Tân Thế Kỷ (TTK) – Vào thứ Hai, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-ryul đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong bối cảnh Hàn Quốc ngày càng lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc đối với các vùng biển chiến lược trong khu vực và sự thâm nhập kinh tế của nước này vào các quốc đảo Thái Bình Dương.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết – tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận trong việc tăng cường chống biến đổi khí hậu, đồng thời Hàn Quốc cũng xem xét các sáng kiến tài trợ bổ sung để hỗ trợ cho khu vực Thái Bình Dương.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin – Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi quy mô vốn viện trợ ODA cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương – nghĩa là đến năm 2027, quy mô viện trợ sẽ tăng lên 39,9 triệu USD.
Hội nghị đã đưa ra “Tuyên bố Lãnh đạo các quốc đảo Hàn Quốc-Thái Bình Dương năm 2023” – với nội dung cốt lõi là các bên sẽ nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời định hướng hợp tác trên các lĩnh vực nhằm xây dựng một Thái Bình Dương thịnh vượng và bền vững.
Tổng thống Yoon Seok-ryul đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc vào năm ngoái, cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do, hòa bình và thịnh vượng” dựa trên trật tự và luật lệ quốc tế.
Theo văn phòng Tổng thống – trước hội nghị thượng đỉnh, ông Yoon đã tổ chức các cuộc gặp song phương riêng rẽ với một số lãnh đạo các nước ở Thái Bình Dương, trong đó có Tổng thống Kiribati – Taneti Maamau và Thủ tướng Papua New Guinea – James Marape. Đồng thời cam kết sẽ thiết lập quan hệ đối tác “dựa trên lòng tin và sự bền vững”.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc cho biết – ông Yoon hứa sẽ tăng cường hỗ trợ “phù hợp” cho từng quốc đảo ở Thái Bình Dương, đồng thời lưu ý rằng Hàn Quốc tôn trọng độc lập và chủ quyền của tất cả các quốc gia cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Thủ tướng Quần đảo Cook, ông Mark Brown phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Quần đảo Thái Bình Dương rằng – những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt là “to lớn và phức tạp”.
Ông Brown hiện là chủ tịch của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) gồm 18 thành viên.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc cho phép Hàn Quốc có không gian hợp tác lớn hơn với Hoa Kỳ và Úc, để cùng giải quyết các thách thức trong khu vực như chuỗi cung ứng, khoáng sản quan trọng và biến đổi khí hậu.
Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Úc cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Marles sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh, đồng thời cho biết thêm rằng hội nghị sẽ thể hiện sự hợp tác giữa PIF và Hàn Quốc để đảm bảo một khu vực an toàn.
Trong những năm gần đây, các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã trở thành một chiến trường mới mà Hoa Kỳ và các đồng minh cạnh tranh với Trung Quốc.
Vào tháng 4 năm 2022, Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh, khiến Hoa Kỳ; Úc và New Zealand phải lên tiếng cảnh báo. Họ lo lắng rằng Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một căn cứ quân sự trong khu vực này, tuy nhiên Trung Quốc đã phủ nhận điều đó.
Để đối phó với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của chính quyền Trung Quốc – Hoa Kỳ, Úc và New Zealand đang tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực Thái Bình Dương. Từ chính sách “Tăng cường can dự Thái Bình Dương” của Australia, cùng chính sách “Thiết lập lại Thái Bình Dương” của New Zealand năm 2018, cho đến “Cam kết Thái Bình Dương” của Washington năm 2019.
Vào tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết viện trợ nhiều hơn cho thương mại và phát triển tại hội nghị thượng đỉnh với hàng chục nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ở Papua New Guinea . Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Papua New Guinea sau hội nghị thượng đỉnh Thái Bình Dương.
Hoàng Dung lược dịch
Theo The Epoch Times
Xem Thêm:
Malaysia bắt giữ tàu Trung Quốc nghi trộm cổ vật của Anh trong Thế chiến II
Tân Thế Kỷ *Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực*