spot_img
19 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Hàng Việt Nam bị Nhật trả về tăng gấp đôi

Thống kê cho thấy năm qua, số hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Nhật trả về tăng gần gấp đôi so với năm 2018 – thời điểm trước đại dịch Covid bùng phát. Phần lớn hàng bị trả do các vi phạm về chất lượng như tồn dư chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hàng Việt Nam bị Nhật trả về tăng gấp đôi
Quy định thị trường Nhật rất khắt khe, nhưng Nhật Bản là một thị trường vẫn rất tiềm năng

Thông tin được truyền thông trong nước ghi nhận lại từ ông Đỗ Quốc Hưng, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình hình mới” ngày 19/4.

Theo ông Hưng, những năm trở lại đây, các tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật ngày càng khắt khe. Chỉ riêng ngành nông thủy sản, 5 năm trở lại đây số vụ lô hàng Việt xuất khẩu sang Nhật bị trả về đã tăng gần gấp đôi, từ 54 vụ năm 2018 lên 90 vụ năm 2022.

Không chỉ nông thủy sản gặp khó, ngành dệt may cũng phải liên tiếp đối mặt thách thức khi không chỉ phải bền đẹp, đa dạng mẫu mã, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Tiêu chuẩn khắt khe, doanh nghiệp lại thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, cách tiếp thị, đối thủ cạnh tranh… nên xuất khẩu sang thị trường Nhật còn hạn chế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu.

Đâu là nguyên nhân việc bị trả hàng

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ hàng bị trả lại hoặc phải xử lý lại ở mức độ khá cao. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra.

Có ý kiến thì cho rằng do Việt Nam xuất khẩu nhiều, nên làm nhiều, lỗi nhiều là bình thường. Tuy nhiên, với những lô hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của phía đối tác, ví dụ như đối với các mặt hàng thuỷ sản, nông sản thì không thể phủ nhận nguyên nhân chủ yếu từ khâu sơ chế, chế biến, khâu sản xuất.

Quy trình sản xuất là một quy trình hoàn chỉnh mà ở đó doanh nghiệp phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính.

Trong quá trình sản xuất như vậy, doanh nghiệp đã có bộ tiêu chuẩn sản xuất để tuân theo. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để doanh nghiệp có thể giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất của bà con nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Thậm chí nếu như sản xuất trên đồng ruộng thật tốt, đến khâu gia công, chế biến, chỉ cần mắc một lỗi rất nhỏ, ví dụ như hoa quả không làm sạch theo tiêu chuẩn, vẫn còn sót vật thể lạ bên ngoài như cành cây, lá, con dệp, con sâu vướng lại trên sản phẩm… Như vậy, vô hình chung, chúng ta vi phạm vào kiểm dịch.

BN 3 jpeg 2

Thị trường Nhật Bản vẫn tiềm năng

Xuất khẩu thị trường Nhật: Còn nhiều dư địa phát triển đó là nhận định của các chuyên gia.

Nếu khắc phục được những vấn đề trên giới chức Việt Nam cũng nhấn mạnh thị trường Nhật cực kỳ tiềm năng, còn nhiều dư địa để tăng trưởng, phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam.

Một số liệu được đưa ra để dẫn chứng: kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Nhật là 23,8 tỉ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật chỉ đạt 2,9 tỉ USD, chiếm 12,1% thị phần; kim ngạch nhập khẩu da giày của Nhật đạt 4,5 tỉ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt sang Nhật ngành này chỉ đạt 823 triệu USD, chiếm 18,2% thị phần.

Đặc biệt, mặt hàng chuối tươi và sấy khô mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần, tương đương kim ngạch xuất khẩu 6,6 triệu USD…

Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ trên thế giới thông qua hàng loạt ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định FTA như AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP,…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cải thiện năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn nhập khẩu. Cải thiện kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào để hưởng ưu đãi.

Vũ Nam tổng hợp.

Xem thêm:

Nhật Bản yêu cầu Vinasoy thu hồi lô sữa đậu nành

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều