi hàng nghìn sinh viên, trí thức và người dân tập trung tại quảng trường để kêu gọi cải cách chính trị, tự do ngôn luận và chấm dứt tham nhũng. Đối mặt với cuộc biểu tình ôn hòa, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thẳng tay đàn áp, khiến nhiều người thiệt mạng. Bắc Kinh đồng thời áp dụng nhiều biện pháp kiểm duyệt nghiêm ngặt về sự kiện này.
Vụ thảm sát Thiên An Môn không phải là chủ đề cấm kỵ duy nhất ở Trung Quốc. Pháp Luân Công là một chủ đề nhạy cảm khác. Môn tu luyện này đã bị ĐCSTQ đàn áp từ năm 1999; kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác; hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
TheoThe Epoch Times
Xuân Hoa (NTDVN) biên dịch
Xem thêm:
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*