spot_img
22 C
Vietnam
Chủ Nhật,8 Tháng Chín
spot_img

Học gì để không phải thất nghiệp?

Tân Thế Kỷ (TTK) – Theo một dự báo, 85% số việc làm mới ở năm 2030 là những công việc chưa từng tồn tại. Vậy làm sao mà biết “học cái gì” thì chắc chắn không thất nghiệp.

Nỗi lo thất nghiệp không của riêng ai

“Tuần vừa rồi, tôi đại diện khoa Tài chính – Kế toán của Đại học Bristol, Anh tham dự ngày hội giới thiệu các chương trình thạc sĩ của trường.

Một bạn trẻ người Thái Lan ngập ngừng cho biết em đang học hệ cử nhân và muốn tìm chương trình thạc sĩ để học tiếp, nhưng vì lo ngại AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ ‘cướp’ đi nhiều việc làm, nên em hỏi tôi chương trình thạc sĩ nào trong lĩnh vực tài chính – kế toán sẽ đảm bảo không bị AI cạnh tranh.

Câu hỏi này tôi từng nhận được một năm trước, từ một phụ huynh người Anh trong ngày hội giới thiệu trường cho học sinh phổ thông. Đây không chỉ là nỗi lo của một hay hai người, mà là băn khoăn của số đông, nhất là vào mùa tuyển sinh, nhiều gia đình đứng trước lựa chọn ‘học ngành nào’, ‘học cái gì’” – chia sẻ của anh Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol.

Untitled 3 2
Đây không chỉ là nỗi lo của một hay hai người, mà là băn khoăn của số đông, nhất là vào mùa tuyển sinh, nhiều gia đình đứng trước lựa chọn ‘học ngành nào’, ‘học cái gì. – Ảnh minh họa. – Nguồn: giaoducthudo.giaoducthoidai.vn

Em Trần Thu Thảo học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội chia sẻ: Em thấy nhiều thông tin liên quan đến chat GPT và trí tuệ nhân tạo, có nhiều chuyên gia cảnh báo một số ngành nghề sẽ mất đi, có nhiều thay đổi liên quan đến nhiều ngành nghề khác. Chính vì vậy, em chưa quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình. Em cần thời gian để suy nghĩ nhiều hơn”.

Trí tuệ nhân tạo AI có thể tác động đến 300 triệu việc làm trên toàn cầu

Theo nghiên cứu mới của ngân hàng Goldman Sachs, các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung (generative AI) như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu.

Theo đó, các công việc trợ lý hành chính ở văn phòng có tỷ lệ được tự động hóa cao nhất với 46%, tiếp theo là 44% cho công việc pháp lý và 37% cho các công việc trong kiến trúc và kỹ thuật. Lĩnh vực hỗ trợ kinh doanh, tài chính và kế toán nằm trong top 5 với 35%. Các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, lập trình, cũng có thể bị thay thế với tỷ lệ trên 30%.

tri tue nhan tao la gi
Các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung (generative AI) như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu. – Ảnh minh họa. – Nguồn: som.edu.vn

So với đợt tự động hóa trong sản xuất trước đây, lần này, nhóm nhân viên văn phòng sẽ bị ảnh hưởng khá lớn. Theo cây bút Larry Elliott của tờ Guardian, đợt sóng trí tuệ nhân tạo lần này sẽ hơi khác so với trước đây. Nó không thay thế những công việc chân tay đơn giản bằng máy móc và tạo ra công việc mới, thay vào đó, sẽ gây “xáo trộn” công việc của giới văn phòng trung lưu.

Những ai có thể trụ lại trong sự xáo trộn này?

“Xáo trộn” không có nghĩa là thay thế hoàn toàn, mà việc làm của nhân viên văn phòng sẽ không còn dễ dàng như trước. Chỉ có người làm tốt công việc, và có thể thích ứng với thay đổi, mới có thể trụ lại.

Trước khi có chat GPT ra đời thì AI đã phát triển gần 10 năm nay. Tất cả ngành nghề nào mang tính chất lặp đi, lặp lại, đơn thuần ít có tư duy ứng biến, sáng tạo mang tính chất cá nhân hóa thì nó sẽ bị thay thế – ông Trần Thành Nam, Giảng viên Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên gia về tâm lý học, thành viên Hiệp hội tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định.

Theo ông, các ngành như lễ tân, tư vấn tài chính, chăm sóc khách hàng… thì AI sẽ làm tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần nữa mà đã biết cô đọng cả tri thức. Tuy nhiên, hiện trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thông minh được như con người, chưa thể ứng biến linh hoạt, sáng tạo giống con người.

nghenghiep.vieclam24h.vn
Nên người học nên chọn học một ngành nhưng học được kỹ năng của nhiều ngành nghề khác. Để khi ra trường có thể làm được nhiều nghề với nhiều vị trí công việc. – Ảnh minh họa. – Nguồn: nghenghiep.vieclam24h.vn

Việc học đại học giờ cần xác định không phải học một ngành rồi khi ra trường làm một việc cho đến hết đời. Mà cần xác định, bối cảnh còn thay đổi dữ dội nữa trong tương lai. Do đó, nhiều ngành hot hiện nay nhưng sau 10 năm, 20 năm nữa thì chưa biết sẽ như thế nào. Nên người học nên chọn học một ngành nhưng học được kỹ năng của nhiều ngành nghề khác. Để khi ra trường có thể làm được nhiều nghề với nhiều vị trí công việc – ông Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Với những công việc được đào tạo ở đại học, một phần lớn liên quan đến giới văn phòng trung lưu, không có ngành nào đảm bảo an toàn trước những áp lực do AI tạo ra. Tuy nhiên, thái độ và cách tiếp cận, cũng như cách học tập đúng đắn lại có thể bảo đảm học ngành nào cũng không sợ AI.

Nói cách khác, câu hỏi “học ngành nào/nghề nào không thất nghiệp” là một câu hỏi sai, nên được đổi thành “học như thế nào thì không thất nghiệp” hay “thái độ làm việc như thế nào thì không bị AI thay thế”.

Vậy sinh viên, người lao động cần thay đổi học như thế nào?

Đầu tiên là chuyện học như thế nào. Công nghệ AI sẽ khiến những người muốn đi tắt, học vẹt, học mẹo không còn nhiều cơ hội việc làm. Những mẹo như “ba cách khiến bạn nhanh chóng tạo văn bản”, hay “năm cách khiến bạn tăng điểm số” sẽ không còn hữu dụng. Bởi vì cách học vẹt, học mẹo không giúp hiểu được vấn đề thấu đáo, mà chỉ là tìm đường tắt hoàn thành một công việc. Đó là làm việc, chứ không phải hiểu việc.

Tình trạng này sẽ khiến người lao động gặp khó khăn khi môi trường công việc thay đổi, điều mà AI chắc chắn sẽ đem lại. Vì vậy, học thực chất, hiểu vấn đề thay vì tìm kiếm kiến thức “mì ăn liền” là điều đầu tiên cần có.

Các trường đại học cũng đã thay đổi giáo trình để sinh viên có phương pháp học chủ động hơn, học tư duy, phản biện và giải quyết vấn đề. Nhưng từ chương trình cho tới thực tế đòi hỏi sự phối hợp của cả hai phía là người dạy và người học. Muốn vậy, người học, cần có trách nhiệm với chuyện học của mình, tránh đối phó rồi trở thành những “xác sống giảng đường”.

Học tập suốt đời mới có cơ hội

Ngoài chuyện có thái độ học tập đúng, người học còn phải tự rèn cho mình kỹ năng mới, hay còn gọi là học tập suốt đời. Đây là một trong những chủ đề chính để tái đào tạo lực lượng lao động cho toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) hướng tới.

Ví dụ, tự học cách đặt câu hỏi cho các công cụ như ChatGPT hay Bard để nhờ chúng viết giúp email; học cách sử dụng một công cụ phân tích dữ liệu và huấn luyện mô hình máy học đơn giản mà không cần lập trình… Học cách học một kỹ năng mới trở thành giải pháp tạo ra giá trị tăng thêm cho bản thân, để đảm bảo luôn có tính cạnh tranh trên thị trường lao động.

Theo một dự báo, 85% số việc làm mới ở năm 2030 là những công việc chưa từng tồn tại. Vậy làm sao mà biết “học cái gì” thì chắc chắn không thất nghiệp. Chỉ có học cách tự học kỹ năng mới, có thái độ học tập đúng, học thực chất, hiểu vấn đề, mới giúp các bạn trẻ yên tâm đi tới.

tuyensinhdonga.edu .vn
Chỉ có học cách tự học kỹ năng mới, có thái độ học tập đúng, học thực chất, hiểu vấn đề, mới giúp các bạn trẻ yên tâm đi tới. – Ảnh minh họa. – Nguồn: tuyensinhdonga.edu.vn

Việc học tập hiện nay là liên tục, đừng nghĩ thi vào trường đại học, tốt nghiệp xong sẽ ổn định, có công việc suốt đời. Nên xác định chọn một ngành đại học phù hợp với mình. Ra trường sau 5 đến 7 năm nữa sẽ cần học tiếp để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Xu hướng sau này, một người sẽ có kiến thức nhiều ngành, sẽ phải học nhiều và liên tục. Tương lai một người sẽ có rất nhiều bằng nhưng đó là bằng của quá trình học tập suốt đời, học để thích nghi của biến đổi của xã hội – ông Trần Thành Nam phân tích.

“Cuối cùng, kỹ năng cần phải có ở hầu hết nghề nghiệp, cũng là thứ AI không có, là kỹ năng giao tiếp, và khả năng phản ứng với sự kiện bất ngờ. Đây là điều tôi học được từ một sinh viên cũ đang làm ngành kiểm toán ở Anh. Cậu bảo rằng giờ nhiều bạn lạm dụng công nghệ nên thường tìm câu trả lời trên mạng, ít có kỹ năng giao tiếp và cũng thiếu kiến thức cơ bản. Đến lúc đi phỏng vấn việc làm, các bạn đó không có khả năng trả lời câu hỏi ngoài các “bài tủ” đã chuẩn bị. Đi phỏng vấn không ai chờ bạn hỏi Google hay ChatGPT. Đi diễn thuyết với khách hàng cũng vậy” – theo anh Hồ Quốc Tuấn chia sẻ.

Muốn giao tiếp tốt, và phản ứng nhanh với những sự kiện bất ngờ, thì trong đầu phải có sẵn kiến thức và những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực mình làm, phải thường xuyên đối mặt với những tình huống từ trên trời rơi xuống. Kỹ năng giao tiếp và khả năng ứng biến không phải là thứ cần phải đi học ngành nào, trường gì, mà có thể tự quan sát, học hỏi và trực tiếp thực hành qua cuộc sống hàng ngày.

Nói cách khác, học từ mọi thứ xung quanh bạn mỗi ngày, chủ động học cái mới chính là cách để không sợ bị thất nghiệp vì AI.

Tịnh Yên (t/h)
Nguồn tham khảo: Vnexpress.net

BN 2 jpeg

Trào lưu mới trên Tik Tok: “Nằm cả ngày” đáng báo động của giới trẻ

Mẹ sẽ không hỏi con làm bài được không, vì con đã cố gắng hết sức và cuộc đời còn nhiều ngã rẽ…

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều