spot_img
24 C
Vietnam
Thứ sáu,20 Tháng chín
spot_img

Hé lộ mức “hoa hồng” từ dạy “tăng cường” trong trường học

Tân Thế Kỷ – Thời gian gần đây, dư luận bức xúc vì nhiều hình thức dạy thêm dưới danh nghĩa dạy học “tăng cường”, đưa vào giờ học chính khóa và phụ huynh phải nộp tiền. Một số địa phương đã ra các văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Tại không ít địa phương, cuối tuần qua tổ chức họp phụ huynh đầu năm, dù mới lớp 1 nhưng phụ huynh cũng nhận được thông báo “thỏa thuận” về hàng loạt các khoản thu cho việc dạy học tăng cường, như: tăng cường ngoại ngữ, ngoại ngữ với người nước ngoài, kỹ năng sống, giáo dục STEM,… mà không có bất cứ nội dung, kế hoạch giáo dục nào kèm theo.

Phụ huynh quay cuồng với các lớp học thêm gắn mác “tự nguyện”

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy ngán ngẩm khi nhận thông báo các khoản thu đầu năm của con trai học lớp 3. Ngoài các tiết học tiếng Anh theo chương trình chính khoá, nhà trường còn đưa ra thêm 3 chương trình học liên kết. Mỗi chương trình sẽ do 1 trung tâm khác nhau đưa giáo viên vào giảng dạy. Học phí là khoảng 200.000 – 350.000/tháng/học sinh. Mỗi tuần học 3 – 4 tiết. Những tiết học này được xếp xen kẽ giờ học chính khoá.

2 3
Các tiết học thêm, học tăng cường được trường xếp xen kẽ vào buổi học chính khóa, khiến phụ huynh khó lòng từ chối. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

“Giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho phụ huynh đăng ký. Phụ huynh nào không muốn đăng ký cho con học, buộc phải chuyển lớp, hoặc đến tiết học tăng cường con sẽ di chuyển sang phòng hội đồng. Phụ huynh áp lực vô cùng, dù không muốn vẫn phải đăng ký cho con học” – chị Thuỳ Linh bức xúc nói.

Trường hợp của chị Thuỳ Linh không phải duy nhất. Đầu năm học mới, Báo Lao Động nhận được hàng loạt phản ánh của phụ huynh tại Hà Nội và các tỉnh thành về việc học bị ép phải ký đơn “tự nguyện” đăng ký học thêm cho con.

Vừa khai giảng năm học mới, phụ huynh một số trường tiểu học ở H.Hưng Hà (Thái Bình) khi nhận được phiếu đăng ký tham gia lớp “tiếng Anh tăng cường” với giáo viên người nước ngoài do nhà trường liên kết với một công ty ngoài nhà trường để triển khai cho học sinh toàn trường. Địa điểm học tại phòng học của nhà trường với thời lượng 1 tiết/tuần và học phí là 130.000 đồng/học sinh/tháng.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về việc liên kết dạy tiếng Anh, trong đó có lo ngại về tính “tự nguyện” thực sự của hình thức liên kết này. Nếu trong lớp chỉ có vài học sinh không đăng ký tham gia thì giờ học tiếng Anh với người nước ngoài các em sẽ học gì?

day tieng anh tang cuong 1695121396661730321881
Việc yêu cầu phụ huynh đăng ký cho con học ở tiểu học tăng cường tiếng Anh ở H.Hưng Hà (Thái Bình) khiến phụ huynh bức xúc. – Ảnh: PHHS

Ngay sau thắc mắc thỏa đáng của phụ huynh và nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận khi vấn đề này được đưa lên mạng xã hội, ngày 15.9, UBND H.Hưng Hà (Thái Bình) đã ra văn bản “yêu cầu dừng ngay việc liên kết với công ty, trung tâm ngoại ngữ triển khai mở lớp tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh”.

Hé lộ mức “hoa hồng” từ hoạt động dạy thêm, dạy tăng cường trong trường học

Dù lấy lý do dạy thêm, dạy tăng cường là tốt cho học sinh, nhưng phía sau là câu chuyện chia phần trăm “hoa hồng” giữa các đơn vị liên kết, kinh doanh với các nhà trường.

Mặc dù nói việc dạy thêm, học thêm là để tốt cho học sinh, nhưng phụ huynh ai cũng hiểu, phía sau là câu chuyện phần trăm “hoa hồng” giữa các đơn vị liên kết, kinh doanh.

Đầu năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa ra 3 chương trình liên kết với 2 đơn vị doanh nghiệp khác nhau. Học sinh đăng ký học sẽ phải đóng phí và 20% số tiền thu về sẽ được đơn vị chi trả cho nhà trường.

“80% trung tâm giữ lại, chi trả theo đề án, giáo viên trực tiếp giảng; 20% chi trả lại cho nhà trường, để chi vào các khoản như: Thuế thu nhập doanh nghiệp (2%); chi cơ sở vật chất, điện nước, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn (8%); chi cải cách tiền lương…” – bà Trần Thị Bích Liên – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận.

Theo tìm hiểu của Lao Động, “mức hoa hồng 20% khi đưa các chương trình liên kết vào dạy tăng cường trong nhà trường” cũng là mức phổ biến được các công ty tư nhân trả cho các trường học. Tuy nhiên, con số này sẽ có sự tăng giảm, tuỳ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký học, càng nhiều học sinh học thì tỉ lệ “hoa hồng” càng cao.

Chưa tính đến chất lượng, hiệu quả, rõ ràng số tiền “hoa hồng” này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không có phần trăm chi trả, lợi ích, liệu các nhà trường có sốt sắng thúc giục, mời chào phụ huynh đăng ký học hay không. Và con số 20% kia sẽ được chi trả như thế nào?

Các địa phương liên tiếp chấn chỉnh tình trạng dạy “tăng cường”

Sự việc tại H.Hưng Hà (Thái Bình) cũng góp phần “đánh động” các địa phương đang có mô hình liên kết dạy tiếng Anh, kỹ năng sống và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường và có thu học phí của học sinh khi “chèn” các môn học tăng cường vào giờ học chính khóa.

Sở GD-ĐT Nam Định vừa có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD-ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 – 2024. Theo đó, yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT Nam Định yêu cầu các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, nhà trường phải xây dựng đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Sở GD-ĐT Nghệ An cũng vừa tổ chức hội nghị triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Phát biểu tại hội nghị, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, thông báo Sở quyết định tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định.

Sở GD-ĐT An Giang cũng vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.

Nhiều quy định đã lỗi thời về dạy thêm, học thêm cần sửa 

Những bất cập, lúng túng về việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm do thiếu hành lang pháp lý được cử tri và ngành GD-ĐT các địa phương kiến nghị nhiều tới Bộ GD-ĐT thời gian vừa qua.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi luật sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường không còn hiệu lực.

Tuy vậy, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thông tư 17 cũng nêu rõ: không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…”.

Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có  quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”…

Nhiều ý kiến cho rằng, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất, giáo dục địa phương, tiếng Anh, tin học; âm nhạc, mỹ thuật,… đã đưa vào là các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học.

Do vậy, không lý do gì lại được phép dạy thêm tại trường tiểu học các hoạt động như tăng cường kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Thầy Nguyễn Văn Lực – giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà – cho rằng, việc dạy thêm hiện nay thực tế không kiểm soát được diễn ra dưới nhiều hình thức: Phụ đạo, dạy tiếng Anh tăng cường, tích hợp, bồi dưỡng nâng cao…

Dạy thêm đem lại nguồn thu nhập khá cao cho giáo viên (hơn tiền lương), cho nhà trường một khoản thu thêm nên nhiều trường liên kết hoặc tổ chức dạy thêm trong trường. Đề xuất giải pháp cho tình trạng này, thầy Lực cho rằng, cần cấm dạy thêm trong nhà trường, cấp phép cho thầy cô dạy như một nghề kinh doanh có điều kiện nếu học sinh thật sự có nhu cầu học thêm.

Tịnh Yên (t/h)

BN 2 jpeg 3

Sở GD-ĐT Hải Dương khẳng định trường THPT Thanh Miện 3 có lạm thu

Đồng phục giá nửa triệu một bộ, nhưng “thua áo vài chục ở chợ”, ai được lợi?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều