spot_img
18 C
Vietnam
Thứ sáu,22 Tháng mười một
spot_img

Hơn 9.000 giáo viên công lập bỏ việc năm học 2022-2023 vì đâu?

Tân Thế Kỷ – Tình trạng giáo viên công lập bỏ việc trong bối cảnh cả nước thiếu 118.253 giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại Hội nghị Giám đốc Sở năm 2023. Vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương chưa tuyển dụng được. Làm sao để giải bài toán nơi thừa nơi thiếu giáo viên?

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Đánh giá khái quát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã nêu rõ vấn đề thiếu giáo viên gia tăng qua các năm tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tình trạng thiếu giáo viên đáng lo ngại hiện nay

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tính đến hết năm học 2022-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học 2021-2022), trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%.

Tính trên nhu cầu học tập – đào tạo, cả nước hiện thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022. Mức tăng cao nhất tập trung ở cấp mầm non khi có thêm 7.887 người thiếu.

Nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).

Ở cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022-2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày), cần thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước, tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên.

Trong bối cảnh đó, năm học 2022-2023, toàn quốc giảm hơn 19.300 giáo viên công lập. Số này bao gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc.

thieugiaovien2 1690272534080249155282
Thiếu giáo viên trầm trọng đang gây khó khăn cho việc dạy, học. – Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Những vùng có tỷ lệ giáo viên thấp nhất cả nước là: Vùng miền núi phía Bắc (tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp là 1,6); vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ (tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,29).

Bộ môn thiếu nhiều giáo viên nhất là các môn học mới gồm tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Tiếng Anh, tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3, đồng thời bổ sung mới môn nghệ thuật cấp THPT, môn tiếng dân tộc thiểu số tự chọn… Tình trạng thiếu giáo viên các môn học này đã diễn ra suốt 3 năm qua, kể từ khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhưng chậm được khắc phục.

Nơi thừa, nơi thiếu giáo viên

Báo cáo cũng nêu rõ, cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau dẫn tới tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Trong khi đó, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019 còn thấp như cấp mầm non ở vùng Đông Nam Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 75,4%), cấp tiểu học ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (tỷ lệ đạt chuẩn là 77%).

Nguyên nhân của tình trạng này

Sự chênh lệch này xuất phát từ công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế cùng với những biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển, thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Nhiều địa phương thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ một cách cơ học. Một số địa phương còn không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản này.

Báo cáo cũng khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế 10% gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục.

Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu là ở vùng miền núi, hải đảo vì điều kiện đời sống khó khăn, công tác xa nhà nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đảm bảo nhu cầu cuộc sống nên nhiều giáo viên nghỉ việc đó là lý do chính.

Một số thầy cô lớn tuổi không theo kịp với sự đổi mới của chương trình, công nghệ, áp lực công việc về hồ sơ sổ sách, vô số phong trào cuộc thi đã chiếm nhiều thời gian giảng dạy của thầy cô nên không ít giáo viên đã xin nghỉ việc.

Bên cạnh đó, các trường sư phạm chưa kịp đào tạo giáo viên dạy chương trình mới, nhất là đối với những môn tích hợp: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật…

Tiếp đến, thầy cô nghỉ việc vì chế độ tiền lương không đủ sống, dù Nhà nước có thực hiện tăng lương cơ bản hàng năm theo lộ trình từ 1.7, nhưng thật sự tỷ lệ phần trăm tăng lương đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá hàng hóa.

Đề xuất giải pháp

Bài toán thiếu giáo viên và giữ chân nhà giáo gắn bó lâu dài với bục giảng cần phải có lời giải cùng sự quyết tâm thực hiện từ các cấp quản lý đến từng cơ sở giáo dục. Dưới đây là một số đề xuất nhằm giải bài toán giữ chân nhà giáo:

Lương thưởng và chế độ đãi ngộ nhà giáo cần những chuyển biến tích cực để người cầm phấn yên tâm đứng trên bục giảng mà bớt đi nỗi lo canh cánh về gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cột chặt khoản chi tiêu eo hẹp. Sau bao nhiêu năm, lời hứa người thầy sống được bằng lương, sống ổn bằng lương vẫn chưa hiện hữu.

QUYN9129 8616 1637489401 2097 2618 3493 1660283762
Sau bao nhiêu năm, lời hứa người thầy sống được bằng lương, sống ổn bằng lương vẫn chưa hiện hữu. – Ảnh: Quỳnh Trần

Vì thế, Bộ Tài chính cần kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn ngân sách nhà nước để tăng lương cho giáo viên, đảm bảo thầy cô thật sự sống được bằng lương. Đồng thời, nhà nước cần có chế độ thỏa đáng cho giáo viên công tác ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa yên tâm công tác nhất là đối với giáo viên mới vào nghề lương rất thấp.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần xây dựng quy định về luân chuyển giáo viên, điều chuyển giáo viên từ địa phương thừa đến địa phương thiếu, trường này đến trường khác đi kèm với chế độ trợ cấp tương xứng, giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến bất cứ nơi đâu để giảng dạy mà không canh cánh trong lòng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền!

Đồng thời, các địa phương, sở GD-ĐT phải nắm được việc tăng giảm học sinh, thừa thiếu giáo viên hàng năm nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM do tăng dân số cơ học gây áp lực lớn lên ngành giáo dục để tham mưu các cấp có kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, xây thêm trường học, cân đối nhu cầu tuyển giáo viên kịp thời.

Bộ Nội vụ, có trách nhiệm giao đủ, đúng biên chế giáo viên, thiếu giáo viên bộ môn nào thì tuyển giáo viên bộ môn phù hợp với chuyên môn giảng dạy của trường, địa phương thiếu và cũng không phải thực hiện việc giảm 10% biên chế ngành giáo dục hàng năm theo lộ trình vì đặc thù riêng của ngành và tình hình thừa thiếu giáo viên hiện nay.

Ngành giáo dục cần triển khai hiệu quả bộ quy tắc ứng xử học đường để thầy-trò vẹn nguyên lòng tương kính và tri ân, nhà giáo-phụ huynh gắn kết và đồng hành trên con đường giáo dục trẻ, nhà trường-gia đình-xã hội vẫn là ba chân kiềng vững chắc đưa trẻ cập bến tri thức, năng lực và phẩm chất. Ngành giáo dục và các ban ngành liên quan cần nhìn nhận một cách thấu đáo những lực cản trên sự nghiệp “trồng người” để gỡ từng nút thắt, cởi trói áp lực vô hình đang bủa vây nghề giáo…

Tịnh Yên (t/h)

BN 3 jpeg 1

Thất nghiệp là… đi làm mạng xã hội?: Cái bẫy cám dỗ

“Chạy xe ôm công nghệ kiếm 15 triệu không bằng làm văn phòng lương 5 triệu”?

Tân Thế Kỷ Truyền Thống – Nhân Văn – Trung Thực

Xem thêm

- Quảng cáo -spot_img

Xem nhiều